Bến xe Miền Đông: Một năm chi hơn 300 triệu đồng… tiếp khách

Thứ Tư, 21/06/2006, 08:50
Ngay trong hệ thống tài chính kế toán của Bến xe Miền Đông vẫn đang còn "ứ đọng" chưa giải quyết được hàng trăm triệu đồng đã chi, song không có hóa đơn chứng từ...

Nói về chuyện "tiếp khách" của lãnh đạo Bến xe Miền Đông, chúng tôi lại nhớ đến câu chuyện trong buổi làm việc với ông Đỗ Tiến Lực - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Văn Phong - Phó Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Samco chiều 13/6.

Khi chúng tôi hỏi đến việc chi tiêu sai nguyên tắc của nguyên giám đốc Nguyễn Nam Sơn, kể cả chuyện nhiều người phản ánh ông Sơn "cứ buồn là bắt anh em đi nhậu…" thì cả ông Lực và ông Phong đều lắc đầu nói: "Không biết anh em họ phản ánh sao chứ chúng tôi chẳng thấy Nam Sơn bê tha, hay nhậu nhẹt bao giờ…!"

Nghĩa là về "đạo đức" và "nhân cách sống" ông Nam Sơn thuộc loại cán bộ "không chê vào đâu được". Để tìm hiểu rõ về  ông Nam Sơn, chúng tôi đã gặp nhiều cán bộ ở Bến xe Miền Đông và họ cho biết: Ông Nam Sơn thuộc loại người chơi bời, thích ăn nhậu nhưng ông Sơn đi nhậu đều do tiền của anh em trong bến hoặc kinh phí bến xe phải trả…

Theo báo cáo tài chính Bến xe Miền Đông thì chỉ riêng năm 2005, Bến xe Miền Đông đã chi phí cho việc tiếp khách hết 308.858.744đ. Trong số này, có đến 96.302.000đ không có hóa đơn chứng từ.

Khi chúng tôi thông báo số tiền tiếp khách trên cho một số cán bộ chủ chốt ở Bến xe Miền Đông, nhiều người choáng váng về con số khủng khiếp  ấy. Họ cung cấp thêm cho chúng tôi biết, ông Nam Sơn có một đặc tính rất kỳ lạ. Hầu hết các cuộc giao lưu, đãi đằng từ các sếp lớn đến sếp bé ông đều gọi các "Mạnh Thường Quân" là cán bộ chủ chốt ở bến xe hay những ai có quan hệ làm ăn trong bến ra để cùng ăn, cùng nhậu và cuối cùng là họ… trả tiền.

Chưa hết, họ còn kể nhiều chuyện "cười ra nước mắt": Khi họ đã trả tiền xong thì bao giờ ông Nam Sơn cũng "xin" lại hoá đơn bỏ túi riêng mang về. Sau này, mọi người mới vỡ lẽ, ông Nam Sơn lấy hết những hoá đơn này để cho kế toán thanh toán vào khoản "chi tiếp khách" của lãnh đạo bến xe. Và trong số hơn 300 triệu chi tiệc tùng ấy, số hóa đơn mà ông Nam Sơn "xin" mang về thanh toán không dưới 100 triệu đồng.

Trong số hàng trăm triệu chi tiêu không hóa đơn, chứng từ thì cũng trong năm 2005 ông Nam Sơn còn chi 47,4 triệu đồng tiền mua vé máy bay "tặng bạn và tôi".

 

Vì sao ông Nam Sơn suốt ngày "quần thảo" ở Bến xe?

 

Đã có một thời, ngay từ khi được điều về làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Bến xe Miền Đông, ông Nam Sơn được không ít lãnh đạo đánh giá: "Hiện tượng Nam Sơn" là "điểm sáng" về cách quản lý, cũng như điều hành bến xe theo phong cách mới. Đặc biệt là sự xuất hiện thường xuyên của ông Nam Sơn ngày đêm ở Bến xe khiến nhiều người ngộ nhận về sự tích cực của ông ta.

 

Mới đây, sau khi nhận được hàng loạt đơn thư tố cáo của quần chúng về những hành vi tham nhũng ở bến xe Miền Đông, qua quá trình xác minh chúng tôi được biết, ông Nam Sơn ngày đêm lăn lộn ở Bến xe Miền Đông không phải vì ông "tham công tiếc việc" mà điều cốt lõi là ông theo dõi, giám sát đám đệ tử dưới quyền "thu phí" ở khu vực bến xe như thế nào?

 

Có rất nhiều người khẳng định, ban ngày cũng như thâu đêm suốt sáng, khi Lê Minh Cường và đám thuộc hạ "làm luật" ở Bến xe Miền Đông (tất cả các khoản thu trực tiếp không vé mà số báo 409 chúng tôi đã thông tin) khi nào đông xe thì vài tiếng sau, ít xe thì cũng không quá 1 buổi là đám đệ tử này phải vào "báo cáo" rồi sau đó giao nộp những khoản thu "ngoài luồng" này cho ông Sơn.

Những dịp hè, lễ, Tết, những khoản thu trên lên tới cả chục triệu đồng mỗi ngày. Tiền thu thì nhiều như vậy, song đám đàn em của Cường cho biết: Không rõ các sếp được lợi lộc bao nhiêu chứ đám tép riu nhân viên quèn thì chỉ đủ sống, lai rai qua ngày. Đây có lẽ là động cơ duy nhất vì sao ông Nam Sơn, cũng như đám thuộc hạ suốt ngày đêm "quần thảo" ở Bến xe Miền Đông!

Cũng vì ông Nam Sơn thường xuyên có mặt như vậy nên hầu hết những vụ việc như: Lái xe vô ý làm đổ chậu kiểng, hoặc "không chấp hành" điều luật nào của bến xe cho dù là vô cớ nhưng hễ cứ có "đề xuất" là ông Nam Sơn "xử lý ngay". Nhẹ nhất cũng là đình tài 15 ngày, nặng hơn thì người vi phạm chịu phạt số tiền gấp nhiều lần giá trị thật. Cứ như thế, thử hỏi sao hành khách và nhà xe không than trời?!

Nhóm PV Kinh tế
.
.
.