Một chiếc xe cẩu đủ sức gây tê liệt cả hệ thống điện phía Nam:

Bài học ứng phó không chỉ riêng ngành Điện

Thứ Sáu, 24/05/2013, 08:30
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã liên tiếp đưa ra cáo lỗi để xin nhận được sự chia sẻ, thông cảm của khách hàng sử dụng điện; của chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phía Nam chiều 22/5.

Nguyên nhân gây ra sự cố trên đường dây 500kV tuyến Di Linh - Tân Định được phát hiện chỉ do một chiếc xe cần cẩu trồng cây ở khu vực thành phố mới Bình Dương không tuân thủ các quy định an toàn điện; chạm vào đường dây trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc - Nam; khiến rơ le ở tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam tự ngắt. Mất điện trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đã gây đảo lộn nghiêm trọng toàn bộ hoạt động bình thường trong đời sống xã hội. Đây thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh về phương án ứng phó không chỉ riêng với ngành điện. Nhất là khi tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cả cao thế lẫn trung, hạ thế còn khá phổ biến hiện nay.

Tại TP Hồ Chí Minh, thông tin về sự cố mất điện đột ngột trên diện rộng chưa rõ nguyên nhân được lan đi rất nhanh, song số đông người dân vẫn tỏ ra khá bình tĩnh. Mất điện trong điều kiện nóng bức, nguồn điện tự phát tại các tòa nhà cao tầng; các khu công nghiệp, doanh nghiệp (DN) đông công nhân hầu như chỉ đủ để thắp sáng và đáp ứng nhu cầu sử dụng tối thiểu. Cảnh người dân từ các tòa nhà cao tầng phải đi cầu thang bộ để ra về khá phổ biến.

Tính toán phương án chuẩn bị đóng điện.

Nhưng việc này diễn ra trong trật tự chứ hoàn toàn không có chuyện chen lấn, xô đẩy để thoát thân hay phải sử đụng đến cầu thang thoát hiểm dành cho sự cố khẩn cấp khiến tình hình thêm rối. Lượng người dân tập trung ra đường mỗi lúc một đông; giao thông trở lên rối loạn nghiệm trọng do tắc nghẽn cục bộ khi thiếu đèn tín hiệu. Chủ động, kịp thời ứng phó với tình trạng này, lực lượng CSGT Công an thành phố đã tung gần như toàn bộ quân số ra đường để điều tiết đảm bảo trật tự giao thông.

Các đơn vị nghiệp vụ khác của Công an TP Hồ Chí Minh cũng đồng loạt tăng cường triển khai lực lượng tuần tra kiểm soát, ứng trực để đảm bảo an ninh trật tự và sẵn sàng đối phó với các tình huống ngoài dự kiến. Theo giải thích của lãnh đạo EVN ngay trong chiều tối 22/5, những sự cố tương tự như vậy phải mất từ 6-8 tiếng mới có thể được khắc phục hoàn toàn. Đồng thời, tập đoàn này cũng khẳng định đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đến sự cố khẩn trương khắc phục ngay khi sự cố xảy ra. Nên chỉ sau hơn 1 giờ 40 phút xảy ra sự cố, một số khu vực đã được cấp điện trở lại. Đến 22h40 ngày 22/5, toàn bộ hệ thống điện miền Nam đã được khôi phục, điện đã được cấp trở lại.

Tuy nhiên, thiệt hại do sự cố trên gây ra thì không thể tính đếm bằng tiền. Bởi nhỏ bé như các DN trong lĩnh vực cung cấp suất ăn cho công nhân tại khác khu công nghiệp cũng đã phải méo mặt chở về cả trăm tấn thức ăn, thiệt hại hàng tỷ đồng. Thiệt hại về vật chất, tinh thần và về mặt xã hội lớn như vậy, nhưng sau khi sự cố đã xảy ra đến cả tiếng đồng hồ, chúng tôi liên hệ với bộ phận phát ngôn của EVN, thì một lãnh đạo của bộ phận này còn ngạc nhiên trả lời chưa biết. Còn kết quả liên hệ với Tổng Công ty Điện lực thành phố trước đó, thông tin nhận được cũng khá chung chung. Đại loại, do sự cố từ đường dây 500kV, điện lực đang từng bước khắc phục để cấp lại điện cho từng khu vực.

Và trong khi mất điện trên diện rộng đã xảy ra từ 2h chiều, chính quyền cấp cơ sở tại nhiều địa phương còn chưa kịp có phản ứng gì; thì các cơ quan truyền thông rất cần thông tin cụ thể, chính xác để định hướng, trấn an dư luận người dân. Nhưng phải chờ đến gần 5h chiều, EVN mới chính thức cho phát đi thông tin về sự cố này. Như vậy, ngay cả việc ứng phó về mặt thông tin của ngành Điện để gạt đi những luận điệu xấu cũng tỏ ra quá chậm chạp.

Dư luận cho rằng sự cố điện vừa qua là bài học và EVN cần có sự chuẩn bị tốt hơn việc xử lý tình huống, ứng phó kịp thời, vừa là trấn an khách hàng vừa tránh bị kẻ xấu lợi dụng tung tin gây rối an ninh trật tự. 

EVN sẽ không phải đền bù do sự cố khách quan

Sau sự cố trên đường dây 500 kV ngày 22/5, chiều 23/5, chúng tôi đã liên hệ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để tìm hiểu về thiệt hại cũng như trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đền bù các thiệt hại trên. Trao đổi với PV Báo CAND, một lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) cho biết: Do đây là sự cố khách quan, ngoài mong muốn, không phải do lỗi chủ quan của EVN nên theo Luật Điện lực, Tập đoàn này sẽ không phải chịu trách nhiệm đền bù. “Đây là sự cố không ai mong muốn cả, cũng không phải do ngành Điện mà là tác nhân bên ngoài, hành lang an toàn lưới điện bị vi phạm, nên chúng tôi mong các khách hàng thông cảm”. Về tổng thiệt hại tại 22 tỉnh, thành do sự cố này, đến cuối ngày EVN vẫn chưa có cập nhật mới nào. Chúng tôi đã liên hệ với Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN - ông Hoàng Quốc Vượng, tuy nhiên ông Vượng cũng từ chối đưa ra thông tin chính thức.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao đường dây 500 kV mà lại rất dễ bị ảnh hưởng và liệu có khả năng lặp lại những sự cố như trên nữa không, lãnh đạo EVN NPT cho biết không riêng gì đường dây 500 kV, mà đường dây 220kV, 110 kV hay 35 kV cũng vậy, sẽ có sự cố khi hành lang an toàn bị vi phạm. Theo quy định trong Nghị định 106/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, hành lang an toàn đường dây 500 kV từ 7m tính từ mép ngoài cùng của đường dây, nếu vi phạm sẽ gây phóng điện, gây sự cố cho đường dây. Thực tế, việc công ty lâm nghiệp trồng cây khu vực đó không gây ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện, bởi đường dây cao 22m, nên thậm chí nếu cây đổ cũng không gây ảnh hưởng gì cả. Sự cố hy hữu này xảy ra là do công nhân đã nhổ cây và xoay cẩu, làm chạm vào đường dây. Trong tương lai, EVN NPT đang xây dựng mạch 3 đường dây 500 KV, dự kiến cuối năm sẽ đi vào vận hành, lúc đó có thể chia sẻ công suất với 2 mạch còn lại. “Hiện nay khu vực miền Nam đang thiếu nguồn điện nên phải truyền tải công suất cao từ miền Bắc vào. Nếu sau này các nhà máy điện miền Nam đi vào phát điện thì đường dây 500 KV chỉ còn làm nhiệm vụ trao đổi điện giữa các miền thôi, nếu có sự cố trên đường dây này cũng không gây ảnh hưởng như vừa qua. EVN đang chờ đợi nhiệt điện Vĩnh Tân và Duyên Hải đi vào phát điện. Đây sẽ là cứu tinh cho hệ thống điện miền Nam, hi vọng đến năm 2016” – lãnh đạo EVN NPT cho biết.

Vũ Hân

Đ.Thắng
.
.
.