Bệnh nhi nhập viện tăng vì nắng nóng

Thứ Hai, 23/07/2012, 04:49
Đợt nắng nóng kéo dài tại các tỉnh phía Bắc đã khiến cho nhiều trẻ em phải nhập viện vì các bệnh lý viêm mũi họng, viêm VA, viêm tai giữa, viêm phế quản. Nắng nóng cũng khiến nhiều trẻ em bị viêm ống tai ngoài do đi bơi. Sự chủ quan của nhiều bậc phụ huynh trong mùa hè còn khiến trẻ phải nhập viện do nuốt dị vật, chảy máu tai.

Trẻ nhập viện vì thời tiết

Ngày 21/7, tại Khoa Khám bệnh, Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, chị Trần Thị Nga, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội đưa con gái là cháu Nguyễn Thu Cúc, 5 tuổi đến khám trong tình trạng bị sốt kèm theo ho kéo dài. Chị Nga cho hay, những ngày này thời tiết nắng nóng nên chị Nga thường cho cháu nằm ngủ và chơi trong phòng điều hoà đặc biệt những ngày cuối tuần. Cháu bị nhiễm lạnh lúc nào không hay rồi dẫn đến viêm họng kèm theo sốt và ho kéo dài, ăn uống kém, người xanh xao. Tưởng cháu bị sốt thông thường, chị Nga đã đi mua thuốc hạ sốt nhưng vẫn không thuyên giảm. Đưa cháu đến bệnh viện, chị Nga mới ngã ngửa khi biết con mình đã bị viêm phổi.

Ngay bên cạnh chị Nga, chị Nguyễn Thanh Vân, trú tại quận Hai Bà Trưng cũng đưa cậu con trai 3 tuổi đến khám bệnh với biểu hiện sốt, biếng ăn. Chị Vân cho hay: Ngày hôm trước, trời nắng nóng, cháu nô đùa cùng bạn khiến quần áo ướt đẫm mồ hôi. Vừa về đến nhà, cháu lại vào phòng điều hoà và đứng ngay trước quạt. Sáng hôm qua đã thấy cháu có biểu hiện sốt, không chịu ăn uống nên hôm nay tôi đưa cháu đến bệnh viện khám. Các các sỹ chẩn đoán cháu bị viêm họng dẫn đến sốt cao.

Người nhà và bệnh nhi đang chờ đến lượt khám bệnh.

Thời tiết nắng nóng 36 đến 37 độ C khiến cho trẻ em nhập viện gia tăng. Theo Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Linh Chi, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TW, trung bình một ngày ở đây khám và điều trị ngoại trú cho gần 1.000 bệnh nhân, trong đó bệnh nhi chiếm 60%. Bệnh nhi đến viện chủ yếu là bệnh lý viêm mũi, họng, viêm VA, viêm tai giữa.

Nguyên nhân dẫn đến viêm mũi, họng ở trẻ là do virus Adenovirus, virus cúm, virus Haemophilus Influenzce và trẻ nằm điều hòa rồi đột ngột ra ngoài trời. Biểu hiện của bệnh là ho, chảy nước mũi, sốt, biếng ăn. Trẻ mắc các triệu chứng trên dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm VA. Có trẻ bị bệnh vài ngày cha mẹ mới cho đến khám, nên bệnh đã biến chứng vào phổi.

Cẩn trọng với trẻ bị tai nạn mùa hè

Ngày hè, ngoài thời tiết nắng nóng, trẻ nghỉ hè ở nhà dễ gặp tai nạn do thiếu sự cẩn trọng của người lớn. Ngày nào Viện Tai-Mũi-Họng TW cũng có bệnh nhi nhập viện do nhét phải dị vật vào tai và mũi. Dị vật có thể là đồng xu, cũng có thể là đầu bút bi, pin, hạt cườm, hạt kim sa óng ánh đính trên áo trẻ nhét vào tai và mũi. Nhưng cũng có những tai nạn đáng tiếc xảy ra ngay trong chính gia đình. Đó là trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Tuấn V., 8 tháng tuổi, ở Hà Nội vào viện cấp cứu trong tình trạng khóc nhiều, luôn khạc, khó thở, chảy máy trong miệng, bỏ bú, mệt mỏi và yếu. Bác sĩ đã làm các biện pháp cấp cứu, qua chụp phổi đã phát hiện trong đường thở của cháu có 1 miếng thủy tinh nhỏ. Nguyên nhân sau đó đã được làm rõ. Bà của V. làm vỡ lọ thủy tinh đựng mì chính và đã hớt mì chính rơi vào nấu bột cho cháu. Trong mì chính có lẫn thủy tinh vỡ, dẫn tới đứa trẻ 8 tháng tuổi ăn phải và bị hóc.

Không chỉ do thiếu cẩn trọng mà nhiều “tai nạn” tưởng chừng hết sức đơn giản nhưng lại xảy ra cho trẻ. Đó là nhiều phụ huynh rất hay cho con nghịch bông ngoáy tai và dẫn tới trẻ bị chảy máu tai. “Rất nhiều trường hợp đã phải vào đây khám và cấp cứu vì điều này” - bác sĩ Nguyễn Linh Chi cho biết.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Linh Chi, bệnh thường gặp ngày hè ở trẻ nữa là viêm ống tai ngoài. Nguyên nhân là thời tiết nóng nực, trẻ đi bơi nhiều, do vệ sinh ở một số bể bơi chưa tốt đã dẫn đến đau tai, sốt, quấy khóc, rỉ nước trong tai ra. Bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng cũng khiến cho trẻ giảm nghe đi một phần. Nếu đến viện sớm, bác sĩ cho điều trị 5 ngày bằng cách vệ sinh tai, làm thuốc tại chỗ là khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Linh Chi cảnh báo: Để trẻ tránh bị viêm ống tai ngoài, khi đi bơi phải có nút tai chuyên dụng. Nếu không thì bơi xong, phải vệ sinh tai bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc thấm bông lau sạch. Để phòng tránh bệnh lý do thời tiết nắng nóng, theo bác sĩ Nguyễn Linh Chi thì cha mẹ tránh cho con uống đồ lạnh, nằm điều hòa không chĩa thẳng vào mặt và đặc biệt vệ sinh mũi họng cho trẻ hằng ngày.

T.Hằng - N.Hương
.
.
.