Bài toán xuất khẩu và tỷ giá VND/USD

Thứ Tư, 19/09/2007, 14:40
Thời gian qua, tỷ giá VND/USD liên tục có nhiều biến động mặc dù sức mạnh của VND trên thị trường trong nước được các chuyên gia đánh giá cao hơn USD. Theo giới phân tích, diễn biến tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đây đến cuối năm tăng cao. Vì vậy, việc đua theo tỷ giá trong thời điểm này sẽ là bài toán khó cho những nhà hoạch định kinh tế.

Từ những cảnh báo

Hơn bao giờ hết, hoạt động thương mại mậu dịch đa phương và song phương của Việt Nam trong thời gian gần đây đã có những bước tiến bộ mạnh giữa mối quan hệ về tỷ giá trong thanh toán quốc tế. Thực tế, giao dịch thương mại giữa Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới trong tỷ giá hối đoái đều căn cứ vào USD để thanh toán.

Nhìn chung, để tiến tới tự do hóa tỷ giá hối đoái phải cần một quá trình và nó chỉ có thể an toàn bằng thực lực của nền kinh tế VN trong tương quan với nền kinh tế các nước phát triển. Chính sách về tỷ giá của VND/USD được giới chuyên môn đánh giá cao và cho rằng Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có những bước đi khôn ngoan về lãi suất.

Về mục tiêu trong dài hạn, việc thả nổi tỷ giá là vấn đề sẽ được thực hiện. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, trước những tác động của các nền kinh tế lớn trên thế giới, việc hoạch định chiến lược và sự cân nhắc trong việc thả nổi tỷ giá là cần thiết.

Theo Tổng cục Thống kê, hàng hóa xuất khẩu trong 8 tháng ước đạt trên 31,2 tỷ USD, tăng 13,9% so với 8 tháng năm 2006. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu gần 13,8 tỷ USD, tăng 25,1%; khu vực xuất khẩu nước ngoài không kể dầu thô đạt trên 12,3 tỷ đồng, tăng 31,8%; dầu thô 5,1 tỷ USD, giảm 11,8%.

Đến nay đã có 8 mặt hàng đạt mức xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: Dầu thô 5,1 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước; dệt may gần 5,1 tỷ USD, tăng 29,6%; giày dép trên 2,7 tỷ USD, tăng 14,3%; thủy sản gần 2,4 tỷ USD, tăng 14,1%; sản phẩm gỗ 1,5 tỷ USD, tăng 23,3%; cà phê 1,4 tỷ USD, tăng 90,7%; điện tử, máy tính 1,3 tỷ USD, tăng 24,6%; gạo gần 1,2 tỷ USD, tăng 12,2%.

Các chuyên gia đã cảnh báo, việc nóng vội thả nổi tỷ giá giữa VND/USD trong những năm đầu hậu WTO sẽ ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Phân tích của giới chuyên môn cho thấy, lợi nhuận thu được từ những mặt hàng xuất khẩu đem về cho nền kinh tế trong nước thấp hơn nhiều so với lợi ích của việc tăng vốn nhập khẩu các sản phẩm máy móc thiết bị, nguyên vật liệu để phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong "vòng xoáy" của sự cạnh tranh trên trường quốc tế.

Đồng nghĩa với việc "tiền thầy, thầy bỏ túi", dòng chảy lợi nhuận lại tiếp tục chảy ngược về các nhà đầu tư nước ngoài và nền kinh tế Việt Nam lại tiếp tục với điệp khúc "nợ phải trả cho nước ngoài".

Cũng bởi, nền kinh tế trong nước chịu thiệt do phải tăng vốn nhập khẩu, kéo theo việc giá bán sản phẩm nội địa, chi phí sản xuất nguyên vật liệu tăng, chi tiêu sinh hoạt của người dân cũng tăng lên nhanh chóng.

Và thực tế

Từ những con số của Tổng cục Thống kê, giá trị hàng hóa nhập khẩu 8 tháng ước tính đạt 37,6 tỷ USD, tăng 29,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 24,1 tỷ USD, tăng 31%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,5 tỷ USD, tăng 28%.

Bên cạnh đó, thống kê từ Ngân hàng Trung ương, trong quý I-2007, tỷ giá VND/USD tăng cao so với tiền đồng và ở mức 0,3% so với thời điểm tháng 12/2006. Tuy nhiên, tỷ giá giữa VND/USD đã có những thay đổi và biến động lớn trong những ngày cuối quý III-2007.

Nguyên nhân là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa có những động thái cắt giảm lãi suất của đồng tiền nước này. Được biết, hiện nay tỷ giá giữa VND/USD đã tăng ở mức 1,3% so với thời điểm đầu năm.

Theo các chuyên gia nhận xét, đối với tình hình lưu thông hàng hóa của Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển ngoại thương đạt trên 68,8 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu 31,2 tỷ USD, tăng 19,3%; nhập khẩu 37,6 tỷ USD, tăng 29,9%.

Giá trị hàng hóa nhập siêu 8 tháng 6,4 tỷ USD, bằng 20,5% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu 8 tháng năm 2007 và cao hơn nhiều so với mức nhập siêu 2,8 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2006.

Tuy nhiên, nhập siêu chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, trong đó có những mặt hàng nhập khẩu giá trị cao như: Máy bay, đầu xe lửa, tầu chở dầu...

Theo dự báo, những tháng còn lại trong năm, lượng hàng hóa xuất khẩu ở Việt Nam sẽ tăng cao. Đồng thời, với tỷ giá ngoại tệ như hiện nay, đó sẽ là mục tiêu và tạo đà kích thích xuất khẩu hàng hóa

Đỗ Hưng
.
.
.