Bao giờ mới có chỗ ở cho công nhân tại khu KCN Bình Phước?

Thứ Ba, 10/06/2008, 11:05
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Phước hiện có 10 KCN và hơn 5.000 doanh nghiệp ngoài KCN đang hoạt động, thu hút hàng chục ngàn lao động. Để có chỗ ở ổn định, công nhân phải bỏ tiền ra thuê nhà trọ.

Những công nhân nghèo không đủ tiền trang trải cuộc sống phải tìm những cây, bạt và bao tải phế thải dựng lên những túp lều tạm, nắng mưa tá túc qua ngày. Điện không có, tiện nghi sinh hoạt nghèo nàn, nắng thì nóng nực, mưa thì dột nát… thế nhưng, công nhân vẫn phải chịu đựng để chắt chiu từng đồng giúp đỡ gia đình ở xứ quê nghèo.

Trên đường từ huyện Chơn Thành sang thị xã Đồng Xoài đến KCN Tân Thành thì trời đổ mưa. Thấy mấy túp lều trơ trọi bên đường, chúng tôi ghé lại xin vào trú tạm. Đưa chiếc ghế nhựa độc nhất của gia đình mình mời chúng tôi ngồi, anh Đàm Văn Luận tỏ vẻ ái ngại: "Nhà chẳng phải là nhà, lều chẳng ra lều, giữa đường gặp mưa các anh trú tạm".

Chỗ ở của gia đình anh Luận chỉ là mấy cái cọc tre, bên trên là những tấm bao bố, ni lông vá chằng vá đụp. Ngoài trời mưa như xối nước, chúng tôi phải chuyển chiếc ghế nhựa đến mấy lần mà vẫn không tìm được chỗ không dột để ngồi.

Vội vã ôm mấy bộ quần áo gói kỹ vào tấm vải ni lông cho khỏi ướt, chị Đào Thị Thủy - vợ anh Luận phàn nàn: "Chúng em khổ sở vậy đấy, tiết kiệm hết sức, tằn tiện hết đỗi mà vẫn không đủ tiền nuôi hai đứa nhỏ ăn học. Thôi thì có được chỗ che sương, che gió thế này cũng đã hạnh phúc lắm rồi".

Mưa ngớt hạt, trong nhà ướt như ngoài sân, nước đọng thành từng vũng, cầm cái chén nhựa xanh múc nước trong lều đổ ra ngoài, anh Luận tâm sự: "Vợ chồng em cùng 2 cháu từ Kiên Giang lên, làm công nhân cho Công ty liên doanh Tech sal Đại Bình (KCN Tân Thành). Lương mỗi tháng được gần 2 triệu đồng lại phải nuôi hai cháu nhỏ ăn học nên không đủ tiền thuê nhà trọ. Để có chỗ cho vợ chồng, con cái tá túc, chúng em phải lặn lội vào nhà dân xin tre, nhặt những mảnh ni lông, bao bố rách nối lại với nhau che lên thành mái... Chỉ tội 2 đứa nhỏ, ăn đã thiếu chất, ở thì quá khổ, buổi tối gió tốc tung mùng, muỗi như rắc trấu".

Đưa chúng tôi ra gần mặt đường nhựa, chỉ vào những túp lều rách nằm san sát bên nhau, anh Luận tâm sự: "Đâu phải mỗi mình chúng em khổ, hàng xóm của chúng em đấy "nhà" cô Hồng, anh Mạnh, chú Út, Hai Vợt, chị Vân… đều là công nhân Công ty Đại Bình cũng phải sống trong những túp lều bạt tạm bợ...".

Đến khu nhà trọ công nhân chi nhánh Công ty Giày da Thái Bình (phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài), chúng tôi hết sức ái ngại cho điều kiện sinh hoạt, chỗ ở của công nhân ở đây. Chi nhánh có gần 1.000 công nhân, đa phần là nữ và còn rất trẻ.

Mời chúng tôi vào một phòng trọ, chị Trần Thị Kim, công nhân phân xưởng đế giày cho biết: "Lương bình quân mỗi công nhân 1 triệu đồng trên tháng. Để tiết kiệm tiền, 4 - 5 chị em phải góp tiền lại thuê một phòng. Ngày thì đi làm tối thì về ngủ xếp lớp trên nền. Phòng chỉ có 10m2, đồ dùng cá nhân nếu bày biện ngổn ngang, lấy chỗ đâu mà ngủ?".

Chị Hoàng Thị Thanh phàn nàn: "Gia đình em có 4 người, một mẹ già, một cháu nhỏ và hai vợ chồng là công nhân, tiết kiệm lắm mỗi tháng dư 200 ngàn đồng để trả tiền nhà. Nghe chủ phòng trọ nói đến tháng 6 giá phòng sẽ tăng lên 300 ngàn đồng, vì vậy mấy ngày nay vợ chồng em đang rầu rĩ lắm".

Qua chuyện trò với một số công nhân chúng tôi được biết, để có phòng trọ cho thuê một số người dân đã mua vật liệu về xây gấp gáp. Có nơi cả khu nhà trọ không có một nhà vệ sinh, công nhân thì toàn là nữ, khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt là điều không tránh khỏi.

Nhiều chủ nhà trọ vì muốn tiết kiệm nguyên vật liệu nên mái tôn thì thấp, tường không tô trát, cửa sổ không có… nhiều công nhân phải về phòng trọ khi chuẩn bị đi ngủ.

Có khi cả khu nhà trọ đông hàng trăm người nhưng chỉ có một máy bơm nước và một hồ chứa nước nhỏ... Chỗ ở cực khổ đã đành tình hình ANTT tại nhiều khu nhà trọ công nhân ở Bình Phước diễn biến phức tạp.

Lợi dụng lúc công nhân đi làm kẻ gian đã cạy cửa, đột nhập vào trộm cắp tài sản. Mới đây sáng 2/6, kẻ gian đã đến khu nhà trọ công nhân KCN Minh Hưng (huyện Chơn Thành) trộm cắp tài sản, vụ việc đang được cơ quan Công an điều tra.

Cha ông ta thường có câu "Đêm nằm, năm ở". Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động, điều kiện nghỉ ngơi của công nhân là một yếu tố hết sức quan trọng.

Vì vậy, rất mong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước từng bước quan tâm, tạo điều kiện tốt về chỗ ở cho công nhân

Ngọc Ánh
.
.
.