Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên đầu tiên

Thứ Năm, 05/10/2006, 08:02

Tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu “các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát, làm tốt các công việc của Bộ, ngành, địa phương mình, nơi nào để xảy ra tham nhũng, người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm”.

Theo Trang tin Điện tử của Chính phủ, ngày 4/10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đã đến dự.

Triển khai phòng chống tham nhũng mạnh mẽ, hiệu quả

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, báo cáo: Trong thời gian hơn một tháng qua, Ban đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước xây dựng, triển khai kế hoạch hành động phòng, chống tham nhũng của mình; yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an khẩn trương thành lập các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Viện KSND tối cao đã trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề án thành lập Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng.

Các cơ quan chức năng đang khẩn trương bổ sung, hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng ở Thanh tra Chính phủ; Nghị định về kê khai tài sản; Nghị định ban hành danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức; Đề án về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Quy chế quy định chi tiết việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức...

Đối với các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, Thủ tướng và Phó Thủ tướng - Phó trưởng Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo, kết luận xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình, nhất là các vụ án PMU 18, vụ án Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án Rusalka (Khánh Hoà), vụ án Nguyễn Lâm Thái lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số đơn vị trong ngành Bưu điện, vụ án xảy ra tại Thanh tra Chính phủ, gần đây là vụ án tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn; vụ sử dụng trái phép quỹ hỗ trợ bão lụt ở Hà Tĩnh...

Trong 9 tháng qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành 204 công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng xử lý các vụ, việc về tham nhũng do báo chí và nhân dân phản ánh.

Nhiệm vụ sống còn

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ghi nhận và biểu dương những cố gắng của các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền trong việc phòng, chống tham nhũng vừa qua. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng, vì vậy đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ sống còn, là uy tín, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Vì vậy, Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu ra đời là một Ban rất mạnh đại diện cho Đảng và Nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng. Gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Chính phủ đã được dư luận rất hoan nghênh, song nhân dân cũng đang rất kỳ vọng vào hiệu quả hoạt động của Ban. Chủ tịch nước lưu ý, Ban phải làm mạnh mẽ, quyết liệt nhưng phải chặt chẽ, đúng người, đúng tội, không để xảy ra bất cứ trường hợp nào oan sai.

Trong phát biểu kết luận Phiên họp, thay mặt Ban chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu thị quyết tâm, ý chí, phấn đấu cao nhất của Ban cũng như của Chính phủ về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, tham nhũng là nguy cơ, thách thức đối với sự tồn tại của chế độ, vì vậy chống tham nhũng cần được sự quan tâm sâu sát, tiến hành mạnh mẽ và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền và nhân dân.

Để triển khai chương trình công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong những tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp, các ngành và mọi người phải kiên quyết, kiên trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh công tác phổ biến và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tham nhũng.

Các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật đẩy mạnh công tác điều tra, nhanh chóng đưa các vụ án trọng điểm ra xét xử. Đồng thời các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát, làm tốt các công việc của Bộ, ngành, địa phương mình, nơi nào để xảy ra tham nhũng, người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục phân cấp đầu tư, cổ phần hóa mạnh mẽ hơn nữa, do vậy phải rà soát, không để có kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Thủ tướng nhắc nhở các Bộ, ngành địa phương song song với công tác phòng, chống tham nhũng phải triệt để tiến hành thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, tiếp khách.

Thủ tướng lưu ý, phải phát huy tốt  hơn nữa vai trò của báo chí trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, song báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phải đưa tin chính xác, từ các nguồn thông tin chính thống

PV
.
.
.