Quảng Nam:

Bảo vệ trường nuôi tri thức cho học sinh nghèo

Thứ Ba, 03/06/2014, 10:03
“Má” - tiếng gọi thân thương mà những học sinh ở Trường THCS Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam dành riêng cho cô bảo vệ trường, người đã đóng vai trò là cha, là mẹ của bao thế hệ học trò nghèo nơi vùng quê còn lắm khó khăn…

“Cô Tiên” sống…

Những ngày cuối tháng 4/2014 với cái nắng như đổ lửa chúng tôi tìm đến trường THCS Tam Lộc, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là tiếng trống vang khắp trường và đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ giản dị, chất phác mang dáng vấp của một nông dân, một người không chỉ tạo ra tiếng vang nơi trường học, mà còn vang khắp xã, huyện và đến cả tỉnh, đó không ai khác mà chính là “má” Võ Thị Viết (54 tuổi), người đã gắn liền với tiếng trống trường gần 40 năm.

“Má” Viết xuất thân từ một người nông dân, là con trong gia đình chính sách, ba mẹ “má” hy sinh sớm, nhà đông anh em, thuở nhỏ bà sống cuộc sống cơ cực thiếu vắng bóng ba mẹ, từ đó bà đã hiểu phần nào hoàn cảnh của những đứa trẻ nghèo khó, không nơi nương tựa, bằng số tiền ít ỏi của đồng lương bảo vệ, nhưng bà đã chăm lo bao thế hệ học trò nơi đây vì sợ hoàn cảnh khiến chúng thất học, đánh mất tương lai.

Trong căn phòng tập thể của trường, “má” Viết kể: “Bà công tác tại trường từ năm 1978, bà nhớ nhất là lúc nhận nuôi em Đỗ Thị Vân, năm đó Vân học lớp 6 của trường, Vân không có ba, mẹ của Vân đi thêm bước nữa, thấy hoàn cảnh của em đáng thương nên bà nhận nuôi vì bà không nỡ thấy Vân bỏ học giữa chừng, với 280.000 đồng tiền lương lúc đó, vẫn chỉ trang trải được phần nào cuộc sống của hai “mẹ con”, bà cố gắng để trồng thêm vườn rau, thửa ruộng ngoài giờ làm việc tại trường để có thể lo cho Vân từ việc ăn uống, quần áo, đến việc đi học của Vân mong sao cho bằng bạn bè, chăm cho đến khi Vân học hết lớp 9, bây giờ Vân đã là giáo viên đang công tác tại Quy Nhơn” - bà Viết vui sướng, tự hào khi kể về người con nuôi đầu tiên của mình thành đạt.

 Không dừng lại ở đó, sau khi Vân ra trường, bà lại tiếp tục nhận nuôi em khác, cứ thế cho đến tận bây giờ bà đã nhận nuôi được 8 em học sinh của Trường THCS Tam Lộc, các em đều đã trưởng thành, có em học cấp 3, có em đã lên đến cao đẳng, có em học nghề ra trường và có việc làm ổn định. Lúc này, thời gian làm việc của một bảo vệ tại trường cũng nhiều hơn, tuổi “má” cũng lớn hơn nên “má” ở lại nhà công vụ của trường để tiện việc chăm lo cho trường và những đứa con nuôi của mình nhưng vốn là một người nông dân, “má” vẫn không quên được công việc đồng áng, hàng ngày “má” vẫn chăm cho khuôn viên trường mình thêm sạch đẹp, khang trang.

Gần 40 năm, “má” Viết âm thầm với nghề bảo vệ trường để nuôi tri thức cho các em học sinh nghèo.

Một tấm gương điển hình

Dù tuổi đã cao, cũng sắp về hưu, nhưng hiện tại “má” Viết đang nhận em Lê Thành Long (13 tuổi, trú thôn 3, xã Tam Lộc, học sinh lớp 7 của trường làm con nuôi), ngồi cạnh bên “má” Long nghẹn lòng kể: “Mới sinh ra con đã không có bố, còn mẹ bỏ đi từ khi con mới 8 tháng tuổi, lúc đó con ở với bà ngoại, nhưng ngoại đã già yếu nhưng vẫn cố gắng nuôi con ăn học hết cấp một, từ khi học trường này thì con được má Viết nhận nuôi, má lo cho con tất cả mọi thứ từ quần áo, sách vở, kể cả lúc con đau ốm, bệnh tật, má còn bày cho con học, chăm lo cho con từng ly, từng tý, con thương má lắm”. Khi được hỏi về sau khi em rời ngôi trường cấp II này, rời xa má Viết, em nghẹn lại: “Sau khi hết cấp II, em sẽ học nghề, để sớm có một công việc, mau kiếm được tiền để lo cho bà ngoại lúc về già, chứ ngoại già yếu rồi không còn đủ sức lực lo cho con và để cảm ơn má Viết nữa…”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Lộc, Phó hiệu trưởng Trường THCS Tam Lộc cho biết: “Việc làm của chị Võ Thị Viết là rất tốt, rất đáng tuyên dương và trân trọng, xuất phát từ lòng thương người, chị sợ các em thất học, đánh mất tương lai nên đã dùng số lương của mình để giúp các em, đây cũng là một tấm gương điển hình của trường vừa được Ban chấp hành Đảng bộ huyện Phú Ninh tặng giấy khen vì “đã có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hiện nay, trường chúng tôi vẫn còn rất nhiều em khó khăn, cùng với chị Viết, chúng tôi luôn hỗ trợ các em học sinh nghèo về học phí, tạo điều kiện cho các em dễ dàng trong việc mượn sách và dụng cụ học tập từ thư viện… Chúng tôi lo nhất hiện chị Viết cũng đã đến tuổi về hưu, không biết những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như vậy sẽ như thế nào…”.

Chia tay “má” Viết, bà chỉ mong sau khi nghỉ hưu sẽ về nhà ở xã Tam Phước sinh sống, mong rằng ngôi nhà Công đoàn của huyện Phú Ninh xây dựng tặng cho bà sẽ là chỗ dựa tinh thần và nuôi trí thức cho các em. Nhưng rồi đây số tiền lương hưu ít ỏi có đủ chăm lo cho các em học sinh nghèo?

An Khang
.
.
.