Bảo tàng ‘chứng tích chiến tranh’ của một cựu tử tù Côn Đảo
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà hiện là nơi sinh sống của vợ chồng cựu tù Côn Đảo Lê Quang Vịnh, ở số 32 đường Nguyễn Phúc Chu (phường Hương Long, TP Huế, Thừa Thiên – Huế) vào một ngày đầu Xuân ngập tràn ánh nắng.
Bên trong căn nhà được thiết kế giản dị, với một gian nhà riêng được bài trí làm bảo tàng trưng bày hàng ngàn hiện vật “chứng tích chiến tranh” do ông gìn giữ và sưu tầm. Bằng chất giọng trầm ấm, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời làm cách mạng của mình.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, khi cha ông vốn là một nhà biện hộ (luật sư) nổi tiếng và rất giỏi tiếng Pháp, từng tham gia kháng chiến nội thành chống Pháp và bị lính Pháp bắn chết.
Ngày ấy, ông nung nấu ý định trả thù cho cha bao nhiêu thì càng căm hận giặc Pháp bấy nhiêu. Thế rồi, năm 14 tuổi, lúc đang học năm thứ ba tại trường trung học Khải Định - Huế, ông đã gia nhập vào Đoàn học sinh kháng chiến tỉnh Thừa Thiên - Huế.
“Năm 1950, trong một lần rải truyền đơn kêu gọi học sinh bãi khoá để phản đối giặc Pháp bắt bớ, đánh đập học sinh kháng chiến nội thành thì tôi bị địch bắt bỏ tù 7 tháng tại nhà lao Thừa Phủ. Sau khi được thả tự do, tôi tiếp tục hoạt động và tháng 9/1955 lại bị bắt bỏ tù lần 2 gần 1 năm trời.
Thời gian ở tù này, tôi được mấy chú trong tù dạy cách nhận biết các thủ đoạn xảo trá của những người chống Cộng, rồi cách tiếp cận các tài liệu mật... Và từ đây, tôi như được giác ngộ lý tưởng cách mạng vậy!”, ông bồi hồi nhớ lại.
Tiếp tục con đường đấu tranh cách mạng nên khi vừa mãn án tù, ông thi đỗ vào một trường Đại học ở Sài Gòn và tham gia hoạt động Đoàn Thanh niên tại đây. Năm 1960, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong kí ức của ông, những năm tháng chông gai trên con đường cách mạng được bắt đầu từ ngày 23/5/1962.
Đó là ngày diễn ra phiên tòa “lịch sử” xét xử 12 người liên quan trong vụ mưu sát Đại sứ Mỹ Nolting trên đường Trương Định, TP Huế. Trong đó có ông, lúc ấy là Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên Lao động miền Nam - Việt Nam Khu Sài gòn Gia Định, Trưởng ban cán sự sinh viên.
Trong số 12 bị cáo, ông cùng 3 người khác bị kết án tử hình; 4 người nhận án chung thân và những người khác nhận mức án từ 5 đến 15 năm tù giam…
Đã bước sang gần tuổi 80 với mái tóc bạc trắng nhưng khi nhớ lại những ngày tháng lưu đầy tại nhà tù Côn Đảo để chờ thi hành án tử, cựu tử tù Lê Quang Vịnh không giấu được những giọt nước mắt.
Cựu tử tù Côn Đảo Lê Quang Vịnh tại bảo tàng chứng tích chiến tranh của gia đình tại TP Huế. |
Ông trải lòng: “Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên những ngày tháng bị giam cầm tại Chuồng Cọp, Chuồng Bò rồi đến Hầm Đá ở nhà tù Côn Đảo. Suốt 14 năm trời ở những căn phòng biệt giam ấy, tôi và những người bạn tù đã bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần trước đòn roi rất tàn bạo của kẻ thù. Nhiều lúc đau đớn, kiệt quệ về sức khỏe, thể lực nhưng các chiến sĩ cách mạng trung kiên vẫn giữ vững ý chí kiên cường, không bị kẻ địch khuất phục”.
Khi chúng tôi nhắc đến những cái Tết của những người tử tù bị giam cầm trong ngục tù Côn Đảo năm xưa, ông Vịnh lại miên man kể: Đã là tử tù thì không bao giờ có một cái Tết đúng nghĩa, đặc biệt là những tử tù chính trị. Chỉ có một điều khác biệt duy nhất là vào ngày Tết, các tù nhân được tăng thêm suất ăn với một đĩa cơm trắng cùng mấy miếng thịt nhỏ...
Những ngày ấy, khi bị còng tay, xiềng chân giam cầm trong căn phòng với 4 bức tường lạnh buốt, ông cứ ước mình được trở lại thời trẻ thơ để được quây quần cùng gia đình bên nồi bánh chưng, bánh tét. Và rồi, mỗi khi nghe tiếng pháo nổ ở bên ngoài vọng vào, anh em tử tù biết đó chính là thời khắc giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nên mọi người đều đứng dậy, chỉnh lại áo quần nghiêm trang và hát Quốc ca... Lúc ấy, bọn cai ngục cứ lấy chiếc gậy dài thọc qua song sắt để đánh nhưng anh em vẫn cứ hát và hát.
Các tử tù còn làm câu đối Tết: “Ngoài ngục, đào mai khoe sắc thắm. Trong tù, lý tưởng chói lòng son”. Có lẽ, đó chính là động lực để những người tù chính trị thêm dũng khí để kiên cường đấu tranh khi bị giam cầm ở “địa ngục trần gian”.
Ngày mồng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, Lê Quang Vịnh cùng 3 tử tù khác được địch tháo còng, đưa ra khỏi phòng biệt giam và đưa lên tàu thủy để chở về Sài Gòn. Tuy nhiên sau đó không lâu, ông lại tiếp tục bị địch bắt và lại đưa về nhà tù Côn Đảo giam cầm cho đến năm 1975 mới được thả tự do.
Đến khi đất nước hòa bình, thống nhất, cựu tử tù Lê Quang Vịnh trở về trong vòng tay thân ái của người thân và bè bạn. Là người có trình độ chuyên môn và có lý tưởng cách mạng, ông liên tiếp được cấp trên bổ nhiệm giữ các chức vụ như: Phó Giám đốc, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đoàn; Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam… Năm 1986, ông được Ban Bí thư biệt phái về công tác và giữ chức vụ Bí thư Quận ủy Côn Đảo.
“Ngày ấy, lần đầu tiên trở lại di tích nhà tù Côn Đảo, việc đầu tiên mà tôi thực hiện là đi thăm những căn phòng biệt giam mà tôi và các tử tù khác từng bị kẻ địch giam cầm, tra tấn trong suốt 14 năm trời để ôn lại những kỷ niệm xưa. Giờ đây, tôi chỉ tiếc nuối một điều là không biết những người bạn tù ấy vẫn còn sống hay là đã mất...”.
Năm 2004, sau khi nghỉ hưu, ông Vịnh cùng vợ và 2 người con từ TP Hồ Chí Minh về phường Hương Long (TP Huế) xây dựng một căn nhà nhỏ để ở. Tại đây, ông cho xây một bảo tàng “chứng tích chiến tranh” mang tên Lê Quang Vịnh.
Hiện, bảo tàng trưng bày hàng ngàn hiện vật chiến tranh đã qua phục chế và những đồ vật, kỷ vật của cựu tù Côn Đảo năm xưa gồm các tài liệu, sách báo, thư từ liên quan đến nhà tù Côn Đảo.
Nơi đây còn trưng bày những bản nhạc, bài thơ được ông Vịnh viết trong ngục tù đế quốc và những bức ảnh, tư liệu do người trong và ngoài nước viết về ông và các đồng chí, đồng đội của ông.
Đặc biệt, tại bảo tàng này còn trưng bày một số bài thơ của Tố Hữu viết về tiểu đội mang tên Lê Quang Vịnh: “Lê Quang Vịnh và các anh/ Tiểu đội anh hùng của tuổi xanh/ Mười hai tên, mạnh như tên lửa/ Chấp hết gươm treo, án tử hình…”.
Hiện mỗi ngày, bảo tàng Lê Quang Vịnh tiếp đón rất nhiều khách là các cựu chiến binh ở khắp mọi miền Tổ quốc, các đoàn học sinh, sinh viên và du khách đến tham quan.
Ngoài việc tìm hiểu, nhìn ngắm những hiện vật chiến tranh, đọc những tư liệu quý giá về nhà tù Côn Đảo thì những cựu binh, các em học sinh, sinh viên còn muốn tận mắt gặp gỡ và trò chuyện với chủ nhân bảo tàng.
Qua đó, họ như muốn chia sẻ những câu chuyện và kỷ niệm của cựu tù Lê Quang Vịnh trong quãng thời gian ông bị giam đày suốt 14 năm trời tại ngục tù Côn Đảo để thấu hiểu một phần nào đó về phẩm chất, ý chí kiên trung, kiên cường của những người cộng sản là tử tù chính trị năm xưa.
“Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên những ngày tháng bị giam cầm tại Chuồng Cọp, Chuồng Bò rồi đến Hầm Đá ở nhà tù Côn Đảo. Suốt 14 năm trời ở những căn phòng biệt giam ấy, tôi và những người bạn tù đã bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần trước đòn roi rất tàn bạo của kẻ thù. Nhiều lúc đau đớn, kiệt quệ về sức khỏe, thể lực nhưng các chiến sĩ cách mạng trung kiên vẫn giữ vững ý chí kiên cường, không bị kẻ địch khuất phục”. |