Băm nát dòng sông Thu Bồn

Thứ Sáu, 17/04/2009, 10:23
Được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép trong quá trình khai thác cát, sỏi sạn tại các mỏ cát, sỏi xã Hiệp Hòa được thu hồi khoáng sản đi kèm, Cty TNHH Nhất Phương đã không hề lấy đi một hạt cát, sỏi nào mà chỉ tập trung khai thác vàng bằng công nghệ tàu cuốc, tàn phá môi trường rất lớn, tàn phá các bãi bồi ven sông và cả lòng sông.

Xin phép khai thác cát sỏi, nhưng toàn múc vàng

Ngày 23/10/2006, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 3015 cho phép Công ty TNHH Nhất Phương khai thác cát, sỏi sạn lòng sông tại 3 khu vực mỏ cát, sỏi xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức và thu hồi 10ha đất của 3 khu vực khai thác cho công ty này thuê đất sử dụng vào mục đích khai thác cát, sỏi sạn, với công suất khai thác 60.000m3/năm và thời hạn đến hết tháng 10/2008.

Từ khi chính quyền địa phương giao bãi bồi cho Công ty TNHH Nhất Phương với giấy phép khai thác cát sỏi thì đoạn sông dài gần 1,5km này đã bị băm nát, nước dòng sông Thu Bồn chuyển thành đục ngầu chảy về xuôi.

Với lý do "tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản", ngày 15/2/2007, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 421 đồng ý cho phép Công ty TNHH Nhất Phương thu hồi khoáng sản đi kèm (vàng sa khoáng) trong quá trình khai thác cát, sỏi sạn tại các mỏ cát, sỏi xã Hiệp Hòa.

Tuy nhiên trên thực tế, công ty này không hề lấy đi một hạt cát, sỏi nào, chỉ tập trung khai thác vàng bằng công nghệ tàu cuốc, tàn phá môi trường rất lớn, tàn phá các bãi bồi ven sông và cả lòng sông.

Theo ông Lê Xuân Thiết - Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa: "Trên thực tế Công ty TNHH Nhất Phương chỉ khai thác vàng. Hàng vạn khối cát được đào lên dồn lại như những ngọn núi được chính quyền xã nhắc nhở là phải giải phóng để tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như môi trường nhưng công ty này cứ hứa mà không chịu chuyển đi".

Tàn phá kinh hoàng

Có mặt ở đoạn sông Thu Bồn thuộc thôn Trà Linh, xã Hiệp Hòa chiều 15/4, trước mắt chúng tôi - bãi bồi màu mỡ giữa sông được các xe múc, xe ủi chất lên thành núi; đếm được cả thảy 5 chiếc tàu cuốc đang ồn ã thò những mõm sắt sâu vào lòng sông múc lên những gàu cát lẫn vàng sa khoáng... Không hề thấy một chiếc xe nào vào lấy đất cả. Lòng sông bị lấp, dòng chảy bị thu hẹp nhiều đoạn chỉ còn vài mét.

Thoạt nhìn cứ tưởng như đang nỗ lực chặn dòng xây dựng công trình thủy điện. Nhiều đoạn sông dòng chảy đổi, xói thẳng vào bờ bên kia gây sạt lở trầm trọng. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân sống ven sông Thu Bồn phía dưới địa điểm khai thác vàng.

Theo ông Trần Thiện Thắng - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn: "Thấy nước sông càng đục hơn, gây nên hiện tượng cá chết, người dân bị ngứa ngáy và lở loét khi đi tắm sông. Chúng tôi lần theo dấu nước đục ngược lên thượng nguồn và phát hiện ra một đơn vị đang dùng các phương tiện cơ giới ồ ạt khai thác vàng, vô tư cày xới, lấp sông, chặn dòng chảy và thải nước đục ngay đầu nguồn ở xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức. Vì địa điểm khai thác vàng sát ngay xã Quế Lâm nên người dân ở đây hứng chịu đầu tiên và đã ký đơn tập thể gửi lên huyện, tỉnh, phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng tình hình ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn!".

Giữa năm 2008, bức xúc trước việc khai thác vàng làm ảnh hưởng đến đời sống, hàng trăm người dân xã Hiệp Hòa đã có những phản ứng tiêu cực, tấn công vào các tàu cuốc, ngăn chặn không cho khai thác.

Tuy nhiên, ngày 17/9/2008, UBND tỉnh lại có Quyết định số 3023 cho phép Công ty TNHH Nhất Phương được tiếp tục khai thác cát, sỏi lòng sông và thuê đất mỏ cát, sỏi xã Hiệp Hòa đến hết tháng 12/2008 và tiếp đó là Công văn số 4291 ngày 24/11/2008 cho phép công ty này tiếp tục thu hồi khoáng sản vàng sa khoáng đi kèm trong quá trình khai thác cát, sỏi sạn theo thời hạn như Quyết định 3023.

Và đến nay người dân vẫn đành bất lực đứng nhìn vì nghe đâu Công ty TNHH Nhất Phương được gia hạn thuê đất, khai thác tài nguyên khoáng sản thêm một năm nữa…

Viết Nam
.
.
.