Vụ trẻ nhiễm HIV bị ngược đãi: Bài học trong việc chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Thứ Tư, 08/04/2015, 09:39
Theo một bác sĩ, với mức lương hiện tại cho một công việc nhiều rủi ro như chăm sóc trẻ HIV thì những người làm việc tại đây đã là một sự hy sinh. Trên thực tế, việc tìm người thay thế, chấp nhận công việc này cũng không dễ. Và nếu người thay thế vị trí các bảo mẫu sai phạm mà thiếu kỹ năng chăm sóc thì cũng sẽ lặp lại lỗi tương tự.

Liên quan đến vụ các bảo mẫu ở Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Linh Xuân (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh - gọi tắt là Trung tâm), đánh đập trẻ nhiễm HIV được nuôi dưỡng tại đây, trưa 7/4, Thanh tra Sở lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh đã công bố quyết định thanh tra việc thực hiện Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em 2006 và trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ đối với Trung tâm.

Theo đó, thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2015 đến tháng 4/2015; thời gian thanh tra là 7 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định. Có mặt tại buổi công bố, ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết, sau khi có kết quả thanh tra sẽ có kết luận về việc chấp hành nội quy, quy trình chăm sóc, giáo dục trẻ em và các quy định pháp luật, chế độ chính sách đối với đối tượng đang được Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ. Nếu có sai sót sẽ xử lý nghiêm.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Sự việc xảy ra là rất đáng tiếc, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục, sửa chữa để không xảy ra vụ việc tương tự”.

Việc 5 bảo mẫu đánh các bé nhiễm HIV nuôi dưỡng tại Trung tâm đã xảy ra từ lâu nhưng vụ việc chỉ được phanh phui khi một tờ báo đăng tải. Trước đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh kiểm tra và xử lý nghiêm vụ việc. Các bảo mẫu cũng đã bị tạm đình chỉ công tác. Bước đầu, các cô thừa nhận do nóng giận trong lúc cho các bé ăn nên có hành động đánh các bé.

Trẻ được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Linh Xuân.

Cùng ngày, PV Báo CAND cũng đã có dịp trao đổi với bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) về vụ việc trên. Theo BS Khanh, trước hết xét về khía cạnh đạo đức thì hành vi đánh trẻ nhiễm HIV là khó tha thứ. Nhưng cái cần hơn qua vụ việc là phải nhìn nhận vấn đề sâu, rộng hơn để có biện pháp làm ngay và sai lầm này tránh lặp lại.

Theo BS Khanh, người chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS cần phải có kỹ năng; cần được tập huấn chuyên môn cơ bản để phòng tránh lây nhiễm bệnh cho mình, cho cộng đồng. Nhưng quan trọng hơn là cần có sự am hiểu về tâm sinh lý của trẻ nhiễm HIV như thế nào. Hiểu được, có kiến thức mới có hành vi ứng xử, giao tiếp, chăm sóc cho đúng.

Tâm lý ở trẻ bình thường (chưa nói tới trẻ nhiễm HIV) là ít đứa trẻ nào tự ăn. Bằng nhiều biện pháp khác nhau bà mẹ mới cho con ăn uống được, nhất là ở tuổi nhũ nhi. Ở trẻ nhiễm HIV càng khó hơn. Do vậy, người chăm sóc trẻ nhiễm HIV buộc phải có kỹ năng nữa là sự kiên nhẫn, lòng bao dung, cần có cái tâm của một người mẹ. Nói cách khác là lắng nghe, cảm nhận ở đứa trẻ bằng cả trái tim.

Một đứa trẻ xuất thân từ hoàn cảnh mồ côi, bị gia đình bỏ rơi, nhiễm HIV thường mắc bệnh trầm cảm. Một số còn bộc lộ tính cách: lỳ lợm, khó dạy, chống đối hoặc có tâm lý nổi loạn…

Do vậy, người chăm sóc phải am hiểu để có cách ứng xử, hành vi phù hợp. Việc bảo mẫu bạo hành trẻ tại Trung tâm trên vừa thiếu am hiểu chuyên môn vừa thiếu tấm lòng bao dung. Mà đã đánh được 1 lần thì lần sau sẽ đánh nữa. Trong biện pháp giáo dục trẻ, nổi cáu đánh trẻ là sai lầm và thất bại về phương pháp.

Việc Trung tâm khắc phục tạm thời bằng việc cho các cô bảo mẫu vi phạm nghỉ việc, viết tường trình và được giáo dục tư tưởng, đạo đức, đồng thời đặt camera tại nơi làm việc, theo BS Khanh là hợp lý.

Cũng theo BS Khanh, với mức lương hiện tại cho một công việc nhiều rủi ro như chăm sóc trẻ HIV thì những người làm việc tại đây đã là một sự hy sinh. Trên thực tế, việc tìm người thay thế, chấp nhận công việc này cũng không dễ. Và nếu người thay thế vị trí các bảo mẫu sai phạm mà thiếu kỹ năng chăm sóc thì cũng sẽ lặp lại lỗi tương tự.

“Vụ việc nhìn ở nhiều khía cạnh cho thấy, bạo hành với trẻ nhiễm HIV là hành vi khó tha thứ, nhưng cũng cần có cái nhìn bao dung, nhiều chiều và theo tôi, đây là bài học xương máu cho các trung tâm khác trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng chăm sóc trẻ nhiễm HIV nói riêng và chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói chung”, BS Khanh kết luận.

Mã Hải - Huyền Nga
.
.
.