Bể bơi mùa nắng nóng: Cẩn trọng mắc bệnh do quá tải

Thứ Hai, 21/05/2012, 03:55
Thời tiết nắng nóng, nên nhiều người muốn đến bể bơi khiến cho 50 bể bơi ở Hà Nội hoạt động hết công suất cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Quá tải lượng khách khiến một số bể không kịp thay nước, thau rửa, dẫn tới không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh là nguyên nhân chính gây tâm lý e ngại cho khách hàng.

Mới khởi động vào hè nhưng nhiều bể bơi ở Hà Nội đã rơi vào quá tải do nhu cầu bơi và học bơi hiện rất lớn.  Thời tiết nắng nóng cũng khiến cho nhiều người chọn giải pháp đến bể bơi, thành ra 50 bể bơi ở Hà Nội hoạt động hết công suất cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Quá tải lượng khách khiến một số bể không kịp thay nước, thau rửa, dẫn tới không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh là nguyên nhân chính gây tâm lý e ngại cho khách hàng.

Bể bơi giá bình dân đắt khách

Có mặt tại bể bơi Thái Hà, Hà Nội vào 7h sáng, chúng tôi thấy khá nhiều người đang thả mình xuống hồ nước xanh mát. Nhìn bằng mắt thường, màu nước trong bể xanh trong khiến nhiều cảm thấy yên tâm. Không có cảnh mặc quần áo nhộm nhoạm, bể bơi Thái Hà khá quy củ và sạch sẽ. Hệ thống loa thường xuyên phổ biến các quy định cũng như công tác đảm bảo an toàn cho khách bơi.

Khoảng 9h, khi khách đã về hết, nhân viên mới thực hiện công tác thay lọc nước, vớt lá cây… chuẩn bị phục vụ khách buổi chiều. Theo ông Lê Văn Thành, Giám đốc Trung tâm bơi lội thể thao Thái Hà thì hệ thống bể bơi Thái Hà  có 2 loại: một dành cho trẻ em, một dành cho người lớn với sức chứa từ 100- 200 người. Năm nào, ở đây cũng tiến hành duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn cho người bơi với hệ thống lọc nước tuần hoàn. Hiện nay, vé vào cửa dành cho người lớn là 20.000 đồng /ca, trẻ em là 15.000 đồng/ca, không tăng so với năm trước.

Nhu cầu cho trẻ em tiếp xúc với nước và học bơi của các bậc phụ huynh hiện rất lớn, nhưng những bể bơi dành cho thiếu nhi ở Hà Nội hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì điều này mà cứ hè đến, các bể bơi dành cho trẻ em lại đông nghẹt do quá tải. Nhiều người có nhu cầu cho con học bơi phải “canh” giờ tuyển sinh để chen chân xin được suất học cho con.

Những nơi dạy bơi nổi tiếng như Trường thể thao thiếu niên 10-10, các Trung tâm văn hóa, bể bơi Thái Hà… đều đã kín chỗ, thế nên các bậc phụ huynh phải cho con bơi ở những bể nửa của người lớn, nửa là trẻ em. Anh Bùi Minh Hải, ở Đội Cấn, quận Ba Đình cho biết: “Tôi thường đưa con đến bể bơi của khách sạn Khăn Quàng Đỏ, năm nay giá vé trẻ em tăng lên 30.000đ/lượt nhưng do diện tích nhỏ, người đến lại đông nên các cháu vào đây chủ yếu là… lội chứ không có chỗ thoái mái để bơi”. Theo ghi nhận của chúng tôi, những bể bơi có giá bình dân luôn đông khách, thậm chí còn quá tải vào tháng 6 và 7.

Bể bơi Thanh niên, số 1 Tăng Bạt Hổ luôn đông khách.

Đề phòng mắc bệnh

Một điều dễ nhận ra là nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, rất khó có thể phân biệt bể bơi nào sạch, bể bơi nào chưa đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh. Bể bơi giá bình dân hợp với túi tiền của đại đa số người lao động, nhưng không phải bể nào cũng trang bị đầy đủ các tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là nguồn nước.

Ông Lê Văn Thành, Giám đốc Trung tâm bơi lội thể thao Thái Hà khuyến cáo: Phụ huynh nên cho con em bơi ở bể gần nhà, tránh đi quá xa. Vì khi trẻ bơi xong, cơ thể khá mệt, nếu đi một quãng đường quá xa để về nhà, sẽ không tốt cho sức khỏe. Khi đến bơi, mọi người cần dành thời gian nghỉ ngơi khoảng 10 - 15 phút trước khi xuống bể để tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn đến bị cảm.

Năm trước tại bể bơi Thái Hà đã xảy ra tình huống một nam thanh niên uống rượu say đòi xuống bơi nhưng bảo vệ cương quyết không đồng ý mà dìu anh này vào phòng y tế nằm nghỉ, sau đó mới về nhà. Nếu xuống bơi, thanh niên đó rất dễ bị cảm. Chính vì vậy mà bể bơi Thái Hà luôn nói “không” với người say bia, rượu.

Một số bể bơi ở Hà Nội xây dựng đã lâu, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa sang, nâng cấp dẫn tới chất lượng nước chưa đảm bảo. Có mặt ở bể bơi Thanh Niên, số 1 Tăng Bạt Hổ, một trong những bể bơi “cổ” nhất Hà Nội với tuổi thọ 40 năm, chúng tôi thấy nó khá cũ kỹ và xuống cấp. Nhưng lượng khách đến đây vẫn rất đông, vào ngày cao điểm nắng nóng, bể này đón khoảng 700-800 lượt khách/ngày. Nhiều người lo ngại, với lượng người đông như vậy, liệu nhân viên có kịp thay nước, thau rửa bể hay không?

Ông Trương Văn Thuần, Trưởng phòng Thể dục thể thao, Cung Văn hoá thể thao Thanh niên Hà Nội cho biết: “Năm nay bể không đầu tư thay đổi gì khác so với năm ngoái. Nhưng cứ 3 ngày chúng tôi lại thay nước một lần, nên đảm bảo sạch sẽ”.

Những bể bơi đã cũ kỹ, xuống cấp thì nguy cơ mắc các bệnh về tai, mũi, mắt… luôn tiềm ẩn. Chị Lan Hương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Tôi cho cậu con trai 9 tuổi đi bơi. Nhưng thỉnh thoảng thấy mắt cháu bị đỏ do ảnh hưởng từ chất lượng nước của bể”...

Chính vì nhiều bể bơi bình dân chưa đảm bảo vệ sinh mà nhiều người tìm đến các bể bơi cao cấp, chấp nhận giá thành cao gấp nhiều lần để đổi lấy sự an toàn.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện 50 bể bơi đều sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn nên chất lượng nước được xử lý khá tốt. Tuy nhiên, vì là đầu mùa nên công tác kiểm tra chưa tiến hành, do đó chất lượng nước vẫn chưa được đánh giá chuẩn xác.

Hà Nội đang chuẩn bị đón những đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt học sinh chuẩn bị nghỉ hè, các bể bơi được dự kiến là quá tải, một số bể sẽ không đủ thời gian để tuân thủ đầy đủ quy tắc bắt buộc và kiểm tra thường xuyên độ bẩn của nước, không có nhân viên cứu hộ, y tế thường xuyên… Thiết nghĩ, ngoài việc ngành Y tế cần phải kịp thời kiểm tra các bể bơi, thì mọi người cũng nên chọn lựa bể cho phù hợp, đảm bảo an toàn sức khỏe

Hương Hằng
.
.
.