Bao giờ Việt Nam có trường Đại học nằm trong tốp 200?

Chủ Nhật, 18/04/2010, 15:28
Một trong những trường ĐH lớn nhất của chúng ta là ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện đứng thứ 2.850 thế giới. Nếu đầu tư để ĐH Quốc gia Hà Nội lọt vào tốp 200 thế giới, có nghĩa là phải vượt hàng nghìn bậc. Điều này rất khó thực hiện, GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn nhận định.

Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ Việt Nam từ nay đến năm 2020 có một mục tiêu được dư luận đặc biệt chú ý. Đó là phấn đấu đến năm 2020 sẽ có một trường ĐH nằm trong tốp 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Ngay trong Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục gần đây nhất, tiêu chí Việt Nam phải có trường ĐH đẳng cấp khu vực và quốc tế cũng được đưa ra.

Ngay lập tức, mục tiêu này đã được đông đảo giới khoa học, nhà giáo, các chuyên gia giáo dục và sinh viên quan tâm. Vậy mục tiêu trên liệu có khả thi? Cách thức thực hiện, lộ trình ra sao? Vốn đầu tư cho ngôi trường được nhắm lọt vào tốp 200 đó là bao nhiêu? PV Báo CAND đã phỏng vấn, trò chuyện với một số giáo sư và chuyên gia giáo dục xung quanh chủ đề này.

Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Phạm Minh Hạc: Mục tiêu đó còn hão huyền, mông lung lắm!

PV: Thưa Giáo sư, tại cuộc họp trưng cầu ý kiến về bản dự thảo báo cáo giám sát chất lượng giáo dục ĐH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức, Giáo sư đã rất lo lắng và bức xúc vì chất lượng giáo dục ĐH. Vậy theo GS, mục tiêu chúng ta có một trường lọt vào tốp 200 trường hàng đầu thế giới có khả thi?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Chúng ta có mục tiêu lớn như thế là hoàn toàn đúng đắn, nhưng tôi e cái mốc năm 2020 sẽ không phù hợp. Nói một cách dân dã thì "mục tiêu đó là hão huyền, mông lung" lắm! Cũng không căn cứ vào cơ sở khoa học nào cả. Nhân lực của chúng ta ở đâu cũng thiếu, khoa học thì ít ỏi, văn hoá còn mờ nhạt, vậy làm sao xây dựng được trường ĐH lọt tốp quốc tế. Tôi cũng chưa hiểu vì sao chúng ta lại đặt mục tiêu lọt vào tốp 200 trường? 200 trường đó sẽ do tổ chức nào đánh giá? Chuẩn ở đâu. Cách đây mấy năm, ĐH Thượng Hải Trung Quốc công bố danh sách xếp hạng các trường trên thế giới. Mỹ cũng công bố danh sách 100 trường xếp hạng theo tiêu chí riêng của họ. Vậy chúng ta chọn tốp 200 là theo tổ chức nào xếp hạng. Đến nay chưa ai biết...

Sinh viên nhiều trường đại học vẫn phải học tập trong điều kiện chật chội.

PV: Có nghĩa là để lọt vào tốp các trường hàng đầu thế giới rất cần phải đạt được hệ thống các tiêu chí, thưa Giáo sư?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Đúng thế! Tôi nhiều lần được Chính phủ và Bộ Giáo dục Anh quốc mời sang dự lễ tuyên dương 10 trường ĐH hàng đầu của nước Anh, thấy họ làm bài bản lắm. Có Thủ tướng đứng ra tuyên dương, Nữ hoàng thì mở tiệc chiêu đãi. Họ có một tổ chức chuyên nghiệp, chuyên xếp hạng đánh giá các trường, tổ chức này được Chính phủ trả kinh phí... Những trường ĐH hàng đầu của Anh như Oxford, Cambridge, "chuẩn" của họ kinh khủng lắm, giáo viên không ai có học vị dưới tiến sỹ, họ có 65 giải Nobel. Nói như vậy để thấy rằng, khi tuyên bố "đạt chuẩn quốc tế" cũng phải rất thận trọng. Năm 1990, thế giới có bản tuyên bố chung về xoá mù chữ, sau đó có chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. Tổ chức UNESCO có kế hoạch "Giáo dục cho mọi người". Tôi còn biết, sắp tới, châu Âu sẽ tuyên bố tiêu chí chung cho các trường ĐH khối cộng đồng châu Âu. Nhưng chưa thấy nói, có chuẩn "ĐH đẳng cấp quốc tế".

PV: Nhưng hiện tại chúng ta đã vay 400 triệu USD của WB và ADB để đầu tư xây dựng 4 trường ĐH "đẳng cấp quốc tế", trong đó đã xây dựng được ĐH Việt - Đức ở TP HCM hoàn toàn mới và đã tuyển sinh rồi, không lẽ chúng ta lại bỏ cuộc?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Đấy, đấy mới là vấn đề. Mục tiêu thì chưa chắc đã thực hiện được nhưng số tiền đó, con cháu chúng ta phải trả đấy. Vay 400 triệu USD để xây dựng 4 trường đẳng cấp quốc tế, nhưng hiện đã có trường đầu tư tới gần 200 triệu USD.

Hãy thẳng thắn nhìn vào chất lượng các trường ĐH, chúng ta chưa có nổi 10%/tổng số giáo viên có trình độ tiến sỹ, trong đó non nửa giáo viên có trình độ đã về hưu; đội ngũ PGS.GS cũng chỉ có hơn 1.000 người, sinh viên học hành trong điều kiện chật chội, có trường chưa đạt 1m2/SV; hiện chỉ có 15% sinh viên được ở ký túc xá. Ngân hàng thế giới xếp nguồn nhân lực Việt Nam thứ 11/12 nước ở châu Á, năng lực cạnh tranh (trong đó có đội ngũ lao động có trình độ) của Việt Nam xếp thứ 77/122 nước. Nội lực như thế e rằng khó có thể tạo bước đệm cất cánh một vài trường để đạt chuẩn quốc tế.

Tôi còn đang lo lắng chúng ta xây dựng một số trường ĐH của Việt Nam theo mô hình của các nước tiên tiến. Một Giáo sư của Mỹ đã phải thốt lên rằng, "thật là sai lầm khi cho rằng, một trường ĐH được xây dựng hoàn toàn mới theo thiết kế của một nhóm trường ĐH Mỹ sẽ là một mô hình thành công trong giáo dục bậc cao ở Việt Nam". Đến năm 2009, chúng ta còn phải nghe lời khuyên của người nước ngoài rằng, Việt Nam là một quốc gia rộng lớn, không thể khoán trắng nền giáo dục ĐH cho các trường ĐH nước ngoài.

PV: Khi đề ra mục tiêu đó, một trong những kỳ vọng của những nhà soạn thảo chiến lược mong muốn bằng cấp của chúng ta ra nước ngoài được công nhận, được bình đẳng...

GS.VS Phạm Minh Hạc: Theo tôi, trong điều kiện giáo dục ĐH còn quá nhiều bất cập cần được củng cố, sửa chữa, nếu có điều kiện thì chúng ta mở rộng hợp tác với nước ngoài bằng các hiệp định song phương. Bên cạnh đó, những trường có nhiều khoa giỏi, chuyên sâu thì đầu tư, bồi dưỡng để nâng cấp lên, giúp họ đạt chuẩn cao hơn. Khi đó trình độ người học cũng sẽ nâng cao. Khi làm việc, nếu ta giỏi, họ sẽ trọng dụng ta ngay, đâu có phải vì trường này hay trường khác cấp bằng đâu. "Hữu xạ tự nhiên hương" mà!

GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc gia Hà Nội: Nên đặt mục tiêu khiêm tốn hơn!

GS Nguyễn Xuân Hãn.

Một trong những trường ĐH lớn nhất của chúng ta là ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện trường xếp thứ 54 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 2.850 thế giới. Nếu đầu tư để ĐH Quốc gia Hà Nội lọt vào tốp 200 thế giới, có nghĩa là phải vượt hàng nghìn bậc. Điều này rất khó thực hiện.

Ngay cả tên gọi "ĐH đẳng cấp quốc tế" trên thế giới cũng không có. Thế giới có tốp 100, tốp 200, 500 là căn cứ vào một số tiêu chí như: thành phẩm khoa học (ít nhất phải có các bài báo công bố trên các tạp chí khoa học nổi tiếng quốc tế), trình độ tiếng Anh của sinh viên phải đạt 550 điểm TOEFL trở lên, có giải thưởng Nobel, 80% cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sỹ của những nước tiên tiến. Và thông thường, những nước có trường ĐH lọt vào tốp 100 trường hàng đầu thế giới thì GDP của họ đạt từ 25.000 USD. Những tiêu chí đó áp dụng vào Việt Nam...đều xa vời.

Theo tôi, có 3 yếu tố để nâng cao chất lượng là giáo trình, trường sở và đội ngũ người thầy, nhưng từ năm 1997 đến năm 2009, số SV cả nước tăng 13 lần, nhưng số GV chỉ tăng 3 lần, do đó tỷ lệ SV/GV quá cao so với quy định. Thiếu hụt trầm trọng GV, đặc biệt là GV giỏi, có bề dày kinh nghiệm. Trường sở thì chật hẹp, không có chỗ ngồi cho thầy, giáo trình thì thiếu thốn (nhiều nước, một môn học có tới 10 cuốn giáo trình, nhưng Việt Nam hiện nay, nhiều môn còn chưa có giáo trình chuyên nghiệp).

Vậy làm sao nâng cao được chất lượng để có "gốc" xây dựng trường lọt tốp 200? Nên đặt vấn đề khiêm tốn hơn, làm thế nào để sinh viên sau khi tốt nghiệp ra nước ngoài được họ chấp nhận về trình độ. Và chúng ta trước mắt hãy phấn đấu xây dựng ĐH đào tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế như: có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và làm việc.

GS.TS Simon Marginson, (ĐH Melbourne, Australia): Có một trường trong tốp 500 vào năm 2030 sẽ hiện thực hơn!

Tại một hội thảo "Xếp hạng các trường ĐH, xu thế toàn cầu và quan điểm" do Bộ GD&ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, GS Simon Marginson cho rằng, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến 2020 có 1 trường ĐH lọt vào top 200 trường ĐH nổi tiếng thế giới thì về nguyên tắc mục tiêu này là đúng. Việt Nam cần một trường ĐH nghiên cứu hàng đầu và hơn thế nếu như Việt Nam muốn trở thành một quốc gia mạnh trong kỷ nguyên kinh tế tri thức. Tuy nhiên, căn cứ vào tình trạng giáo dục ĐH hiện tại và tình hình kinh tế của quốc gia, nếu sử dụng một danh sách danh tiếng xếp hạng trong top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới thì mục tiêu trên là cao.

Trên thế giới đang tồn tại nhiều bảng xếp hạng ĐH như: xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới năm 2007của Hội đồng Đánh giá và Kiểm định giáo dục đại học Đài Loan, xếp hạng của Tạp chí Times Higher Education Supplement (THES), xếp hạng Webometrics, xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải...

GS.TS Simon Marginson cho biết, nếu Việt Nam lấy mục tiêu lọt vào bảng xếp hạng của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải, hệ thống xếp hạng danh tiếng và có uy tín thì một mục tiêu hiện thực hơn, tuy vẫn còn khó, là đạt kết quả xếp hạng trong top 500 của bảng xếp hạng này vào năm 2025 hoặc 2030 chứ không phải là top 200 vào năm 2020! Bởi vì, đa số các trường trong top 100 và nhiều trường xếp từ 101 đến 200 đều ít nhất có một người đoạt giải Nobel.

Thực tế là không có những người đoạt giải thưởng về khoa học hay kinh tế trong các trường ĐH thuộc các nước đang phát triển và có lẽ Việt Nam không là ngoại lệ. Các tiêu chí khác như: công bố các bài báo khoa học trong các tạp chí hàng đầu như Nature, Science và các trích dẫn trong hơn 200 bài báo một năm, Việt Nam chưa sẵn sàng cạnh tranh được một cách nghiêm túc trên cơ sở công bố công trình và khối lượng các bài báo được trích dẫn...

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.