Bán lá mãng cầu xiêm, lợi bất cập hại

Thứ Năm, 19/03/2015, 08:07
Thời gian gần đây, một số địa phương trong tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang… xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lá mãng cầu xiêm theo kiểu tận thu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiệt hại kinh tế lâu dài đối với người nông dân nơi đây.

Qua tìm hiểu tình hình thu gom lá mãng cầu xiêm trên địa bàn các xã Long Phú, Tân Phú, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), lá mãng cầu tươi có giá dao động từ 5.000-15.000 đ/kg, tùy theo người mua đến tận vườn để hái hoặc người dân trực tiếp hái lá bán. Ngoài ra, người trực tiếp đi thu mua cũng kiếm được khoản thu nhập kha khá.

Một người thu mua lá mãng cầu nơi đây, tiết lộ: Thu nhập trung bình mỗi ngày từ việc thu mua lá mãng cầu từ 200.000-300.000 đồng.

Chính vì sự hấp dẫn đó mà hiện nay, nhiều hộ dân nông thôn trong tỉnh Hậu Giang rất “tích cực” đi thu mua lá. Còn chủ vườn không ngần ngại hái sạch lá trên cây, nhất là đối với các vườn mãng cầu lâu năm, nhiều lá già, thậm chí là đốn hạ cả cây để tuốt hết lá bán cho thương lái lấy tiền.

Một cây mãng cầu xiêm bị người dân vặt lá bán cho thương lái.

Chỉ tay về vườn mãng cầu trên 200 cây rất xanh tốt, ông Nguyễn Hoàng Khánh (ngụ xã Tân Phú, huyện Long Mỹ), cho biết: “Không hiểu vì sao mà gần đây có nhiều người tìm mua lá mãng cầu xiêm như vậy. Họ bảo vườn mãng cầu tốt như của gia đình tôi thì mỗi cây có thể hái được trên dưới 30kg lá. Với số lượng hàng trăm cây mãng cầu, chỉ riêng việc bán lá cũng “kiếm” được hàng chục triệu đồng”.

Còn ông Dương Văn Đoạn (ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Phú) kể: “Nhà tôi chỉ trồng mấy cây mãng cầu xiêm chủ yếu để ăn, vậy mà ngày nào cũng có thương lái tới hỏi mua lá. Cụ thể, nếu mình tự hái lá thì họ mua từ 7.000-8.000đ/kg (lá tươi); còn phơi khô giá 20.000- 30.000đ/kg; riêng trường hợp bán đứt để thương lái tự hái thì giá từ 3.000-4.000đ/kg. Do gia đình tôi lu bu công việc, không rảnh, nên tôi bán cho thương lái tự hái lá. Không ngờ họ chặt toàn bộ các nhánh lớn nhỏ để tuốt lá, khiến cây mãng cầu trơ trụi”.

Theo ông Trần Tuấn An - Phó Chủ tịch UBND Long Phú, đến nay, toàn xã ước có khoảng 0,6ha diện tích mãng cầu xiêm trồng tập trung và có khoảng 50% hộ dân trồng theo quy mô hộ gia đình (chưa thống kê được diện tích). Những ấp đang có điểm thu mua như ở Long Thạnh 1, Long Bình 2, Tân Bình 2.

Điều đáng nói ở đây là thương lái đến thu gom một cách bất thường, với số lượng lớn cả lá khô và tươi. Còn mục đích của việc thu mua về để làm gì, hay tiêu thụ ở đâu thì người dân không biết (!?). Thậm chí, ngay cả thương lái cũng “lấp lửng” là: mua về bán lại để làm thuốc. Do đó, để thu mua được nhiều lá mãng cầu thì những thương lái lạ mặt đã “bắt mối” đặt hàng cho thương lái địa phương đi thu gom, sau đó họ “nhận” lại hàng.

Chị Nguyễn Bảo Yến (ngụ xã Tân Phú, huyện Long Mỹ), tiết lộ: “Do họ đặt mua với giá “khá hời” nên vợ chồng bỏ việc đồng áng, dành thời gian đi thu gom lá mãng cầu rồi giao cho thương lái. Còn về danh tính những thương lái lạ này ở đâu, họ mua để làm gì, chúng tôi không rõ”… Trong khi việc tận thu lá mãng cầu để làm gì và xuất bán ở đâu vẫn còn là ẩn số thì trước mắt đã có không ít hộ dân ở các địa phương trong tỉnh cảm thấy tiếc nuối cho hành động của mình.

Ông Võ Văn Nuôi (ngụ xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp), cho biết: “Tôi chuyên canh 12 công mãng cầu xiêm đã nhiều năm nên xứ này ai cũng biết tiếng. Cũng từ sự đồn đại đó mà rất nhiều thương lái tới hỏi mua lá mãng cầu. Ban đầu tôi không chịu bán, nhưng họ nói mãi và bảo vườn cây của tôi rất tốt, sẵn sàng mua giá cao từ 10.000- 15.000đ/kg (lá tươi, gia đình hái) nên cũng chiều theo. Sau đợt bán lá mới đây thì tôi tạm ngưng, bởi cây mãng cầu đã bị chặt quá nhiều nhánh”.

Ông Lê Hoàng Thái - Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho biết, qua kiểm tra sơ bộ, việc thu mua lá mãng cầu xiêm thông qua nhiều tầng nấc trung gian như “nhà vườn bán cho thương lái tại các ấp, sau đó giao cho các chủ vựa, chủ vựa giao lại cho thương lái các nơi xa đến đặt mua, rồi chuyển lên TP Hồ Chí Minh… từ đó chuyển đi đâu không rõ”.

Do đó, trong thời gian ngắn mà tìm tận nơi ai là người “cầm trịch” trong việc này là rất khó. Trước mắt, ngành chức năng huyện Long Mỹ đang phối hợp cùng chính quyền các xã, tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức, cảnh giác việc bán lá mãng cầu xiêm tràn lan.

Còn ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang lưu ý, tình trạng này có thể là “bổn cũ soạn lại” mà giới thương lái nước ngoài đã làm trong thời gian qua ở nhiều vùng nông thôn của nước ta. Việc thu mua lá cây, sản phẩm “lạ” (đọt khoai lang, râu ngô, ốc bươu vàng, sương sáo…) với giá cao, sau đó “bỏ của chạy lấy người” là bài học mà người dân cần đề phòng, tránh bị mắc bẫy như các năm trước.

“Chúng tôi chưa rõ thương lái thu mua lá mãng cầu xiêm để làm gì, có đưa sang Trung Quốc tiêu thụ hay không? Tuy nhiên, việc đốn hạ nhánh hàng loạt cây mãng cầu xiêm để bán lá sẽ ảnh hưởng tới cây về lâu dài. Vì thế, ngành nông nghiệp không ủng hộ việc làm này và khuyến cáo bà con không nên làm” - ông Đồng, cho biết.

Hiện, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn và các xã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền cụ thể việc này để bà con hiểu, nhằm ngăn ngừa tình trạng ồ ạt bán lá mãng cầu xiêm dẫn tới hậu quả của vườn cây ăn trái về sau…

TS Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, đơn vị đã nghe thông tin thương lái mua lá mãng cầu xiêm ở tỉnh Hậu Giang rồi, nay lại đến huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Chúng tôi cũng chưa biết mục đích họ mua để làm gì. Trước mắt, người dân hái lá để bán sẽ làm giảm tuổi thọ của cây và giảm năng suất cho trái. Đặc biệt, thời điểm này, mùa khô đang đến, mặn xâm nhập sâu sẽ càng làm ảnh hưởng đến cây nhiều hơn...
Đức Văn - N.Gia
.
.
.