Báo động tình trạng người tâm thần gây án

Thứ Năm, 07/08/2014, 09:01
Những ngày qua, dư luận bàng hoàng về vụ án xảy ra tại xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương ngày 2/8. Đối tượng Phạm Duy Quý đã giết chết 4 người trong gia đình, là bà nội, bố, mẹ và chị họ. Căm phẫn về hành động mất tính người của kẻ gây án, nhưng người dân cũng hết sức lo lắng khi thấy rằng, đây là hậu quả đau xót khi người tâm thần sống trong cộng đồng dân cư không được quản lý và điều trị đúng cách.

Hậu quả được báo trước         

Trước thời điểm gây án chừng hai năm, đối tượng Phạm Duy Quý đã có biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt. Gia đình tự mua thuốc về điều trị cho Quý. Đồng thời, đối tượng này còn nghiện game. Lời khai của Quý trước cơ quan Công an cũng cho thấy đối tượng này là người không bình thường. Anh ta đã nung nấu ý định giết bố mẹ từ lâu nên khi tinh thần bị kích động, đối tượng đã tàn nhẫn ra tay sát hại những người thân thiết nhất. 

Đã có rất nhiều vụ án để lại hậu quả đau lòng do người tâm thần gây ra. Chỉ trước khi đối tượng Phạm Duy Quý gây án vài ngày, ngày 27/7, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng phải tạm giữ đối tượng Hoàng Văn Thanh ở thôn 10, xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn về hành vi giết người. Nạn nhân của vụ án này cũng là những người thân trong gia đình, là mẹ đẻ và vợ của đối tượng. Bước đầu, cơ quan Công an xác định đối tượng Thanh đã có sổ bệnh án về tâm thần, từng điều trị về bệnh này. Thực tế đã có vô số vụ thảm án do đối tượng tâm thần gây ra. Đau xót hơn cả, nạn nhân của các vụ án nghiêm trọng đó hầu hết đều là người thân của đối tượng. Chuyện người tâm thần gây gổ, đập phá, gây thương tích cho người thân xảy ra như cơm bữa. Nhưng có lẽ, họ cũng không nghĩ đến một ngày chính người con, em của mình lại ra tay sát hại cả nhà. Lẽ ra, khi thấy người thân mắc bệnh nặng, họ phải đưa vào bệnh viện điều trị hoặc có biện pháp phòng ngừa.

Người tâm thần cần được thường xuyên theo dõi, chăm sóc và điều trị.

Bác sỹ Lê Đào Nghĩa, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương là người đã có 30 năm kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân tâm thần đánh giá: Người có biểu hiện tâm thần, đặc biệt là rối loạn tâm thần hoang tưởng ảo giác, có ảo thanh… dễ gây tội ác man rợ, nhưng sau khi hành động xong thường không nhớ gì, hoặc bình thường không bao giờ dám làm những việc như thế. Bởi vậy, để người tâm thần sống ở cộng đồng là vấn đề lớn, luôn có nguy cơ khó kiểm soát và cần phải có một Bộ luật riêng cho bệnh nhân tâm thần.

Quản lý bằng cách nào để tránh nguy cơ?

Vậy, quản lý người tâm thần bằng cách nào khi để trong cộng đồng thì đã có bao nhiêu hậu quả xảy ra, mà đưa vào Bệnh viện Tâm thần thì không đủ sức chứa? Theo ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH thì theo xu hướng của thế giới, việc nuôi dưỡng tập trung và lâu dài lại khiến người tâm thần khó hồi phục mà phải cho họ gắn với cộng đồng, chăm sóc trong môi trường gia đình là tốt nhất. Còn ở Việt Nam, hiện có 200.000 người bị tâm thần nặng, để giải quyết hết số người bệnh trên phải cần tới hơn 200 cơ sở trên toàn quốc. Như vậy, mỗi tỉnh phải có từ 3 đến 4 cơ sở điều trị tập trung cho người tâm thần. “Đó là điều không tưởng bởi phải cần một khoản chi phí khổng lồ. Trong điều kiện hiện nay, để thành lập một cơ sở điều trị bệnh tâm thần mới hoặc bổ sung cho các địa phương thì chưa thể thực hiện được”- ông Đức nhấn mạnh.

Vậy giải pháp nào dành cho các đối tượng này? Ông Đức cho biết, căn cứ trên Quyết định 1215/2011-CP của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH thành lập Đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm lý dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012-2020”. Theo đề án này thì cả nước sẽ có 50 trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần và hiện đang thí điểm ở 2 tỉnh là Bến Tre và Thanh Hóa. Các trung tâm này có hệ thống giúp đỡ người tâm thần ở 3 tuyến: tỉnh, huyện, xã. Để chăm sóc tốt cho người tâm thần ở cộng đồng thì gia đình phải được tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, phát hiện sớm những biểu hiện hành vi cấp tính của người tâm thần. Trung tâm công tác xã hội sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành tư vấn, kiểm tra sức khỏe người tâm thần khi có trường hợp nghiêm trọng, sau đó mới đưa ra các biện pháp can thiệp sớm nhằm ngăn ngừa rủi ro. “Trường hợp Phạm Duy Quý ở Hải Dương thì gia đình, người thân, cộng đồng không hề có phản hồi nào về hành vi, biểu hiện đe dọa đến tính mạng của họ đến Công an, chính quyền sở tại để can thiệp. Điều đó rất nguy hiểm” - ông Đức cho biết.

Từ trước đến nay, cơ quan Công an chỉ làm công tác phòng ngừa, nếu nắm được thông tin hay có phản ánh thì yêu cầu gia đình người bệnh đưa bệnh nhân vào các cơ sở điều trị. Tuy nhiên, nếu người nhà không đưa bệnh nhân đi chữa trị thì cơ quan Công an cũng không thể can thiệp. Đây cũng là điều khó khăn cho công tác quản lý người tâm thần trong cộng đồng. Cũng vì nhiều lẽ đó mà đề án của Bộ LĐ-TB&XH triển khai đã 4 năm nhưng việc thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH

“Để ngăn ngừa nguy cơ người tâm thần gây án, quan trọng nhất phải phát hiện sớm”. Làm thế nào để phát hiện sớm người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần? Theo ông Đức, biểu hiện dễ nhận thấy đó là lệch lạc về tâm lý, đối tượng nghiện game, nghiện ma túy đá, có lối sống lập dị… Khi thấy những biểu hiện này của người trong gia đình cần phải đưa đến chuyên gia tâm lý tư vấn để đưa ra hướng điều trị.

Hội thảo xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần 2015-2020 ngày 4/8 đưa ra con số, người bệnh tâm thần nặng ước tính có khoảng 2,5% trong số người rối nhiễu tâm lý. Tỷ lệ người bệnh tâm thần mãn tính chiếm 0,8% dân số, trong đó tâm thần phân liệt chiếm 0,5%. Hiện mới có khoảng 80% bệnh nhân tâm thần mãn tính được quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng xã/phường.

Việt Hà – Trần Hằng
.
.
.