"Báo động đỏ" ô nhiễm làng nghề

Thứ Năm, 27/08/2009, 15:01
"Hơn 90% trong tổng số 2.790 làng nghề trên cả nước vi phạm pháp luật về môi trường…" - Đó là ý kiến của Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C36 - Bộ Công an) tại một cuộc hội thảo ngày 26/8 giữa lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT), các cơ quan quản lý về môi trường và đại diện chính quyền cơ sở về vấn đề này.
>> Làng "sừng" đi lên, môi trường đi xuống / Ô nhiễm tại làng “tỷ phú”
>> Tiến sâu vào làng phải… bịt mũi

Dân làng nghề đang sống chung với ô nhiễm

Theo C36, qua điều tra khảo sát và kết quả thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy hầu hết các làng nghề chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn đang diễn ra phổ biến.

Tại địa bàn phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), trong 123 cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề tái chế kim loại được thanh tra thì toàn bộ các cơ sở này chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải. Chất thải rắn phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh không được thu gom, vận chuyển đến khu vực quy định để xử lý mà đổ tùy tiện xung quanh khu vực cụm công nghiệp.

Phân tích của cơ quan chức năng về các chỉ số ô nhiễm cụ thể cho thấy, ở đây hàm lượng SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 48-60 lần, hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 113-230 lần, hàm lượng NO2 vượt chuẩn 50-76 lần…; tại cụm công nghiệp làng nghề giấy Phong Khê, TP Bắc Ninh, qua thanh, kiểm tra 157/209 cơ sở sản xuất của làng nghề tái chế giấy thì hầu hết không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, nguồn nước thải được xả ra cống chung của làng nghề sau đó chảy ra sông Ngũ Huyện Khê gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt. Hầu hết các cơ sở cũng chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.

Ví dụ khác, tại xã Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) có 3 làng nghề với 2.174 hộ sản xuất dệt, nhuộm, hấp vải. Hầu hết các hộ không có bản cam kết bảo vệ môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng thấy nước thải từ các làng nghề có nhiều chất dư thừa, độ màu rất cao đều xả thải ra kênh, sau đó đổ ra sông Nhuệ.

Tình trạng chung đó xảy ra ở nhiều làng nghề khác ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức; làng nghề Thụy Ứng xã Hòa Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội); làng nghề Đại Phu, xã An Đổ, huyện Bình Lục (Hà Nam); làng nghề nấu rượu truyền thống Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang)…

Xử lý nghiêm để bảo vệ chính các hộ làm nghề

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 2.790 làng nghề. Con số 90% làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường như Cục trưởng Nguyễn Xuân Lý nêu lên là rất đáng báo động. Tuy nhiên, đây là việc vô cùng khó khăn, phức tạp đòi hỏi thời gian, cơ quan chức năng cũng không thể xử lý bằng cách xóa bỏ làng nghề đó.

Thực tế, ở đa số làng nghề nếu gây ô nhiễm thì các hộ dân trong đó bị ảnh hưởng trước hết. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao nhận thức để người dân tự bảo vệ, thì việc các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ cộng đồng và cũng là bảo vệ làng nghề, bảo vệ chính các hộ làm nghề.

Kiểm tra cơ sở sản xuất thuộc làng nghề tái chế, cô đúc nhôm Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh.

Thượng tá Nguyễn Việt Tiến, Phó trưởng Phòng PC36 Công an TP Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội các làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm thì rất nhiều. Vừa qua lực lượng CSMT của Hà Nội tiến hành xử lý nghiêm khắc ở 22 làng nghề gây ô nhiễm ở mức nghiêm trọng. Ở các làng nghề này, hậu quả của việc gây ô nhiễm là rất rõ. Việc xem xét trách nhiệm hình sự của những người vi phạm cũng không "gấp" bằng việc bảo vệ chính người dân của làng nghề. Họ sống trong môi trường ô nhiễm đó đã phải chịu hậu quả từ khí thải độc hại, nước thải nguy hại gây ra, nhiều người bị bệnh ngoài da, bệnh đường ruột, bệnh ở hệ hô hấp tăng mạnh, thậm chí có không ít người bị ung thư trong các làng nghề này.

Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C36 cho biết, một trong những giải pháp trọng điểm tới đây bên cạnh nâng cao nhận thức của các hộ dân trong làng nghề thì quan trọng hơn, theo ông là phải nâng cao "quan trí" tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức của cán bộ phường, xã có làng nghề. Quan điểm chung là duy trì, bảo vệ, phát triển các làng nghề một cách bền vững. Do vậy, những vấn đề vi phạm môi trường ở các làng nghề, trước hết sẽ dành một thời gian hợp lý để các doanh nghiệp, các làng nghề "tự xử". Nếu việc "tự xử" không tốt, lực lượng CSMT sẽ vào xử lý nghiêm theo pháp luật.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Lý cho biết, tới đây lực lượng CSMT sẽ lên phương án triển khai các chuyên đề đấu tranh chống tội phạm, vi phạm về môi trường. Trước hết, C36 yêu cầu lực lượng CSMT ở các địa phương chọn một số vụ vi phạm điển hình đưa ra xử lý nghiêm khắc góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của mọi người về vấn đề này

B. Tuấn
.
.
.