Báo chí tuyên truyền về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT
Đây là một nội dung quan trọng trong 5 chuyên đề được BHXH Việt Nam nêu ra trong chương trình Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2018, tổ chức tại Bình Định, từ ngày 16 đến 18-5-2018.
Ngày 22-11-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020”. Sau 5 năm thực hiện, công tác tuyên truyền đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Được sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam đã xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW, các cấp ủy đảng từ Trung ương tới địa phương đã lãnh đạo tổ chức quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, có chiều sâu, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ban, bộ ngành, địa phương...
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về BHXH, BHYT . |
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, 5 năm qua, công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về BHXH, BHYT. Các quan điểm, chủ trương nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác BHXH, BHYT, nhất là mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và các giải pháp chủ yếu được nêu trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Đề án, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được tuyên truyền kịp thời, sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam trực tiếp biên soạn và phát hành hàng nghìn cuốn tài liệu cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ tuyên truyền...
Tại Hội nghị, ông Vũ Đình Thường đã nhấn mạnh tới nội dung tuyên truyền về chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật như: Luật BHXH sửa đổi, nhấn mạnh quyền, nghĩa vụ của người tham gia của BHXH; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BHYT, ngoài quyền lợi, nghĩa vụ của người dân còn có tính nhân văn, các cơ quan báo chí đã thực hiện có hiệu quả, vô cùng sinh động. Một nội dung quan trọng trong công tác tuyên truyền của các cơ quan thông tấn báo chí chính là biểu dương điển hình tiên tiến trong ngành BHXH. Ví dụ, hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối với 12.000 cơ sở trên toàn quốc; sử dụng thẻ BHYT điện tử; BHXH xếp thứ 2 trong Bảng xếp hạng chung các bộ thực hiện dịch vụ công trực tuyến...những kết quả này được báo chí tuyên truyền tích cực, đưa chính sách BHXH, BHYT và cuộc sống...
Bên cạnh đó, báo chí cũng biểu dương các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, cơ sở y tế thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; đồng thời, cũng phát hiện, phản ánh về tình trạng chây ì, trốn đóng, trục lợi bảo hiểm...để qua kênh này các cơ quan chức năng nắm bắt được và có hình thức xử lý...
Ông Vũ Đình Thường nêu rõ, nét mới trong đời sống báo chí thời kỳ đổi mới chính là chức năng phản biện, hoàn thiện chủ trương chính sách, nhiệm vụ, giải pháp... Qua việc phát hiện, phản ánh các vấn đề cần quan tâm về BHXH, BHYT. Báo chí góp phần ổn định xã hội, giải quyết các vấn đề một cách triệt để, có thể qua việc phản ánh trong các tác phẩm báo chí, thông qua việc xử lý các điểm nóng...
Hình thức thông tin tuyên truyền đã rất sinh động và sáng tạo, qua đó đã phát huy ưu thế của các loại hình báo chí. Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, BHXH Việt Nam đã tổ chức cuộc thi và giải thưởng viết về công tác BHXH, BHYT...
Trong các chuyên đề tập huấn, các phóng viên, biên tập viên đã nghe chuyên đề Báo chí trong công tác giám sát thực hiện Luật BHXH, BHYT, do báo cáo viên TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày. Các chuyên đề: Kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình năm 2017; một số kiến nghị và giải pháp; Những định hướng phát triển BHXH tự nguyện tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; Những quy định mới về chính sách, pháp luật BHXH; Những quy định mới về chính sách, pháp luật BHYT do lãnh đạo các Ban thuộc BHXH Việt Nam trình bày...
Ông Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày chuyên đề với nội dung Báo chí tuyên truyền Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. |
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, năm 2017, công tác tuyên truyền của ngành đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan báo chí. Các cơ quan thông tấn báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối tuyên truyền đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam về kết quả công tác phối hợp giữa BHXH Việt Nam với các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT năm 2017 cho thấy, ngay từ đầu năm BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp tuyên truyền thường xuyên với 70 đầu mối của 60 cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp dài hạn giai đoạn 2015 – 2020 giữa BHXH Việt Nam với 4 cơ quan truyền thông quốc gia, gồm: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân dân; phối hợp thường xuyên giai đoạn 2015 – 2017 với 21 cơ quan báo chí. Đã có trên 7.000 chuyên mục, chuyên trang, tin, bài, phóng sự được các cơ quan báo chí Trung ương thực hiện.
Các tin, bài, chương trình, phóng sự… đều được đăng tải kịp thời, chất lượng ngày càng đảm bảo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020...