Bệnh liên cầu lợn hoàn toàn trong tầm kiểm soát của ngành Y tế

Thứ Năm, 27/09/2012, 09:01
TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết việc khống chế bệnh liên cầu lợn hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành Y tế. Người dân chỉ cần tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo không ăn tiết canh, không sử dụng các sản phẩm tái từ lợn và có bảo hộ khi giết mổ lợn là đã có thể phòng tránh được bệnh.

Chỉ trong vòng hơn 4 tháng qua, riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 54 bệnh nhân liên cầu lợn (LCL), trong đó, một số ca đã tử vong. Đặc biệt, một bệnh nhân trên địa bàn Hà Nội được cho là tử vong do LCL, khiến người dân rất hoang mang. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

PV: Thưa ông, dư luận những ngày qua rất quan tâm đến diễn biến của bệnh LCL, nhất là sau khi một số bệnh nhân tử vong. ông có thể cho biết, năm nay bệnh LCL có diễn biến phức tạp hơn mọi năm không?

TS. Nguyễn Văn Bình: Những năm gần đây, mỗi năm có khoảng từ 80-100 trường hợp mắc LCL trên cả nước, chủ yếu ở miền Bắc, trong đó, nổi lên là các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Tây (cũ), Nam Định, hay ở miền Trung như Quảng Trị, những địa phương có tập quán ăn tiết canh. Bệnh LCL tập trung nhiều nhất vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng. Như vậy, con số 54 bệnh nhân LCL được phát hiện thời gian qua cũng không phải là sự đột biến về bệnh LCL, mà vẫn nằm trong giới hạn hằng năm.

Nhưng người dân quan tâm hơn trước là do công tác tuyên truyền của báo chí, khiến người dân ý thức hơn về sự nguy hiểm của căn bệnh này. Nhân đây, xin nói rằng: bệnh nhân tử vong trên địa bàn Hà Nội mới đây được cho là có nguyên nhân từ LCL, nhưng kết quả xét nghiệm lại cho thấy không phải do LCL.

PV: Ông có thể cho biết khả năng lây lan cũng như nguy cơ tử vong của bệnh LCL và việc ngăn chặn, điều trị có gặp khó khăn không?

TS. Nguyễn Văn Bình: Bệnh LCL lây từ lợn sang người chủ yếu là do ăn tiết canh lợn. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Tỷ lệ tử vong khá cao, tới 10 - 20%. Bệnh chưa có vaccin phòng chống, nhưng lại không lây từ người sang người.

Tác nhân gây bệnh LCL là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis) tồn tại lâu trong phân, nước, rác, nhưng dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa, có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh. Cho đến nay, việc khống chế bệnh LCL hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành Y tế. Người dân chỉ cần tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo không ăn tiết canh, không sử dụng các sản phẩm tái từ lợn và có bảo hộ khi giết mổ lợn là đã có thể phòng tránh được bệnh.

PV: Nhiều người lo ngại khi có ý kiến rằng, có mối liên quan giữa dịch lợn tai xanh đang có xu hướng gia tăng với nguy cơ tăng số người mắc LCL. Theo ông, đó có phải là điều đáng lo ngại?

TS. Nguyễn Văn Bình: Mối  liên quan giữa bệnh LCL và bệnh lợn tai xanh chỉ là ý kiến của một vài tác giả, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Bởi bệnh LCL và hội chứng rối loạn hô hấp - sinh sản ở lợn, thường được gọi là bệnh “tai xanh”, do 2 tác nhân hoàn toàn khác nhau gây bệnh: bệnh LCL là do liên cầu gây ra, còn bệnh tai xanh do virus gây ra. Bệnh lợn tai xanh có rất nhiều ở các địa phương, nhưng chưa thấy có bằng chứng virus gây bệnh tai xanh ở lợn có khả năng lây lan và gây bệnh ở người.

PV: Bộ Y tế đã có những biện pháp gì nhằm ngăn chặn, hạn chế bệnh LCL trong thời gian qua?

TS. Nguyễn Văn Bình: Chúng tôi đã có nhiều biện pháp tích cực và kịp thời, như tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao; tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; đẩy mạnh tuyên truyền tới các vùng, miền để người dân nhận biết, chủ động phòng tránh bệnh LCL và không hoang mang trước các thông tin về dịch bệnh.

Việc người dân ngày càng quan tâm tới bệnh LCL, dù diễn biến không có gì bất thường, đã cho thấy sự thay đổi nhận thức của người dân. Nhiều trường hợp LCL đã qua khỏi, cũng nhờ được phát hiện sớm và cứu chữa kịp thời.

PV: Xin ông những khuyến cáo cụ thể để phòng, tránh bệnh LCL?

TS. Nguyễn Văn Bình: Mạng lưới y tế cơ sở ở các cấp vẫn tuyên truyền các nội dung cụ thể để người dân phòng tránh: Bệnh có thể lây truyền từ lợn sang người qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bị bệnh, hoặc qua đường ăn uống. Vì thế, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y; tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Tuyệt đối không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

PV: Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.