Bệnh viện Bạch Mai cứu sống bé trai bị nhiễm trùng huyết tiểu cầu nặng kháng thuốc

Thứ Tư, 29/10/2014, 10:22
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau hơn 1 tháng cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh nhân Nguyễn Văn Linh, 12 tuổi, quê ở xã Phúc Thượng, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, bị nhiễm trùng huyết tụ cầu và kháng thuốc kháng sinh đã được cứu sống, sức khỏe bình phục và chuẩn bị xuất viện. Đây là một ca bệnh nhi nặng, điều trị khó khăn và hiếm gặp trong 15 năm qua tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đêm 14/9, cháu Nguyễn Văn Linh được chuyển từ tuyến dưới lên Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, nổi ban ngứa toàn thân, đau khớp háng, đau cơ đáy chậu, BS Dũng và ê kíp đã nghi ngờ Linh bị nhiễm trùng huyết. Sau đó Linh tiếp tục sốt cao, khó thở, huyết áp tụt, mạch nhanh, nhưng chưa tìm ra loại vi trùng và đường vào của nó. Sau khi xem xét kỹ, BS Dũng đặt nghi vấn, Linh bị nhiễm vi trùng tụ cầu từ cộng đồng. Đường đi của vi trùng là từ vết gãi trầy xước trên 2 chân vào máu. Vì bị nhiễm trùng huyết nặng, lại thêm viêm phổi, khó thở nên các bác sĩ đã chỉ định ngay thuốc kháng sinh thế hệ thứ hai là Vancomycin để chống tụ cầu. Sau 3 ngày dùng kháng sinh mà cháu Linh vẫn sốt. Bệnh nhân đã xuất hiện kháng kháng sinh. Các bác sỹ đã phải đưa ra ngay một quyết định táo bạo: chuyển sang kháng sinh chống tụ cầu thế hệ thứ 3 là Linezolid. Tuy nhiên, chưa kịp dùng thì bệnh nhân có biến chứng phổi tràn khí, tràn mủ rất nguy kịch.

Sau hơn 1 tháng điều trị, cháu Linh đã hồi phục sức khỏe.

“15 năm nay chúng tôi mới gặp lại trẻ nhỏ bị nhiễm tụ cầu nặng đến như vậy. Bệnh này nếu dùng kháng sinh có hiệu quả thì rất tốt, còn bị kháng thuốc thì rất nguy hiểm. Nhưng rất may là cháu Linh lại thích ứng với kháng sinh thế hệ thứ 3”- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thì trong y văn thường gặp vi trùng lây kháng thuốc trong bệnh viện, nhưng sau rất nhiều năm mới gặp trường hợp lây ở nhà như cháu Linh. Việc điều trị nhiễm trùng huyết tụ cầu hiện chỉ có 3 loại kháng sinh, nhưng nếu người bệnh kháng thuốc cả 3 loại trên thì sẽ phải tìm thêm loại thứ 4, mà loại này, theo ông Dũng tìm ở Việt Nam rất khó, buộc phải phối hợp kháng sinh liều tối đa. Điều này giống như đánh đố bệnh nhân.

Tụ cầu ngoài da bình thường sống ở da, khi bị xây xước, tổn thương có thể bị nhiễm trùng. Để đề phòng bệnh nhiễm trùng huyết tiểu cầu, người dân không nên coi thường các vết xước, ngứa và những tổn thương ngoài da vì khi bị nhiễm trùng từ da vào máu chỉ vài ba ngày. Không nên dùng móng tay để gãi khi bị ngứa mà chỉ nên xoa. Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Khi có tổn thưởng ở da như mụn, nhọt mủ cần phải đến cơ sở y tế để khám

Trần Hằng
.
.
.