Bảo đảm mục tiêu kép của “luồng xanh”

Chủ Nhật, 25/07/2021, 06:57
Những ngày gần đây, câu chuyện “luồng xanh” vận tải trở thành mối quan tâm của dư luận. Không thể phủ nhận, việc xây dựng “luồng xanh” đã tạo thuận lợi hơn cho người dân cũng như doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hoá từ bên ngoài vào vùng có dịch, cũng như từ tỉnh có dịch đi qua các tỉnh khác.


Thế nhưng, việc tổ chức “luồng xanh” như thế nào và áp dụng ra sao để có hiệu quả nhất trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay đang là câu hỏi được người dân và doanh nghiệp quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

PV: Xin bà cho biết, xuất phát từ đâu mà chúng ta lại có khái niệm “luồng xanh” cho xe vận chuyển hàng hoá? "Luồng xanh" ở đây được hiểu cụ thể như thế nào?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Trước nay có thể nói vấn đề vận tải hàng hoá của chúng ta khá thuận lợi. Thế nhưng, từ khi dịch COVID-19 xảy đến, nhất là tình hình dịch tái diễn phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, việc kiểm soát người và phương tiện ra vào vùng dịch được siết chặt thì vấn đề vận chuyển hàng hoá đã phát sinh vấn đề.

Bà Phan Thị Thu Hiền.

Trước tình hình cấp bách, với quyết tâm vừa kiểm soát chặt vấn đề dịch bệnh, vừa là để hàng hoá phải được thông suốt, không đứt gãy, không để các tỉnh vùng dịch giãn cách bị thiếu lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu, từ đầu tháng 7 chúng tôi đã đề xuất cấp trên xin phép mở “luồng xanh” vận tải.

Tổ chức "luồng xanh" liên tỉnh, liên vùng và các tuyến vận tải trên phạm vi cả nước nhằm tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa; vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đi qua khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Việc tạo "luồng xanh" đáp ứng mục tiêu kép, vừa kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời tạo thuận lợi nhất cho vận chuyển hàng hoá thông suốt 24/24h. Các xe trong diện "luồng xanh" được cấp thẻ nhận diện có mã QR, dán trên cửa kính; ưu tiên đi lại khi qua chốt, không phải quay đầu như các phương tiện khác khi đến khu vực giãn cách; và có thể không phải dừng lại để kiểm tra, đơn vị chức năng chỉ kiểm tra xác xuất một số xe có sử dụng đúng thẻ nhận diện hay không.

Hiện nay, việc triển khai cấp giấy nhận diện phương tiện hoạt động trên "luồng xanh" được Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh thực hiện đầu tiên. Đối với các phương tiện hoạt động trên cả nước, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có hướng dẫn cụ và đưa vào sử dụng phần mềm đăng ký hoạt động trên "luồng xanh" toàn quốc.

PV: Tính đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp cùng 63 tỉnh, thành xây dựng phương án tổ chức "luồng xanh" hàng hóa liên tỉnh. Mỗi ngày đơn vị đã cấp được bao nhiêu thẻ nhận diện đi qua “luồng xanh”?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Theo báo cáo của các Sở GTVT, luỹ kế tính ngày 23/7/2021 đã cấp QR CODE lưu thông luồng xanh cho 42.817 xe. Theo thống kê trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tính đến 13h ngày 23/7/2021 đã cấp được 2.987 xe. Luỹ kế đến nay đã cấp được 10.150 xe. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tap, lan rộng đến nhiều tỉnh thành khác, chúng tôi đang tiếp tục nhân rộng phương án tổ chức "luồng xanh" trên cả nước để các tỉnh tổ chức giao thông ngay khi có yêu cầu giãn cách.

PV: Những ngày gần đây, nhìn chung tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến thành phố Hồ Chí Minh cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Thế nhưng, một số tuyến quốc lộ ở đồng bằng sông Cửu Long, dù có "luồng xanh" song vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc, vì sao thưa bà?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Tình trạng trên chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn và đã được tháo gỡ ngay. Như tại cửa ngõ vào tỉnh Tây Ninh, khi địa phương bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 và thực hiện "3 tại chỗ" ở các khu công nghiệp; Cần Thơ yêu cầu xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh vào thành phố phải test nhanh mặc dù phiếu xét nghiệm của tài xế còn hiệu lực...

Những quy định này đã gây ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ. Với chủ trương tạo "luồng xanh" cho xe chở hàng hóa trên toàn quốc, chúng tôi đã công bố phương án phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện trên 48 hành trình giữa các tỉnh khu vực phía Nam. Các thông tin này được đăng tải và cập nhật trên trang web của Tổng cục Đường bộ.

Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo các sở giao thông vận tải khẩn trương xác định và công bố phương án tổ chức giao thông cho xe chở hàng, chuẩn bị phương án "luồng xanh" trên địa bàn tỉnh để công bố ngay trong trường hợp áp dụng Chỉ thị 16, qua đó đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hoá được thông suốt, không bị đứt gãy.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi tỉnh Long An, Tiền Giang đề nghị nghiên cứu, thí điểm lập chốt kiểm soát dịch bệnh phục vụ hoạt động vận tải hàng hoá (trong thời gian TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh Tây Nam Bộ áp dụng Chỉ thị 16) tại 4 trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

PV: Đại diện Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam phản ánh mã QR cấp cho xe chở hàng hóa "chưa thể hiện lộ trình", nên tài xế đi qua trạm nào cũng bị dừng lại để kiểm tra. Tổng cục Đường bộ chỉ đạo giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Chúng tôi đang tìm giải pháp phù hợp nhất. Tuy nhiên, chúng ta đang trong thời kỳ dịch bệnh có những diễn biến phức tạp nhất, với mức độ lây lan nhanh, nguy hiểm nên việc các địa phương lập các chốt kiểm soát là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, việc tạo "luồng xanh" đã cơ bản đảm bảo giao thông thông suốt 24/24h, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân, đảm bảo sản xuất kinh doanh vẫn được liên tục, ổn định; đảm bảo cho công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan vẫn được đi lại qua các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hướng dẫn các doanh nghiệp in giấy nhận diện phương tiện khổ A4, dán thêm lên kính hai bên cửa xe để thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, hạn chế tiếp xúc để ngăn sự lây lan dịch bệnh.

PV: “Luồng xanh” vận tải đã gỡ khó cho việc lưu thông hàng hoá tại phía Nam. Thế nhưng, từ ngày 24/7, Hà Nội chính thức áp dụng Chỉ thị 17 về giãn cách xã hội. Tình hình ùn tắc tại xảy ra tại cửa ngõ Thủ đô. Về vấn đề này, phía Tổng cục Đường bộ có giải phải pháp gì không, thưa bà?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Hiện thành phố giãn cách xã hội nên phương tiện không được đi vào, trừ các xe có thẻ nhận diện theo “luồng xanh”. Do đó, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho xe qua “luồng xanh” một cách nhanh nhất, chúng tôi cũng đã triển khai phương án phân luồng từ xa cho xe không vào Hà Nội.Theo đó, xe từ Hòa Bình đi về Hà Nam, Ninh Bình, các tỉnh phía Nam và ngược lại đi theo các tuyến đường: Ngã ba Xuân Mai (Hà Nội) - quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh (Hòa Bình) - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước. Hòa Bình - quốc lộ 6 - đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 21 - quốc lộ 1 - Hà Nam. Hòa Bình - quốc lộ 6 - đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 12B - quốc lộ 1- Ninh Bình. Hòa Bình - quốc lộ 6 - đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 9 - quốc lộ 1 - các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Xe từ Hòa Bình đi đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái và ngược lại đi theo đường: Hòa Bình - quốc lộ 6 - quốc lộ 21 - quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - quốc lộ 2 - Vĩnh Phúc; Hòa Bình - quốc lộ 6 - quốc lộ 21 - quốc lộ 32 - Yên Bái. Xe đi từ Hòa Bình đi Thái Nguyên, Bắc Ninh và ngược lại theo tuyến: Hòa Bình - quốc lộ 6 - quốc lộ 21 - quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - quốc lộ 2 - quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh - quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Hòa Bình - quốc lộ 6 - quốc lộ 21 - quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - quốc lộ 2 - quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh - Bắc Ninh.

Xe từ Ninh Bình đi đến Lạng Sơn và ngược lại theo tuyến: Ninh Bình - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - quốc lộ 38 - quốc lộ 39 - quốc lộ 5 - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - quốc lộ 1 - Lạng Sơn. Ninh Bình - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - quốc lộ 38 - quốc lộ 39 - quốc lộ 5- quốc lộ 37 - quốc lộ 18 - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - quốc lộ 1- Lạng Sơn.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!

Phạm Huyền (Thực hiện)
.
.
.