Bệnh quan liêu vẫn là trở ngại lớn trong cải cách hành chính
Thông qua một bức thư cảm ơn cũng mất tới… 29 ngày
Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, lực cản trong công cuộc cải cách hành chính ở Thủ đô nằm ở cả cơ chế, chính sách. Những chồng chéo, lạc hậu đòi hỏi phải sửa đổi, bãi bỏ và đang làm rất chậm. Ông Nghị nhấn mạnh, lực cản thứ hai chính là từ những con người trong bộ máy và đây là nguyên nhân chủ yếu.
Theo Bí thư, hành chính cấp cơ sở rất đáng biểu dương, đặc biệt là bộ phận tiếp dân ở nhiều nơi đã có những thay đổi đáng kể cả về tinh thần, trách nhiệm phục vụ. Trong khi đó, qua nhiều kênh thông tin phản hồi từ người dân, dường như những tồn tại, vướng mắc lại nằm ở cấp sở ngành, của TP. Ông Nghị cho biết, người dân vẫn còn phàn nàn đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan sở ngành vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, hứa hẹn, không giải quyết hoặc giải quyết chậm…
PCI giảm là “lời báo động” để Hà Nội chấn chỉnh kỷ cương hành chính. |
Dẫn chứng cụ thể được ông Nghị nêu về bệnh quan liêu ngay tại cấp TP có xu hướng tăng: "Một bức thư cảm ơn lãnh đạo Lào nhân dịp một ngày lễ lớn của TP do Sở Ngoại vụ Hà Nội trình tới tay tôi kém đúng 1 ngày là mất một tháng. Tôi tìm hiểu ra thì văn bản đó nằm ở Văn phòng UBND TP 22 ngày, 8 ngày còn lại nằm ở Sở Ngoại vụ". Bí thư yêu cầu, TP tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm cán bộ, tiếp tục rà soát các thủ tục thuộc lĩnh vực đặc thù của Thủ đô; tăng cường kiểm tra công vụ…
Báo cáo tình hình thực hiện cải cách hành chính của TP Hà Nội cho thấy, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ chưa cao nhất là một số cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến các tổ chức và công dân, một bộ phận cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực, ý thức chấp hành kỷ cương kỷ luật hành chính chưa cao, thiếu trách nhiệm, cá biệt có một số cán bộ, công chức, viên chức vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy, tính quyết định trong chỉ đạo của các Sở Tài chính, Tài nguyên môi trường, Kế hoạch đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc được đánh giá với mức độ thấp, cao nhất là 28%. Mức độ hài lòng đối với thái độ thực thi công vụ của đội ngũ công chức tại các sở này là thấp, cao nhất là 26,2%.
Hà Nội sẽ gặp mặt doanh nghiệp để chấn chỉnh PCI
Cũng trong hội nghị sáng nay, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu ngay trong tháng 4, UBND TP sẽ tổ chức một hội nghị với các doanh nghiệp chỉ để nghe ý kiến của họ với một câu hỏi duy nhất: Doanh nghiệp có ý kiến gì với TP? Đây là một trong những hành động nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội sau khi Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thủ đô năm nay vừa được công bố “đứng” ở thứ 51/63 tỉnh, TP và bị tụt 15 bậc so với năm ngoái.
Theo báo cáo, trong 9 chỉ số thành phần để tính toán chỉ số CPI, có 5 chỉ số Hà Nội xếp loại thấp so với cả nước, đó là các chỉ số “tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”; “chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước”; “chi phí không chính thức”; “tính năng động và tiên phong của lãnh đạo” và chỉ số “thiết chế pháp lý”. Riêng chỉ số “tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh”, Hà Nội đều giảm về giá trị tuyệt đối và xếp hạng.
Kết quả phân tích sâu cho thấy, có 60,7% doanh nghiệp nhận định rằng có những sáng kiến tốt ở cấp TP nhưng việc thực thi ở các sở, ngành lại có vấn đề; 21% doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo TP có chủ trương, chính sách tốt nhưng không được thực hiện đúng ở cấp huyện. Với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân của TP, tính sáng tạo, sáng suốt trong việc giải quyết những trở ngại của TP bị đánh giá là giảm sút nhiều. Cũng có tới 54% doanh nghiệp cho rằng không có bất kỳ sự thay đổi nào sau khi thực hiện cải cách hành chính; chỉ có 15,5% cán bộ Nhà nước làm việc hiệu quả hơn sau khi thực hiện cải cách hành chính.
Tại Hà Nội, 68,27% doanh nghiệp được điều tra cho rằng “nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”; 58,8% doanh nghiệp cho rằng công việc được giải quyết sau khi có chi phí không chính thức; 40,7% doanh nghiệp qua điều tra thừa nhận đã trả hoa hồng để có được hợp đồng từ các cơ quan Nhà nước và đến 56% doanh nghiệp nhận định sự quan tâm của chính quyền không phụ thuộc vào đóng góp của doanh nghiệp cho địa phương.
Nhận xét về báo cáo trên, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng: “Năm 2012, Hà Nội có hẳn một đề án để nâng cao PCI, sau một năm, chúng ta không những không tăng lại giảm tới 15 bậc. Đây là một lời báo động để Hà Nội chấn chỉnh kỷ cương hành chính”