Bánh tráng đi Tây

Chủ Nhật, 11/02/2007, 08:42

Đó là bánh tráng được sản xuất tại lò đúc bánh nổi danh mấy chục năm qua của các cô Đặng Thị Tuý Phong, Đặng Thị Bổn và Nguyễn Thị Hay ở thôn Tuý Loan, xã Hoà Phong (Hoà Vang - Đà Nẵng).

Cô Bổn kể các công đoạn đúc bánh tráng như sau: Cứ 16h và 21h mỗi ngày vuốt mỗi lần 1 ang gạo (8kg) sạch sẽ, ngâm vào nước, sáng sớm nhóm lò, rồi xay gạo đã ngâm hôm qua bằng máy xay bột. Dung dịch bột gạo này phải lấy trùng, không được đặc quá, không được lỏng quá.

Dung dịch này lỏng vừa thì khó đúc, nhưng sau này, khi nướng chiếc bánh "dậy" lên, ăn mới giòn và xốp, thơm ngon. Tuy nhiên, khi lấy trùng lỏng, rất là khó tráng. Đó cũng là bí quyết của nghề. Sau đó nêm các thứ như gừng, nước mắm, tỏi (đã giã nhuyễn) và ít đường, nhưng quan trọng nhất trộn vào dung dịch này: cứ 1 ang gạo là 12 lon mè trắng đã được bóc vỏ. Nước sôi, thì bắt đầu tráng bánh.

Mỗi cái bánh, tráng làm hai lớp, lớp thứ nhất chín xong thì tiếp tục dùng gáo múc hỗn hợp này, đổ chồng lên. Song song với đúc bánh, người kia thì quạt hai đống than lớn, khi đủ độ nóng, người ta phủ lên một lớp tro để than cháy đượm, sau đó úp hai cái lồng lớn này trên hai đống than, người phơi lần lượt sắp những cái bánh vừa lấy ra, trở đi trở lại nhiều lần cho khô, sau đó xếp lại thành chồng. Muốn bánh ngon, tuyệt đối không được phơi nắng.

Trung bình mỗi ang gạo, cho ra khoảng 80 cái bánh có đường kính 30cm. Trung bình mỗi ngày, nhóm này đúc từ 2 đến 3 ang, xuất xưởng từ 160 cái đến 240 chiếc. Nếu đúc 2 ang/ngày, thì kết thúc lúc 13h. Công đoạn còn lại là mang mè ra nhặt các tạp chất như: hột cỏ, mè đen... và lột tỏi, gừng... Trọng lượng một ràng (10 cái bánh) khoảng 1,4kg. Hiện nay, giá mỗi ràng là 35.000 đồng. Năm nay, cứ đúc mỗi ang gạo, sau khi trừ chi phí lời được 50.000 đồng.

Trong hai mươi năm qua, khách đến lò bánh tráng của nhóm cô Bổn  đặt hàng quanh năm, nhất là trong dịp xuân đến Tết về. Hiện xưởng có khách hàng từ các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP HCM... đến đặt hàng. Cả bà con Việt kiều về quê đặt mua bánh để mang đi Tây...

Đặc biệt, bánh tráng cô Bổn đã được tín nhiệm tại thị trường khu vực, đã mang danh đặc sản quê hương của xã Hoà Phong, đã từng có mặt, trong các cuộc triển lãm, giới thiệu tại các gian hàng trong khu vực vào các dịp lễ, Tết, hội chợ...

Cô Bổn bộc bạch: "Bánh tráng ở đây, chưa từng mang ra chợ, khách đến trễ, đặt không có hàng. Tuy nhiên gần đây, có một số bánh tráng chất lượng kém, được bày bán tại chợ, quán... cũng mang danh nghĩa bánh tráng cô Bổn, điều này cũng làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của mình...".

Các ngành chức năng đang trao đổi, đề nghị nhóm cô Bổn nên duy trì, phát triển mặt hàng đặc sản quê hương này

Quốc Kỳ
.
.
.