Bí ẩn hang Dơi giữa đại ngàn

Thứ Tư, 24/09/2014, 11:56
Nằm trong quần thể cụm thác du lịch nổi tiếng Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ (tỉnh Đắk Nông) là những cánh rừng già âm u trầm mặc. Dòng thác nơi đại ngàn vẫn miên man chảy trước khi hội nguồn với dòng Sêrêpốk rộng lớn đổ về đất bạn Campuchia. Phía sau những đoạn thác tuôn trào ấy, có những cửa hang ẩn mình giữa những tảng đá ong khổng lồ. Đó là hang Dơi, nơi được bao phủ bởi biết bao câu chuyện huyền bí…

Những câu chuyện về hang Dơi

Quanh hang Dơi có nhiều câu chuyện truyền tụng. Những câu chuyện ấy có những chi tiết không hoàn toàn trùng khớp với nhau, nhưng điều chắc chắn là người dân tộc bản địa nơi này luôn tin rằng: “hang Dơi là một công trình thiên tạo”. Rằng trước khi có sự xuất hiện của bóng dáng con người và bầy dơi, hang Dơi chính là hang thần, nơi trú ngụ của những vị thần và là nơi những nàng tiên thường xuống tắm. Bởi vậy, ngay đầu nguồn dòng thác Gia Long hùng vĩ, ngày nay vẫn còn một bãi tắm mang tên “bãi tắm tiên”.

Về chuyện con người từng trú ẩn trong hang Dơi, có hai chuyện kể khác nhau. Chuyện thứ nhất kể rằng, thuở xa xưa, không biết chính xác ở thời nào, đang khi loạn lạc, có một làng dân tộc với hơn trăm người, từ một nơi xa xôi dẫn nhau vào hang trốn. Không ai biết họ đã ở trong hang bao lâu, chỉ nghe nói trong thời gian đó, họ đã làm một đám cưới tập thể. Hoàn cảnh thiếu thốn, họ phải lấy nước lã từ dòng thác để thay rượu.

Chuyện thứ hai kể lại rằng, hang Dơi có tự bao giờ, hiện chưa có câu trả lời chính xác, nhưng theo một số người dân bản địa thì nó là miệng của một ngọn núi lửa có tên là Chư Blúk. Ngày xưa, trong thời gian loạn lạc, khó khăn, vua Gia Long cùng đoàn tùy tùng đã từng kéo nhau lên chốn rừng thiêng nước độc này để lẩn trốn và đã trú ngụ ở hang động này suốt một thời gian dài. Cũng vì lẽ đó mà con thác đẹp hùng vĩ ở gần hang được đặt tên là thác Gia Long.

Một trong những cửa hang Dơi trong quần thể hang động nơi đây.

Theo Ban quản lí rừng đặc dụng Đray Sáp thì hằng ngày có hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan và ngắm cảnh hang động này. Một số vị khách hiếu kỳ đã đi sâu vào hang, nhưng cũng chỉ được vài chục mét rồi quay ra, nên hiện tại những gì liên quan đến các hang động vẫn là một dấu chấm hỏi. Xung quanh các hang động này chằng chịt dây leo, lối vào các cửa hang còn hoang sơ như thuở hồng hoang. Anh Hà Công Tụng (cán bộ Trạm Kiểm lâm Khu du lịch Đray Sáp) dẫn đường cho biết: “Hang dơi ở đây nhiều cửa lắm, cách mấy chục mét lại có một cái, chồng chéo, liên hoàn tạo nên một quần thể hang động huyền bí. Chúng tập trung chủ yếu ở tiểu khu 1246, nhưng chưa được quy hoạch để khai thác thành một điểm thu hút khách du lịch. Trong hang có vô số ngõ ngách, không biết chỗ nào là tận cùng, đá xếp thành từng chồng, tạo cảnh quan rất độc đáo…”.

Đến với nơi “sơn kỳ thuỷ tú”

Chúng tôi cùng đoàn cán bộ Kiểm lâm Trạm quản lý bảo vệ rừng và cảnh quan cụm thác Đray Sáp đi xe ô tô men theo con đường rải nhựa tiến sâu vào bìa rừng. Từ đây, tiếp tục đi bộ gần một giờ đồng hồ theo dấu những con đường mòn ngoằn ngoèo và trơn tuột. Càng đi sâu vào rừng, lớp lá mục càng dày thêm, ướt đẫm. Và đôi chân trở thành mục tiêu của bọn kiến rừng, chẳng mấy chốc sưng vù, nhức buốt. Nhưng rắc rối chỉ bắt đầu khi cơn mưa rừng chợt đổ. Đường đi trở nên trơn tuột, vừa đi vừa phải bám vào cây rừng. Nhưng nhiều lúc, do mải quan sát đường đi, tay bám phải những cành cây đầy gai nhọn hoắc làm toé máu. Khi những hạt mưa rừng vừa ngớt, đã nghe tiếng thác nước chảy ầm ào vọng lại từ xa. Và giữa mùi ẩm mốc của lá rừng, phảng phất mùi hăng hắc, khai nồng. Mùi phân dơi, đúng là phân dơi. Phía trước đã là đích của cuộc hành trình…

“Sơn kỳ thuỷ tú”. Quả là chỉ có thành ngữ này mới lột tả được vẻ đẹp của cảnh vật nơi đây, nơi hang Dơi ẩn mình phía sau dòng thác Gia Long. Muôn con suối nhỏ len lỏi giữa những cánh rừng nguyên sinh, miệt mài gom nước hợp lưu để thành dòng Sêrêpốk say đắm quyến rũ, trước khi chung dòng đổ về phía đất bạn Campuchia. Đứng trên những tảng đá phủ rêu giữa dòng nhìn lên, thác nước đổ xuống thật hùng vĩ. Lấp ló đằng sau những tán cây xanh khổng lồ, dòng nước trắng xoá càng trở nên huyễn hoặc. Lần theo những vũng nước trong xanh đến tận đáy, thử tìm dấu vết những nàng tiên trên trời xuống tắm, chợt nghe như có khí thiêng vọng về…

Đứng trước hang Dơi, đập ngay vào mắt chúng tôi là những tảng đá độc đáo. Những khối đá hình lăng trụ đáy ngũ giác, đều đặn như được ai đó đẽo gọt, gắn chặt với nhau một cách tự nhiên, thành những trụ đá khổng lồ. Và còn, còn rất nhiều khối đá màu trắng xanh với những góc cạnh đều đặn, sắc sảo như thế, nằm riêng lẻ ngoài cửa hang. Nhìn lên trên, đá được sắp đặt khéo léo, trông như một tổ ong khổng lồ. Theo quan sát của chúng tôi, những khối đá lăng trụ này có hình dáng và kết cấu y hệt như đá ở thành Tà Cơn. Dựa vào những câu chuyện kể của người dân bản địa và quan sát thực tế, có thể lý giải rằng những khối đá này có nguồn gốc thiên tạo, hoàn toàn không phải là sản phẩm từ bàn tay con người.

Người dân nơi đây vẫn tin rằng, trong hang còn dấu tích và những đồ vật từ thời xa xưa. Thời gian gần đây, khi dơi trong hang còn ít, một số người địa phương đã tìm cách vào khám phá hang Dơi. Năm 2010, một du khách người Nhật cùng hai người bạn nữa vào hang, xem thử trong hang có những gì, nhưng đi được gần hai ngày vẫn chưa hết hang. Dù vậy, họ cũng đã kịp chứng kiến quang cảnh bên trong hang. Theo anh Trần Xuân Quang - cán bộ Kiểm lâm đi cùng cho biết: “Bên trong hang rộng mênh mông, vô số ngõ ngách, không biết chỗ nào là tận cùng, đá xếp thành những cảnh tượng rất độc đáo. Du khách người Nhật và những người bạn thử cố tìm hiện vật nào còn sót lại từ thời xưa, nhưng không thể chịu được cái lạnh và bóng tối, nên đành quay trở lại…”.

Là người đã từng công tác tại nhiều danh thắng khắp cả nước, anh Quang cho rằng, cảnh vật hang Dơi nơi đây quyến rũ không kém các động Hương Tích, Phong Nha…:“Nếu được đầu tư tốt, Hang Dơi sẽ là một điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn thu hút nhiều khách du lịch”. Ông Võ Văn Tâm - Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp cho biết thêm: “UBND tỉnh đã có chủ trương kêu gọi đầu tư du lịch vào cụm thác này, biến nơi đây thành một “thiên đường” du lịch dã ngoại và nghỉ dưỡng. Với hy vọng một ngày không xa, nơi đây sẽ được đầu tư, khai thác trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, xứng đáng với những giá trị mà thiên nhiên ban tặng…”

Văn Thành
.
.
.