Báo động về thực phẩm không an toàn

Thứ Tư, 15/06/2011, 21:00
Sản phẩm thạch rau câu Taro của Công ty New Choice Foods bị phát hiện có DEHP - chất có thể gây ung thư, đã thêm một lần gióng lên hồi chuông báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa hết, chiều 12/6, cơ quan chức năng TP HCM đã công bố 19 sản phẩm giải khát nhập khẩu cũng nhiễm DEHP trên thị trường, gồm nước ép chanh dây, nước ép xoài, nước ép trái vải và các loại sirô dâu, kiwi, táo xanh, nho v.v…

Phụ gia thực phẩm: nhiều độc hại

Tại cuộc giao lưu trực tuyến ngày 13/6 trên VTCnews với các nhà chuyên môn, nhiều người đã bày tỏ lo lắng khi các sản phẩm giải khát nhiễm DEHP lại là nước uống "khoái khẩu" của con trẻ, nên các cháu dùng nhiều, liệu có cách nào giải độc? Về vấn đề này, ông Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, cho biết: Khi lỡ ăn uống phải hóa chất như DEHP thì không có cách nào để "giải độc", mà chỉ có thể uống nhiều nước để pha loãng DEHP trong thực phẩm đã sử dụng. Song hiệu quả của phương pháp này cũng hạn chế.

Cùng với các mặt hàng trên, hiện tại vẫn có rất nhiều quán giải khát dùng cà phê, bột cam không rõ xuất xứ nhập từ Trung Quốc về để pha cho khách. Điều đáng nói, là cà phê, bột cam trôi nổi có thể được làm giả hoặc pha thêm hóa chất và ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở mức nào chưa ai có thể nói trước. Ông Mạnh đã chính thức khuyến cáo mọi người không nên sử dụng nước cam và bột cam không rõ xuất xứ hay có nhãn bằng chữ Trung Quốc, mà không có thông tin bằng  tiếng Việt.

Một vấn đề nhiều người quan tâm hiện cũng được đặt ra với các chuyên gia, là khuẩn E.coli đang lây lan rộng ở hơn 10 nước châu Âu, liệu các thực phẩm, rau củ nhập từ đó về Việt Nam có ảnh hưởng? Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh thanh tra Cục ATVSTP - Bộ Y tế đã trấn an người tiêu dùng rằng, kết luận mới nhất là E.coli có trong giá đỗ và Bộ Y tế cũng như các Sở Y tế đều đã có các kế hoạch chuẩn bị để ứng phó. Việc nhập khẩu thực phẩm tươi sống thì không đáng lo ngại, vì các mặt hàng chỉ được phép lưu hành sau khi đã được kiểm tra chất lượng ATVSTP.

Trước ý kiến về thực phẩm và đồ uống đóng hộp an toàn hay không, ông Nguyễn Văn Nhiên chia sẻ: Không dễ dàng nhận biết bằng trực quan thực phẩm có an toàn hay không. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần thận trọng trước các thực phẩm có màu sắc lòe loẹt và có dấu hiệu bất thường như: nước giải khát có cặn lắng, thực phẩm đã chế biến có nấm mốc, có mùi lạ, mùi ôi thiu. Đặc biệt, thời tiết mùa hè nắng nóng, việc bảo quản thực phẩm khó khăn hơn mùa đông, người dân cần lựa chọn: mua thực phẩm tươi, không ôi thiu, có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn, còn hạn sử dụng và bảo quản thực phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì, để bảo đảm an toàn.

Thức ăn đường phố vẫn bày bán không cần che đậy.

Thức ăn đường phố - nguồn lây nhiễm bệnh

Trong khi những lo ngại về khuẩn E.coli còn đang nóng, thì ở Việt Nam, nhiều người dường như vẫn thờ ơ trước thông tin này. Bằng chứng là ở các quán ăn đường phố đầy bụi bặm, thiếu vệ sinh, vẫn cứ đông đúc người ăn trưa và ăn tối.

Ở Hà Nội, hầu hết các hàng phở, bún, miến, xôi, đậu đều được người bán hàng bốc trực tiếp bằng tay, còn hàng đống bát đũa thì chỉ được rửa thoáng qua trong một chậu nước không sạch sẽ. Giẻ lau bát đĩa luôn cáu bẩn và được vứt lung tung, bất kể chỗ nào. Đó là chưa kể, thức ăn sống để lẫn với thức ăn chín, chả hề có tủ kính hay thứ gì che đậy nên bụi bặm và ruồi nhặng thả sức đậu. 

Theo kết quả điều tra của Cục ATVSTP -Bộ Y tế thì thức ăn chín đường phố có tỉ lệ nhiễm khuẩn E.coli từ 70% - 90% và tỉ lệ bàn tay người làm thức ăn đường phố nhiễm E.coli chiếm tới 80%. Rõ ràng, với thực trạng thức ăn đường phố như vậy, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh đường ruột cho người dùng là rất cao. Trong khi đó, việc quản lý các quán ăn đường phố dường như còn bỏ ngỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP thì thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, nhưng thực tế, số hàng quán đạt quy định rất nhỏ. Hơn nữa, việc xử phạt cũng rất khó thực hiện, khi Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATVSTP, mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng, thế nhưng thực tế thì, quy định này gần như chưa được thực hiện!

Để ngăn chặn bệnh do nhiễm khuẩn E.Coli, Bộ Y tế đang tích cực kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, thiết nghĩ nguồn lây nhiễm bệnh từ thức ăn đường phố cũng cần được kiểm tra, loại trừ để bảo đảm sức khỏe người dân một cách hữu hiệu

Thanh Hằng
.
.
.