Bảo tàng “Ký ức chiến tranh”

Thứ Sáu, 10/09/2010, 19:28
Chiến tranh đã qua đi nhưng những ký ức, cả ký ức hào hùng và đau buồn về nó thì còn mãi. Một người lính - thương binh muốn lưu giữ những kỷ vật, để làm bằng chứng cho cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc, đã đi khắp nơi sưu tầm, để có một bảo tàng tư nhân với hơn 1.000 kỷ vật. Đó là bảo tàng của ông Vũ Đình Lưu có địa chỉ tại 9/17 đường Đặng Việt Châu - TP Nam Định.

Nhen nhóm ý tưởng

Ông Vũ Đình Lưu từng là Đại đội trưởng Đại đội trinh sát 312 tham gia kháng chiến chống Mỹ. Thời bình, ông làm Giám đốc Liên doanh Việt - Xô tại Đà Nẵng và từ năm 1991 trở về quê ở Nam Định làm Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh này, tới năm 2004 thì về hưu.

Khi còn công tác ở Đà Nẵng, ông Lưu đi thăm lại di tích Thành cổ Quảng Trị. Lúc đó, thành Quảng Trị còn ngổn ngang bừa bộn, người dân khu vực thường đào những đồ vật còn sót lại trong chiến tranh đem bán. Thấy vậy ông cũng mượn một cái xẻng ra đào thì vô tình tìm được một chiếc màn, vài mảnh đạn và một khẩu súng. Khẩu súng thì ông giao nộp, còn những kỷ vật khác ông đem về nhà cất giữ làm kỷ niệm. Từ đó, ông nung nấu ý tưởng sưu tập những đồ vật của đồng đội cũ.

Ý tưởng được "nuôi" từ ngày còn công tác, đến khi nghỉ hưu, ông Lưu bắt đầu hành trình vất vả đi mọi nơi tìm kỷ vật chiến tranh, cứ ở đâu báo tin là ông lại tìm đến. Ông kể: "Đi đến đâu tôi cũng cẩn thận chụp ảnh để minh chứng cho công việc của mình, cũng là để trình báo với nhân dân, dân tin. Tôi đi đến gầy nhom nhem, đen đúa, bẩn thỉu. Vợ con thấy vậy thì thương quá. Nhưng kỳ thực là đi đâu tôi cũng gặp may, trong thời gian ngắn mà đi được bao nhiêu nơi, làm được bao nhiêu việc". Cuộc kiếm tìm nay đây mai đó, khi lên Thái Nguyên, lúc vào Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Đi đến mòn mỏi, cháy đen người nhưng người lính không vơi dòng nhiệt huyết. Đến nay, ông Lưu không thể tính được bao nhiêu cây số đường, và để có những kỷ vật quý hiếm, đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi. Mỗi một kỷ vật là một câu chuyện cảm động. Mỗi khi được tiếp xúc với kỷ vật đó, ông Lưu đều được nghe và ghi nhớ lại những câu chuyện đó, để rồi đôi khi không cầm lòng được, ông đã phải rưng rưng nước mắt.

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện.

Tháng 4/2007, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Bảo tàng tỉnh Nam Định, bảo tàng "Ký ức chiến tranh" của ông Lưu được khai trương, có rất nhiều người đến dự. Đây là một bảo tàng nhân văn, gồm nhiều kỷ vật chất chứa những ký ức sinh động về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ông Lưu vui lắm, nghĩ rằng thế là đã làm được một việc tốt, có ý nghĩa với đồng đội, với nhân dân.

Nhiều kỷ niệm thiêng liêng

Khi biết ông Lưu - một cựu binh giàu tâm huyết, nhiều đồng đội, nhiều người có những kỷ vật đã trao cho ông hết những gì mình giữ. Họ bảo, nên như thế để cho người dân còn được biết mặt chúng ở một bảo tàng tử tế, nếu cứ giữ cho riêng mình, thì chỉ có mỗi gia đình biết. Trong những ngày tháng đi tìm kỷ vật, ông Lưu gặp nhiều chuyện vui - buồn lắm.

Ông bảo: "Có một cụ già sở hữu chiếc giáo cổ. Nhiều người gạ xin, không được thì mua, nhưng cụ không cho. Khi tôi đến, trình bày nguyện vọng. Cụ cho ngay. Tôi cũng xin được một chiếc ruột tượng, gắn với một chuyện tình cảm động. Chuyện thế này: Một đôi trai gái thời đánh Pháp yêu nhau, hẹn ước. Trước khi đánh trận Điện Biên Phủ, nàng trao cho chàng chiếc ruột tượng và nói, kết thúc chiến tranh, anh còn giữ được nó và mang về, em sẽ cưới anh. Vì một vài lý do mà đến năm 1958, chàng trai mới về. Thì đúng ngày cô gái chuẩn bị đi cưới người khác sau mấy năm chờ đợi. Biết người yêu đã về, mang theo chiếc ruột tượng, cô gái đã xin hoãn với người chồng chuẩn bị cưới, để cưới người đã từng hẹn trước...".

Có hôm trời mưa rét căm căm, cụ Nguyễn Văn Thọ, thương binh thời chống Pháp đã chống nạng hơn 3km đến biếu chiếc balô vuông từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi đồng chí Phạm Văn Hợp, Đại úy Trần Ngọc Phương (đều sống ở Nam Định), mỗi người tặng ông tới 40 kỷ vật.

Một hôm khác, ông Lưu nhận được cú điện thoại từ Nho Quan (Ninh Bình). Người gọi điện là chị dâu của một đồng đội đã khuất, liệt sỹ Đinh Hoàng Chiêu. Bà muốn tặng cho ông chiếc gùi được đặt trang trọng trên bàn thờ, là vật dụng được Nhà nước trang bị đầu tiên cho bộ đội trong đợt mở đường Trường Sơn. Để giao tặng kỷ vật này, cả gia đình liệt sỹ Chiêu đã họp mặt thắp hương, mỗi người chạm vào chiếc gùi lần cuối.

Lại có lần, ông Lưu đến Ninh Bình, gặp một thương binh, ông trao cho ông Lưu một nửa chiếc chăn đơn và kể với ông một chuyện: "Trong một trận đánh giữa rừng, tôi bị sốt rét nằm co ro trong mê man. Lúc đó đã có một người đắp lên người tôi nửa chiếc chăn đơn này. Tôi chẳng biết người đó là ai, và ở đâu để đến cảm ơn".

Ông Lưu vô tình sang Hải Dương, cũng gặp một cựu binh. Người đó trao cho ông một nửa chiếc chăn đơn và kể: "Tôi tặng ông kỷ vậy này. Đây là nửa chiếc chăn đơn mà tôi còn giữ lại. Ngày trước sau trận đánh giữa rừng, tôi thấy một đồng chí của ta bị rét, nằm run lập cập, tôi chỉ có một chiếc chăn, nên đã cắt cho anh ta một nửa và đắp lên người". Ông Lưu nghĩ ra, đây không phải là trùng lặp, mà là một sự thần kỳ và ông định sẽ bố trí để hai người bất ngờ gặp nhau. Nhưng chẳng may, người thương binh ở Thái Bình đã mất, không kịp gặp ân nhân của mình.

Vào Quảng Trị, ông cũng bắt gặp cựu binh Mỹ sưu tập kỷ vật rất hăng hái, ông nghĩ rằng, họ cũng muốn lưu giữ những ký ức của một thời chiến. Người nước ngoài còn làm như vậy, huống hồ dân ta không quý trọng những kỷ vật ở ngay trên đất nước mình.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Năm 2007, số kỷ vật trong căn phòng nhỏ bé của ông Lưu đã lên tới hơn 300. Mỗi ngày lại có kỷ vật được gửi đến, căn phòng ngày càng chật chội. Nhà bên cạnh rao bán đất, ông liền mua và xây dựng để cất giữ đồ vật. Máy điều hòa, hút ẩm, hệ thống chiếu sáng được trang bị để bảo quản đồ vật. Với diện tích căn nhà hơn 40m2, ông chia làm ba khu: Kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bao cấp. Các kỷ vật được trưng bày theo tiến trình lịch sử và có chú thích rõ ràng. Bảo tàng tuy mới chính thức được công nhận vào tháng 12/2007, nhưng đến nay đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan.

Ông Vũ Đình Lưu là "Giám đốc" bảo tàng, nhưng cũng kiêm luôn việc thuyết minh. Ông ăn nói lưu loát và xúc động, đặc biệt là ông đã "thuộc" xuất xứ từng kỷ vật nằm lòng, nên có thể diễn giải, truyền tải những thông điệp đến với thế hệ trẻ rất dễ dàng.

Trong bảo tàng, ông dành hẳn một khung ảnh lớn và một chiếc tủ lưu giữ những kỉ vật theo chủ đề: "Mãi mãi tuổi 20" để những người trẻ có thể tái hiện quá khứ của những chàng trai, cô gái ra đi vì Tổ quốc quyết sinh. Những tấm hình chụp những chiến sĩ trẻ ra trận và hi sinh khi vừa đôi mươi... Những cuốn nhật kí, sổ tay, sáng tác thơ... đã phai nét mực; chủ yếu là của các chiến sĩ thuộc đại đội trinh sát đóng quân ở chiến trường Lào, Quảng Trị những năm 1969 - 1974. Những dòng thơ vẫn như tỏa hơi ấm của lòng nhiệt huyết thế hệ trẻ. Ông Lưu vẫn không ngừng sưu tầm, tìm kiếm để làm giàu bảo tàng của mình, nhằm lưu giữ những ký ức cho muôn đời sau

Hải Miên
.
.
.