Bát nháo ở miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)

Thứ Ba, 10/02/2009, 11:18
Những năm trước đây, vào thời điểm này, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang) đã nhộn nhịp tấp nập trong cảnh chen lấn. Năm nay, không khí ảm đạm hơn, dòng người đổ về không còn đông đúc như trước. Người dân buôn bán và sinh sống khu vực quanh đây đã cảm nhận được điều này. Dù vậy, hình ảnh bát nháo tại đây vẫn xảy ra.

Phải mua vé để được "lễ" bà

Trong 3 năm trở lại đây, đến với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, điều khác lạ đối với khách hành hương là đường đến miếu Bà Chúa Xứ đã có những rào chắn và cổng để thu vé. Tại đây, muốn được vào miếu Bà để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, du khách buộc phải rẽ trái và mua vé, giá mỗi vé được tận thu là 5 ngàn đồng. 

Điều đáng ghi nhận, so với mọi năm, tình hình trật tự tại đây đã cải thiện đáng kể. Nếu trước đó, tình hình "cái bang lộng hành" vẫn thường xuyên diễn ra thì nay, đã không còn bóng dáng của "đội quân" này. Tuy nhiên, đã có những thứ núp bóng "xin đểu", "móc túi" du khách bằng nhiều chiêu mới và độc đáo hơn.

Sau khi du khách đi "trả lễ" và cúng Bà xong, thấp thoáng ngoài cổng miếu Bà với hơn chục người dân, chủ yếu là những người phụ nữ, trong tay cầm những tấm thiếp màu vàng. Sau đó, họ giúi vào du khách và bảo rằng: "Lộc Bà cho".

Nhiều du khách lơ ngơ, cầm lấy tấm "Lộc" này thì họ liền đòi 50 ngàn đồng với vẻ mặt hung hãn và dữ tợn như sắp ăn tươi nuốt sống "con mồi". Nhiều du khách bỡ ngỡ và hoảng sợ đành móc 50 ngàn cho đội quân này để mua chữ yên thân ngày Tết.

Ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này ở những năm trước, việc buôn bán và kinh doanh của những người dân sống quanh chân núi trong cảnh tấp nập và sôi động sau Tết. Năm nay, du khách đi viếng miếu Bà Chúa Xứ giảm đáng kể. 

Cảnh bát nháo tiếp tục tái diễn

Ngay trước cổng vào miếu Bà, hàng chục đối tượng cò mồi đeo bám du khách đi cúng Bà. Từ những vật dụng bình dân như nhang, đèn, muối gạo, trái cây, trầu cau,… cho đến những hàng cao cấp là heo quay, áo mặc cho Bà, mão đội… càng thêm mất trật tự.

Chưa hết, những sách bói toán, sách mê tín dị đoan cũng được đội quân bán dạo chạy theo chèo kéo khách du lịch không ngớt. Dù đã có những khuyến cáo của chính quyền địa phương đề nghị du khách không nên mua chim phóng sinh, nhưng có thể nói đây cũng là một trong những tập quán và trở thành nếp của người dân viếng miếu, chùa...

Nắm bắt nhu cầu này, những hành động thất đức ngay tại ngôi miếu linh thiêng đã diễn ra trước sự chứng kiến của du khách. Sau khi một toán du khách mua một lồng chim với gần 20 con, giá gần 100 ngàn đồng để phóng sinh những con chim vô tội đang nằm co ro trong lồng. Kinh hãi, những con chim được phóng sinh ra khỏi lồng chỉ bay cao quá đầu người vài cen-ti-met rồi liền sà xuống đất trước con mắt đầy thất vọng của những du khách.

Quan sát kỹ, chúng tôi nhận ra rằng, đôi cánh của những chú chim bé nhỏ đã bị cắt cụt khiến chúng không thể bay được nữa. Và rồi, những người kinh doanh nghề "phóng sinh chim" lại tiếp tục nhặt những con chim vừa chạm mặt đất cho vào lồng và nhốt lại, đợi đến lượt những vị khách khác tiếp tục mắc lừa...

Ban ngày là vậy, về đêm lại càng náo nhiệt hơn. Tại các phòng trọ, đội quân bói toán bắt đầu rà từng phòng trọ chào mời xem tướng, xem quẻ… Ngoài ra, đội ngũ mát-xa hoạt động nhộn nhịp với đủ thành phần phục vụ nhu cầu của du khách

Đỗ Hưng
.
.
.