Bảo hiểm y tế tự nguyện theo Thông tư 06: Khó cho người dân

Thứ Năm, 28/06/2007, 20:05
Nhiều ý kiến cho rằng, mức phí BHYT trong Thông tư 06 được điều chỉnh tăng gấp đôi với đối tượng nhân dân và gấp 1,5 lần với SVHS trong điều kiện thu nhập hiện nay là quá cao, nếu không được hỗ trợ e khó có thể thu hút được nhiều người tham gia BHYT.

Theo lộ trình, từ 1/5/2007 là thời điểm triển khai thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN) theo Thông tư 06/2007/TTLT-BYT-BTC. Song, nhiều ý kiến từ dư luận cho rằng Thông tư 06 vẫn chứa đựng quá nhiều bất cập, gây khó khăn cho các tuyến y tế khi thực hiện, điều kiện để người dân được tham gia là quá chặt.

Ngày 26/6, Ban VHXH - HĐND TP, Sở Y tế, Sở LĐTB&XH và các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) lại có cuộc họp bàn xung quanh vấn đề trên.

2 năm thực hiện Thông tư 22: Vỡ quỹ khám chữa bệnh BHYT

Qua 2 năm thực hiện BHYT TN theo Nghị định 63/2005/NĐ-CP và Thông tư 22/2005/TTLT BYT-BTC tuy đã thu hút được 40% dân số tham gia nhưng theo ông Bùi Đức Tráng - Giám đốc BHXH Việt Nam tại TP HCM thì việc bội chi quĩ KCB liên tục xảy ra và với mức độ gia tăng. Thống kê trong năm 2005 số thẻ phát hành là 2.077.866, quĩ KCB 375,8 tỷ đồng, chi quĩ KCB 491.993 tỷ đồng. Vượt chi quĩ KCB 116,13 tỷ đồng.

Năm 2006, số thẻ phát hành 2.447.384, quĩ KCB 607,13 tỷ, tăng 65% so với 2005, chi quĩ KCB 902,5 tỷ. Và vượt chi quĩ KCB 295,362 tỷ đồng. Như vậy, quĩ KCB 2 năm qua vượt chi tăng cao.

Đặc biệt, năm 2005 và 2006, ở đối tượng là tự nguyện người nghèo vượt chi 64,9 tỷ và đối tượng nhân dân vượt chi 238 tỷ đồng, riêng quí 1-2007 BHXH TP đã thanh toán cho 110 cơ sở KCB có hợp đồng BHYT với tổng chi phí là 285,959 tỷ đồng. Bội chi so với quĩ KCB là 11,348 tỷ đồng.

Thông tư 06: Quá chặt chẽ, khó thu hút người dân?

Theo Thông tư 06, 3 nhóm đối tượng được tham gia BHYT TN gồm thành viên hộ gia đình, sinh viên, học sinh (SVHS) và cán bộ dân số, gia đình và trẻ em xã, phường.

Mức đóng áp dụng 320.000 đồng/người/năm ở TP (mức cũ là 160.000 đồng), huyện là 240.000 đồng/người/năm (cũ là 120.000 đồng), HSSV thuộc quận là 90.000 đồng/năm/người (cũ: 60.000 đồng) và SVHS huyện: 70.000 đồng (cũ là 50.000 đồng).

Về quyền lợi cho BHYT TN theo Thông tư 06: áp dụng đồng chi trả trong KCB ngoại trú (từ 100.000 đồng trở lên/ lần khám), nội trú: 20% người bệnh cùng chi trả.

Theo các ý kiến tham gia tại hội thảo, một khó khăn phát sinh khi thực hiện Thông tư 06 tại TP đó là thay vì 3 nhóm đối tượng trước đây (hội đoàn thể, thân nhân NLĐ và hộ gia đình) nay chỉ còn 1 đối tượng: hộ gia đình tham gia tại phường, xã. Nhưng điều kiện tham gia thì quá chặt: 100% thành viên/hộ và 10% số hộ/phường, xã cho mỗi đợt. Và chỉ thực hiện khi đủ 2 điều kiện trên. Các ý kiến đều cho rằng để chờ cho đủ tới 10% số hộ/phường, xã tham gia cho 1 đợt phát hành thẻ là vô cùng khó khăn.

Theo ông Tăng Cẩm Vinh - Ban VHXH, HĐND thành phố: Nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời để có thể triển khai thì Thông tư 06 sẽ rất dễ trở thành vô nghĩa.

Về mức phí được điều chỉnh trong Thông tư 06 nhiều ý kiến cũng cho rằng, tăng gấp đôi với đối tượng nhân dân và gấp 1,5 lần với SVHS trong điều kiện thu nhập hiện nay là quá cao, nếu không được hỗ trợ e khó có thể thu hút được. Còn nhiều ý kiến thắc mắc khác như người BHYT có được quyền thanh toán đi khám vào thứ 7, chủ nhật hay không?

Việc lạm dụng thẻ BHYT mua thuốc về bán ra ngoài là có thật, sẽ xử lý thế nào?; Việc lấy lại 20% từ qui định nội trú là quá nhiêu khê… thầy thuốc bị chi phối bởi phải khống chế cho đủ 100.000 đồng/toa thuốc cho BN BHYT…

Ông Tráng thừa nhận, việc thanh toán lại 20% từ người bệnh nội trú là thủ tục khá nhiêu khê và sẽ kiến nghị lên trên xem xét lại. Tuy nhiên, theo ông Tráng thầy thuốc không bị chi phối bởi toa thuốc (khống chế 100.000 đồng) như nhiều ý kiến đã nêu... Nhà thuốc tự động thu thêm 20% của người bệnh nếu thấy toa trên 100.000 đồng và nếu dưới 100.000 đồng thì không thu.

Trả lời thắc mắc về việc một số quyền lợi được hưởng buộc phải đạt điều kiện về thời gian tham gia như: sản phụ phải có thời gian tham gia 270 ngày; bệnh nhân ung thư có thời gian tham gia là 36 tháng mới được hưởng lợi… ông Tráng cho rằng, BHYT tức là chia sẻ rủi ro. Về bản chất nếu chưa có xảy ra rủi ro thì mới được tham gia. Nếu đã có rủi ro rồi thì không ai dám cho tham gia BHYT(?).

Riêng về việc những người đang sử dụng thẻ theo Thông tư 22, ông Tráng cho biết, vẫn được hưởng như cũ: không đồng chi trả 20% và được hưởng kỹ thuật cao. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm phải chuẩn bị trở lại phường để làm thủ tục tham gia thẻ theo Thông tư 06.

Để việc triển khai BHYT TN được thuận lợi, BHYT TP có số điện thoại nóng: 9330517 và 9330656. Riêng về vấn đề "10% số hộ dân tham gia/xã, phường" theo ông Tráng, 3 cơ quan: Sở Y tế, BHXH TP, Sở LĐTB&XH nên cùng làm bản kiến nghị lên trên để được tháo gỡ càng nhanh càng tốt trước 1/7/2007

H.Nga
.
.
.