Bệnh liên cầu lợn có khả năng tăng theo dịch lợn tai xanh

Thứ Bảy, 22/09/2012, 11:05
Những ngày qua, người dân lo ngại khi số người nhập viện do liên cầu lợn (LCL) tăng cao, nhất là khi một số trường hợp đã tử vong. Để tìm hiểu thêm về tình hình bệnh này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ths. Nguyễn Hồng Hà (NHH), Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW:

- Thưa Ths. Nguyễn Hồng Hà! Xin ông cho biết diễn biến bệnh LCL những năm gần đây?

Ths. NHH: Đây là bệnh phơi nhiễm, truyền từ lợn sang người. Mà lợn là động vật chúng ta chăn nuôi, giết mổ nhiều, nên khả năng lây nhiễm càng cao. Bệnh LCL được thế giới phát hiện từ năm 1968, còn ở Việt Nam, do khả năng xét nghiệm, nên mới phát hiện được khoảng chục năm gần đây. Cùng với sự phát triển của các phòng xét nghiệm, bệnh LCL cũng được phát hiện nhiều hơn.

Ths. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW thăm khám một bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn.

Điều đáng lưu tâm là ở Việt Nam hiện nay, nhánh độc lực LCL mạnh hơn trước, nên nhóm bệnh gây ra nặng hơn, tỉ lệ tử vong cũng cao. Bệnh nhân nhiễm LCL có 2 thể: viêm màng não mủ, đôi khi kèm nhiễm trùng huyết toàn thân và thể nhiễm trùng huyết. Trước đây viêm màng não là chính, nay đã có nhiều người bị sốc nhiễm khuẩn, gây tử vong cao, hoặc không được điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề.

Ở miền Nam chủ yếu viêm màng não, chỉ khoảng 2% nhiễm trùng huyết và sốc, còn miền Bắc tỉ lệ nhiễm trùng huyết và sốc tới 10-15%. Hơn 4 tháng qua, đã có 54 trường hợp vào BV Bệnh nhiệt đới TW, đều trong tình trạng rất nặng và một số trường hợp đã tử vong. Chưa kể, nhiều trường hợp chưa xác định được bệnh do điều kiện của cơ sở y tế.

- Việc điều trị bệnh LCL có gì khó khăn, thưa ông?

Ths. NHH: Bệnh nhân tăng, nhưng lại khó xác định chính xác dù có đủ các dấu hiệu lâm sàng. Chỉ xác định LCL là căn nguyên quan trọng gây ra các nhiễm trùng nặng có sốc, mà nếu không phòng nhiễm, hay phát hiện sớm thì việc điều trị khó khăn, vì phải vừa dùng kháng sinh, vừa hồi sức tốt. Bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhiễm trùng huyết diễn tiến nhanh thành nhiễm độc toàn thân, gây suy đa phủ tạng, khiến việc điều trị khó khăn và kéo dài, tốn kém, nên đòi hỏi phải phát hiện sớm, chữa trị khẩn trương trong vòng 6 giờ kể từ lúc sốc. Có ca từ lúc ăn tiết canh đến lúc phát bệnh chỉ 20 tiếng, nhưng từ lúc sốc đến lúc bị nặng chỉ 12 tiếng, nên khi đến BV đã muộn, việc chữa trị rất khó do các tạng đã suy.

Hơn nữa, hồi sức các bệnh nhân này đòi hỏi các biện pháp tổng lực, khẩn trương: kháng sinh, thở máy, truyền dịch, lọc máu sớm v.v… mà phải đơn vị có đầy đủ điều kiện mới cấp cứu được, vì cần các loại thuốc, trang thiết bị hiện đại, chi phí tới gần 20 triệu. Trong khi hầu hết bệnh nhân mắc LCL là nam, ở tuổi trung niên, nghiện rượu và kinh tế khó khăn, nên việc cấp cứu còn phụ thuộc vào sự đồng ý của gia đình bệnh nhân.

- Người dân lo lắng muốn biết, bệnh LCL có dễ lây truyền không thưa ông?

Ths. NHH: Bệnh không lây từ người sang người, nhưng là bệnh lưu hành quanh năm và là căn nguyên đứng đầu gây viêm màng não mủ, chiếm 2/3 số ca. Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị, hướng dẫn các tuyến và cán bộ y tế đã có kinh nghiệm để chẩn đoán, xử trí sốc. Nhưng nhóm bệnh này thường phải BV tỉnh trở lên và có điều kiện hồi sức mới chữa được. Nhưng cũng chỉ một số BV tỉnh xác định chính xác được bệnh cũng như lọc được máu.

- Nguy cơ tử vong do LCL có cao không, thưa ông?

Ths. NHH: Tỷ lệ tử vong do LCL chiếm 7 – 10%. Nếu viêm màng não thì nhiều tuyến đã chữa được, còn nhiễm trùng huyết có sốc thì tỷ lệ tử vong tới 50-60%. Vì thế, thấy bệnh nhân với các dấu hiệu: sốt cao, vật vã, suy sụp nhanh, mê sảng, tiêu chảy… gia đình phải khẩn trương đưa đến BV để được hồi sức, hỗ trợ, vì bệnh tiến triển rất nhanh.

- Dịch lợn tai xanh có khả năng lan rộng tại nhiều tỉnh. Theo kinh nghiệm của ông, điều đó liệu có tỉ lệ thuận với số lượng bệnh nhân mắc LCL?

Ths. NHH: Có chứ! LCL liên quan nhiều đến dịch lợn tai xanh, vì vi khuẩn LCL có sẵn trong đường hô hấp lợn. Khi lợn nhiễm virus gây bệnh, sức miễn dịch suy giảm, khiến vi khuẩn LCL phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn. Nhiều người dân vẫn giết mổ lợn ốm, hoặc bán chạy lợn ốm, dẫn đến người giết mổ, hoặc ăn phải thịt lợn, nội tạng, tiết canh của lợn bệnh v.v… bị phơi nhiễm cao, số bệnh nhân cũng tăng. Những người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, suy gan, nghiện rượu… thì càng dễ mắc bệnh. Ở BV Bệnh nhiệt đới TW, năm nay số bệnh nhân cũng cao nhất từ trước đến nay, ở hầu hết các tỉnh chăn nuôi nhiều: Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định …

- BV có tiến hành các nghiên cứu khoa học nhằm hạn chế bệnh này không, thưa ông?

Ths. NHH: Chúng tôi đã triển khai thêm kỹ thuật nuôi cấy để xác định chính xác virus. Nhưng nghiên cứu sâu thì khó, vì đây là vấn đề mang tính Quốc gia, phải phối hợp với ngành Thú y… Hơn nữa, một số bệnh nhân có đủ dấu hiệu bệnh cảnh, nhưng lại không thấy mối liên quan bị nhiễm do đó, cần nghiên cứu sâu giữa dịch tễ, lâm sàng với thú y.

- Là nhà chuyên môn, ông khuyến cáo gì để người dân phòng, tránh bệnh LCL?

Ths. NHH: Bệnh LCL dễ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, người dân tuyệt đối không ăn các món thịt lợn chế biến chưa chín, không ăn tiết canh, không xử lý sản phẩm sống từ lợn bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Người giết mổ động vật phải rửa tay sạch sau khi chế biến. Khi thấy có các biểu hiện sốt cao, xuất hiện ban hoại tử ở da chân, da tay thì khẩn trương đến bệnh viện điều trị ngay.

- Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.