Báo động tình trạng phá thai ở người trẻ

Chủ Nhật, 08/12/2013, 13:15
10h30 ngày 3/12, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản & Kế hoạch hóa gia đình (TTTVSKSS&KHHGĐ), Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ngoài hành lang lúc này vẫn rất đông người ngồi, đứng chờ khám, tư vấn và chờ làm thủ thuật. Những gương mặt căng thẳng và đầy lo âu của cả người đi bỏ thai và người thân ngồi đầy hành lang chờ đợi. Hầu hết những người đến đây, đều mang một tâm trạng khác nhau, nhưng có điểm chung là muốn phá thai, ít ai trong số đó muốn giữ lại đứa con cho mình, nhiều người trong số đó còn rất trẻ…

Ngồi cạnh tôi lúc này là một cô sinh viên học năm thứ 3 Nguyễn Thị M., với những câu hỏi không đầu không cuối, em cho biết, em sinh năm 1993, em có bạn trai, anh ấy đã đi làm, thi thoảng chúng em quan hệ với nhau nhưng không dùng biện pháp tránh thai nào. Đến tháng em thấy chậm kinh 1 tuần mới đến đây khám thì bác sĩ bảo thai được 5 tuần rồi, em đang chờ xin tư vấn để phá luôn nhưng không biết có được không? Tôi bảo sao em không thông báo với người yêu để họ xin cưới? M. trả lời nhẹ tênh, làm sao được chị, em đang đi học, mà giờ có bảo người ta cũng có lấy mình đâu. “Đi phá thai em có sợ không? Sợ chứ chị, nhưng đến viện này thì yên tâm hơn và rẻ hơn làm ở ngoài, với lại sau 30 phút là xong mà”…

Em M. chỉ là một trong vô số những người đã đến TTTVSKSS&KHHGĐ, Bệnh viện Phụ sản TW. Theo con số thống kê của TTTVSKSS&KHHGĐ thì trong tháng 11-2013 đã có 651 ca phá thai, trong đó có 36 ca bằng thuốc, tỷ lệ thanh niên chiếm khoảng từ 25 - 30%. Trung bình mỗi ngày TT thực hiện từ 30 - 50 ca phá thai. Năm 2012, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện hơn 8 nghìn ca phá thai, dự kiến hết năm 2013 là gần 10 nghìn ca, chiếm 40% trong tổng số 25 nghìn ca sinh đẻ/năm của bệnh viện.

Lý giải về tỷ lệ phá thai ở Việt Nam không hề giảm mà tăng theo từng năm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc TTTVSKSS&KHHGĐ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (BVPSTW) cho biết, con số trên chỉ là thống kê sơ bộ của 1 bệnh viện, con số thực tế ở ngoài còn đáng báo động hơn rất nhiều. Nhất là hệ thống phòng khám tư nhân, phòng khám “chui” thì không ai có thể thống kê được con số chính xác. Đặc biệt, thời gian gần đây, tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi thanh niên chưa kết hôn tăng mạnh lên mức đáng báo động đỏ, chiếm tới 30% số ca phá thai ở viện, thậm chí có người đã lập gia đình nhưng chưa sinh con cũng đi bỏ thai đến 2, 3 lần. Gần đây nhất, có 1 trường hợp 31 tuổi, chưa kết hôn nhưng đã phá thai đến 4 lần. Với tình trạng như này thì tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam sẽ đi về đâu, bà Minh trăn trở.

Theo bà Minh thì 50% trong số đến phá thai không sử dụng biện pháp tránh thai nào, có dùng thì dùng không đúng cách, dùng bập bõm nên có thai là điều đương nhiên. Quy trình để phá thai ở bệnh viện an toàn, đơn giản, chi phí thấp (từ 300 – 500 nghìn đồng/ca) nên lượng người tìm đến đây để giải quyết cũng tăng hơn nhưng quan trọng là nhận thức của người phụ nữ không được nâng lên, họ thấy đơn giản nên có “nhỡ” xảy ra thì lại đến viện. Vì vậy, tỷ lệ phá thai sẽ tăng chứ rất khó giảm.

Một số thanh niên ngồi chờ tại TTTVSKSS&KHHGĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong khi “đối tác” của họ đang được “xử lý” ở phòng thủ thuật.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, cán bộ tư vấn TTTVSKSS&KHHGĐ, BVPSTW cho biết, 100% bệnh nhân đến TT đều được tư vấn về quá trình thực hiện thủ thuật, cảnh báo, nguy cơ, tai biến có thể xảy ra trong quá trình hút thai, biện pháp tránh thai an toàn, tái khám… nhưng có 1 điều đáng buồn là ra khỏi phòng tư vấn và làm thủ thuật xong, hầu hết các bệnh nhân không tuân thủ lời khuyên của bác sĩ. Đơn cử, mới đây có 1 trường hợp chị Nguyễn Thị K. 24 tuổi, chưa lập gia đình, vừa hút thai vào cuối tháng 9, thai 7 tuần, giờ đầu tháng 12 lại có thai gần 7 tuần. Trong gần 3 tháng mà 2 lần đi hút thai thì rất nguy hiểm, chúng tôi đã cảnh báo, khuyên bệnh nhân để đẻ nhưng không được.

Trước thực trạng trên, có thể nói Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều gánh nặng về vấn đề sức khỏe sinh sản. Hệ lụy của tình trạng phá thai không còn là vấn đề của một vài cá nhân mà nó là vấn đề lớn của toàn xã hội, thậm chí còn ảnh hưởng đến giống nòi. Điều này gây ra những hậu quả đáng tiếc cho thế hệ trẻ khi có tới hơn 87% trường hợp phải nạo buồng tử cung sau khi phá thai do rau không bong, sót rau, sót màng… Việc can thiệp nạo buồng tử cung cũng có nguy cơ gây sang chấn đường sinh dục, gây đau và nguy cơ viêm nhiễm có thể dẫn tới vô sinh thứ phát.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, việc phá thai khi các bà mẹ còn nhỏ cũng dễ bị gây tổn thương cho các cơ quan sinh sản, dễ gặp các biến chứng trong quá trình phá thai, có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng của các bà mẹ nhí và có thể khiến vô sinh. Riêng những trường hợp phá thai nhỏ tuổi cũng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cũng như di chứng suốt đời. Theo thống kê ở Việt Nam, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên (nhóm 15 đến 19 tuổi) trong năm 2011 là 46/1.000, cao hơn nhiều nước cùng khu vực như Malaysia 12/1.000, Singapore 5,2/1.000. Điều này dẫn đến tỷ lệ  phá thai ở trẻ gái vị thành niên Việt Nam cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới với khoảng 300 ngàn ca/năm. Chiếm khoảng 70% số ca là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp. Tình trạng phá thai nói chung, phá thai lứa tuổi vị thành niên (VTN), thanh niên cao chiếm trên 30% tổng số ca sinh/1 năm, trong đó số ca phá thai ở tuổi VTN, thanh niên chiếm khoảng 17-18% (số liệu chủ yếu thu thập được tại các cơ sở y tế Nhà nước).

Hiện nay, hơn 1/3 thanh niên Việt Nam chưa được tiếp cận với các biện pháp tránh thai an toàn và đặc biệt là chưa biết cách xử trí khi mang thai ngoài ý muốn. Để hạn chế tình trạng mang thai ở trẻ vị thành niên và thanh niên, theo bà Minh, Việt Nam cần có những cách làm, chiến lược truyền thông, hành động cụ thể, trong đó tăng cường tiếp cận giáo dục giới tính là yếu tố then chốt để giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn.

Nên tuyên truyền bằng nhiều hình thức như  tư vấn trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, thực hiện diễn đàn, qua các phương tiện thông tin đại chúng... cán bộ chuyên trách từ tỉnh đến xã, đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên nhằm giúp các chị em phụ nữ nâng cao kiến thức làm thay đổi hành vi về CSSKSS, đa dạng hoá các biện pháp tránh thai và cung cấp các biện pháp tránh thai có chất lượng. Đồng thời, cải thiện tình hình sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục của vị thành niên thông qua việc giáo dục, tư vấn và cung cấp các dịch vụ CSSKSS phù hợp với lứa tuổi, điển hình là dịch vụ thân thiện thanh, thiếu niên tại cơ sở. Công tác kế hoạch hoá gia đình; chăm sóc phụ nữ trước, trong và sau sinh; công tác nâng cao chất lượng sức khỏe của phụ nữ và các bà mẹ, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong mẹ và con.

Hy vọng với những nỗ lực của những người làm công tác CSSKSS, nhận thức của người phụ nữ Việt về vấn đề sức khỏe sẽ được nâng lên, giảm thiểu tình trạng phá thai tràn lan như hiện nay

Phan Đức
.
.
.