Các cảng đường thủy nội địa đầu mối ở Việt Nam:

Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường

Thứ Ba, 12/05/2009, 09:49
Nghiên cứu của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy tại các cảng đường thủy trên toàn quốc ngày càng có những tác động xấu, nghiêm trọng đến môi trường. Trong khi đó, công tác xử lý ô nhiễm môi trường trên thực tế đang bị xem nhẹ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và để lại hậu quả lâu dài cho hoạt động GTVT và môi trường sống.

Còn nhiều cảng "4 không"

Theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, toàn quốc hiện có gần 7.000 cảng, bến thủy nội địa, nhưng chỉ có trên 100 cảng, được chia thành 3 nhóm chính là cảng đầu mối, cảng chính của địa phương và nhóm cảng chuyên dùng.

Điều đáng nói là đa phần những cảng đầu mối (như cảng Hà Nội, Việt Trì, Nam Định, Đáp Cầu, Thủ Đức...) có cơ sở hạ tầng yếu kém, trang thiết bị vừa thiếu vừa lạc hậu, các điều kiện về cấp thoát nước, cung cấp dịch vụ không đồng bộ nên đều đang ở trạng thái báo động về ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm môi trường tập trung chủ yếu dưới dạng bụi trên đường ra vào, các bãi tập kết hàng hoá và nội bộ cảng, trên phương tiện ra vào. Dạng ô nhiễm khác là hàng hoá rơi vãi xuống sông trong quá trình bốc xếp, quá trình vệ sinh hầm hàng, nước mưa trôi xuống không qua hệ thống lọc.

Chất gây ô nhiễm chủ yếu là than đá, quặng sắt, vật liệu xây dựng, hoá chất, bột giấy, clinke và một số hoá chất dưới dạng bột khác như lưu huỳnh, natri rời được bốc xếp bằng cẩu ngoạm rơi vãi khá lớn được trút thẳng xuống sông... Cùng đó là chất thải của tàu thuyền gồm chất thải sinh hoạt, chất thải làm vệ sinh máy móc, giẻ lau máy...

Đối với những cảng chuyên dùng, tình trạng tương tự xảy ra tại những cảng được xây dựng trước năm 1990 (như cảng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, cảng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Xi măng Hoàng Thạch, Giấy Bãi Bằng) và một số cảng mới xây dựng (như cảng Nhà máy Xi măng Bút Sơn, cảng Long Bình...).

Khảo sát gần đây nhất của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tại các cảng đầu mối phía Bắc và một số cảng chuyên dùng phía Nam đã cho thấy công tác bảo vệ môi trường tại các cảng đều không được quan tâm.

Đến nay, tất cả các cảng, kể cả cảng lớn nằm trong đô thị đều trong tình trạng "4 không": không máy rửa xe trước khi ra khỏi cảng; không hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, giẻ lau dính dầu mỡ, dầu cặn; không hệ thống thu gom và xử lý, lắng lọc nước mưa; không có các trang thiết bị thu gom dầu tràn...        

Ô nhiễm bụi, nước và rác thải     

Thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cảng, bến thủy đang tồn tại dưới nhiều dạng, nhưng phổ biến và đáng báo động nhất hiện nay là ô nhiễm do bụi, nước và rác thải. Đánh giá chung của nghiên cứu cho thấy, không khí tại khu vực cảng có nồng độ bụi khá cao, nhất là thời điểm bốc xếp hàng rời và có xe ôtô hoạt động trên bến.

Ngoài ra, bụi đất và các chất bụi có chứa một số hoá chất độc hại khi gặp gió sẽ bốc lên, phát tán vào không khí, gây ô nhiễm nội bộ cảng và vùng xung quanh, đọng lại trên thảm thực vật, tích tụ theo nước mưa rơi xuống, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người lao động và cư dân trong khu vực.

Đối với nguồn nước khu vực cảng, do hầu như 100% phương tiện xả trực tiếp nước sinh hoạt, nước vệ sinh tàu ra khu vực này nên ô nhiễm phổ biến nhất do các chất hữu cơ gây ra. Cùng với đó, cũng phải kể đến một lượng không nhỏ nước thải bị lẫn dầu mỡ tạo thành màng dầu hoà tan trong nước hoặc nước thải chứa hàm lượng cao các chất kẽm, đồng, măng-gan...

Rác thải đang gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ khá nghiêm trọng tại khu vực cảng, với đủ loại rác: từ thực phẩm thừa, chất đựng thực phẩm, phế thải công nghiệp... Nguyên nhân của tình trạng này một phần do đây là "đầu mối" tiêu thụ chất thải của nhân viên, hành khách trên tàu, của nhà xưởng, kho bãi, đến chất thải trong quá trình bốc xếp, sang mạn tại khu vực cảng, bến.

Theo thống kê năm 2006, toàn quốc có 3.360 cảng, bến, trong đó trên các tuyến đường thủy địa phương có 1.352 cảng, bến. Theo quy hoạch, hệ thống cảng, bến sẽ phát triển mạnh, với các cụm cảng đầu mối như cụm cảng Ninh Bình - Ninh Phúc, Hà Nội - Khuyến Lương, cụm cảng TP HCM, Long Xuyên, Cà Mau...

Vì thế, thách thức trong sự phát triển của hệ thống cảng, bến và phương tiện thủy nội địa trong tương lai là xây dựng được các cảng, bến giải quyết tốt vấn đề môi trường.

Ông Phạm Minh Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết: Cục cũng đã xây dựng chương trình quản lý môi trường, tiêu chuẩn và quy định thanh tra môi trường chuyên ngành đường thủy nội địa; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng GTVT đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, chưa biết khi nào sẽ đưa vào áp dụng trong thực tế. Thiết nghĩ, nhằm giải quyết vấn đề này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan chức năng nên sớm đưa ra phương án hiệu quả xử lý chất thải của cảng, bến và phương tiện thủy nội địa để đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm trầm trọng

Thanh Huyền
.
.
.