Bất hợp lý trong việc thu phí qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Thứ Tư, 17/07/2013, 08:10
Trong khi Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển... thì ở tỉnh Kon Tum lại đưa ra những quy định khác biệt (chỉ ở Kon Tum mới có), tạm gọi là “luật riêng” để thu phí doanh nghiệp...

Thông qua Báo CAND, hàng chục doanh nghiệp trên cả nước có quan hệ làm ăn với nước bạn Lào, đều tỏ rõ bức xúc khi đi qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum. Theo các doanh nghiệp cho biết, việc nhập khẩu gỗ từ nước ngoài vào Việt Nam được Nhà nước ưu tiên không đánh thuế, nhưng khi qua tỉnh Kon Tum thì bị áp đặt thu phí 3%.

Đáng nói nữa là cách áp giá thu phí 3% theo quy định giá tối thiểu tính thuế tài nguyên đối với lâm sản rừng tự nhiên trong nước theo QĐ số 51/2012, ngày 12/11/2012 của UBND tỉnh Kon Tum là không đúng quy định, cao gấp nhiều lần so với Quyết định số 07, ngày 17/3/2010 của UBND tỉnh Kon Tum trước đây và quá cao so với thực tế hồ sơ gỗ nhập khẩu của doanh nghiệp. Việc lấy giá quy định về tính thuế tài nguyên đối với lâm sản rừng tự nhiên trong nước để áp dụng gỗ nhập khẩu là không hợp lý.

Càng bất hợp lý hơn khi tỉnh Kon Tum lại giao việc thu phí này cho Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Để mời được cán bộ Kiểm lâm huyện từ Hạt đến cửa khẩu Bờ Y làm thủ tục nộp thuế phải đi mất hàng chục cây số, nhưng nhiều lúc cán bộ Kiểm lâm còn “bận việc” không làm kịp, gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp, hàng hóa bị ách lại ở cửa khẩu.

Ông Lê Quang Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Thanh Bình (Kon Tum) bức xúc: Từ năm 2007, UBND tỉnh Kon Tum đã đưa ra việc thu phí sử dụng bãi đối với gỗ và lâm sản phụ nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các cửa khẩu phụ trên địa bàn Kon Tum bằng 3% doanh thu, thu được từ việc sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân có nhập khẩu gỗ và lâm sản phụ.

Xe chờ làm thủ tục nộp phí ở cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Hiểu đúng nghĩa theo quyết định này thì việc thu phí chỉ áp dụng đối với các trường hợp có hàng gỗ, lâm sản phụ nhập khẩu qua các cửa khẩu phụ và cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Kon Tum, có sử dụng bến bãi mới chịu phí. Tuy nhiên, thực tế ở cửa khẩu Bờ Y không có bãi tập kết hàng hóa gỗ nhập khẩu theo quy định để các doanh nghiệp phải chịu phí mà thường gỗ được nhập về vận chuyển trên xe container, tạm dừng ngay trước cửa khẩu để làm thủ tục rồi sau đó đi luôn chứ không có bến bãi trung chuyển hàng hóa nào ở đây cả.

Thế nhưng lâu nay Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) vẫn áp dụng thu phí 3% đối với tất cả gỗ nhập khẩu tiêu dùng trong nước và gỗ tạm nhập - tái xuất từ Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y giống như thu thuế là điều hết sức phi lý.

Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu gỗ Sài Gòn, Huỳnh Thị Minh Hiếu kêu cứu về nạn phí áp đặt 3% này do Hạt Kiểm lâm Ngọc Hồi bắt nộp đối với gỗ tạm nhập - tái xuất khi qua cửa khẩu Bờ Y nên nhiều tháng nay doanh nghiệp điêu đứng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu gỗ qua Bờ Y không phải nộp phí 3% nhưng các doanh nghiệp trong nước thì phải nộp.

Cùng quan điểm với các doanh nghiệp khác ở Tây Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Đệ ở Diễn Châu, Nghệ An, cũng kêu trời khi nhập khẩu gỗ từ Lào về qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y phải bị áp phí 3% vô lý. Theo Giám đốc Đệ, chưa ở đâu thu phí bến bãi cao như ở Kon Tum. Nhưng điều đáng nói là ở Bờ Y không có bến bãi mà lại thu phí như bắt nộp thuế mới là chuyện khó hiểu.

Còn ông Trần Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Long Hải (Huế) cho biết: Trên cả đất nước Việt Nam này không có cửa khẩu nào thu phí theo kiểu áp đặt như ở tỉnh Kon Tum. Ở các cửa khẩu khác có thu phí bến bãi nhưng họ quy định hàng hóa khi vào bến bãi mới thu và việc áp dụng thu chỉ tính trên khối lượng hàng hóa hoặc từng đầu xe trọng tải khi vào bến bãi chứ không phải áp giá tùy tiện như kiểu tính thuế ở Kon Tum.

Đáng nói nữa là giá gỗ nhập khẩu ở Lào thấp nhưng phí áp đặt đơn giá gỗ do tỉnh Kon Tum quy định lại rất cao nên nhiều doanh nghiệp không thể đóng nổi. Điều này còn làm suy giảm tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động kinh doanh.

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, sự áp đặt thu phí một cách quá đáng ở địa phương đã làm cho doanh nghiệp điêu đứng, thua lỗ. Không thể lấy quy định phí bến bãi để thu phí gỗ nhập khẩu một cách tùy tiện quá mức như vậy là sai quy định. Đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét lại quyết định trên để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp, tránh tình trạng lạm thu, áp đặt ở địa phương, gây bức xúc dư luận.

Để làm rõ thêm vấn đề này, PV Báo CAND đã đến Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi liên hệ làm việc nhưng tất cả lãnh đạo bận họp và bận tiếp khách nên không tiếp PV. Phóng viên liên lạc số điện thoại di động của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ngọc Hồi, Võ Thanh Thành thì không nghe máy. Ông Đặng Thanh Long, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum đã nhận câu hỏi của PV Báo CAND và hứa sẽ trả lời vụ việc. Báo CAND sẽ tiếp tục theo dõi thông tin đến bạn đọc.

- Ông Trần Thanh Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y cho rằng, việc thu phí bến bãi phải áp dụng đúng theo quy định và cần có người thu tại chỗ để tránh phiền hà cho doanh nghiệp đi lại, mất nhiều thời gian, ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu.

- Ông Lê Quang Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Thanh Bình: Đối chiếu với Thông tư 97/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định khung giá sử dụng bến bãi thì quyết định áp đặt thu giá trị 3% lô hàng gỗ và lâm sản nhập khẩu theo đơn giá do UBND tỉnh Kon Tum đưa ra là quá cao so quy định và cao gấp nhiều lần so với đơn giá thuê đất tại khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và khung giá đất của Chính phủ.

Ngọc Như
.
.
.