Chủ trương thay sách giáo khoa mới - phải quyết liệt, khẩn trương

Bài cuối: Sách phải được viết bài bản và nghiêm cẩn

Thứ Tư, 29/05/2013, 12:12
Theo thông tin từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) thì Đề án Xây dựng chương trình, SGK sau năm 2015 lần này sẽ không thực hiện “cuốn chiếu” mà thực hiện đồng thời cả 3 cấp học, bắt đầu từ lớp học đầu tiên của mỗi cấp, mỗi lớp được thử nghiệm và hoàn thiện trong 2 năm.
>> Bài 2: Phá vỡ “độc quyền” bằng nhiều bộ sách giáo khoa?

Vòng thẩm định lần thứ nhất sẽ vào đầu năm 2016, năm 2017 bắt đầu dạy thử nghiệm để đến năm học 2018 – 2019 sẽ có các lớp 1,6 và 10 đầu tiên triển khai chính thức ở những nơi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Việc thay sách đồng thời ở 3 cấp học đang nhận được sự hoan nghênh của các nhà khoa học.

Tuy nhiên, ai sẽ xây dựng chương trình, ai sẽ viết SGK rất cần được thực hiện một cách bài bản, nghiêm cẩn và đủ cơ sở khoa học.

PV Báo CAND đã trao đổi với PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), một người đã có nhiều phản biện sắc sảo về chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

PV: Thưa ông, nếu sau năm 2015 chúng ta thay sách thì “tuổi thọ” của bộ SGK hiện hành được hơn chục năm, như vậy có ngắn không? “Tuổi thọ” của SGK bao nhiêu là đủ để có thể tiến hành làm sách mới và để tránh lãng phí?

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Vấn đề không phải là tuổi thọ dài hay ngắn mà nếu sách dở thì phải thay thôi, do đó khó định lượng thời gian cho một cuốn SGK.

Chủ trương làm SGK mới sau năm 2015 khiến chúng ta cảm thấy gấp gáp, một phần vì thời gian còn quá ngắn, phần nữa là do chúng ta liên tục giảm tải bộ sách hiện hành mà không xong.

Thời điểm bắt đầu thực hiện giảm tải chương trình và SGK trong cả nước, tôi đã có bài viết “Sửa chữa còn khó hơn làm mới”, có những cái tiểu tiết thì sửa được, còn thay đổi lô gic phát triển của nội dung trong SGK thì khó sửa lắm. Lớp 1, học âm “a”, chữ “a” bắt đầu là thuận mọi lẽ, giờ lại yêu cầu học sinh học âm “e” thì sửa kiểu gì. Đến giờ các trường phổ thông phản ánh họ không thể giảm tải bằng cách “cắt gọn” nội dung một cách “thô” như vậy.

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào.

PV: Xin hỏi ông một câu hỏi cũ, ngày trước cũng vì bất bình với chương trình, SGK tiểu học năm 2000 mà ông từ chức. Vậy hồi đó, họ làm SGK ẩu lắm sao?

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Những gì họ làm bừa thì giờ đều phải trả giá. Làm sách, chương trình mà không có tổng chỉ huy. Họ chia nhỏ từng nhóm ra để viết, một cấp học có một nhóm, sách giáo viên có nhóm riêng, SGK thì mỗi lớp lại có nhóm riêng, mỗi môn lại có nhóm riêng, rồi ráp nối lại.

Hậu quả thì như bạn biết đấy, chúng ta có một bộ SGK phổ thông vừa thiếu lại vừa thừa, chương trình thì thấp kém mà lại quá tải. Sách tiểu học hay sách THCS, THPT đều làm theo quy trình ngược, từ những nội dung của SGK, họ mới viết thành chương trình. Trong khi chưa xây dựng được mục tiêu giáo dục, chương trình thì đã lao vào viết sách.

Nhân đây, tôi nhắc lại Đề án 70 ngàn tỷ của Bộ GD&ĐT cách đây hơn 1 năm, cơ sở nào để có con số 70 ngàn tỷ, thực ra trong đó kinh phí cho thay sách chỉ hơn 10 ngàn tỷ thôi, nhưng con số đó là kinh khủng! Chả nhẽ làm sách dễ thế sao?

PV: Vậy nguyên nhân chính có phải do tính “độc quyền” không có cạnh tranh, SGK chỉ rơi vào một nhóm người viết nên không có phản biện…

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Tất nhiên có cả yếu tố “độc quyền”. Nhưng trong Luật giáo dục của ta quy định: Sử dụng SGK thống nhất toàn quốc, phải hiểu thống nhất về mục tiêu, chuẩn kỹ năng, triết lý giáo dục, đằng này họ lại vận dụng “thống nhất” thành “duy nhất” nên mới đẻ ra kiểu làm SGK “độc quyền”, SGK là “duy nhất”, viết ra thì cả nước phải dùng. Ở đây có vấn đề tư duy và lợi ích nhóm.

PV: Vậy một quy trình viết SGK lý tưởng, theo ông phải như thế nào?

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Không phải lý tưởng hay hoàn hảo gì, mà đó là “khoa học” ai cũng phải tuân thủ. Trước tiên phải xác định rõ mục tiêu giáo dục, quan điểm viết sách, xác định được chuẩn kỹ năng và có chương trình khung, rồi mới viết sách và tài liệu hướng dẫn chứ.

Có thể lựa chọn giao cho vài ba tổ chức, hoặc nhóm tác giả thực hiện, sau khi có sản phẩm được thẩm định nghiêm túc, nếu đạt chuẩn sẽ được Bộ GD&ĐT cấp phép, cho quảng bá rộng rãi để các trường và học sinh lựa chọn sử dụng.

Riêng SGK các môn học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa cấp THPT thì có thể lựa chọn SGK của quốc gia nào có nền giáo dục phổ thông tiên tiến mua về, dịch ra và cho sử dụng bình đẳng như các bộ SGK đạt chuẩn khác.

Tôi đồng ý với chủ trương việc đổi mới chương trình, làm SGK lần này không làm theo kiểu “cuốn chiếu”, mà sẽ triển khai đồng thời ở các lớp trong một cấp học và triển khai đồng thời các cấp học. Thực ra cũng sẽ nảy sinh khó khăn trong 1, 2 năm đầu triển khai đại trà, nhưng sẽ được xử lý bằng tài liệu hướng dẫn và tập huấn giáo viên.

Chương trình và SKG mới cần giữ ổn định ít nhất 10 năm (trong quá trình đó có thể điều chỉnh nội dung nhưng không nhiều, dung lượng không quá 20% và có thể xử lý bằng tài liệu hướng dẫn). Những trường, địa phương chưa kịp chuẩn bị thì có thể nhập cuộc sau 1, 2 năm.

PV: Nếu được kiến nghị với Bộ GD&ĐT về chủ trương thay SGK mới, ông sẽ nói gì?

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Tôi sẽ đề nghị, việc này phải do Bộ trưởng làm Tổng chỉ huy. Bộ trưởng sẽ lựa chọn đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học, giáo viên giỏi được tổ chức thành các tổ, hoặc ban giúp Tổng chỉ huy thực hiện công việc. Những cán bộ chuyên môn được lựa chọn sẽ được điều động làm việc chuyên trách, được hưởng chế độ thỏa đáng để yên tâm làm việc…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trước câu hỏi, có nên có nhiều bộ SGK hay không, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cho rằng, một nền giáo dục hiện đại là phải có nhiều bộ SGK, ở nhiều nước tiên tiến, họ cũng duy trì nhiều bộ SGK. SGK phải được “sư phạm hóa” nên nếu chỉ có một bộ SGK sẽ triệt tiêu sự phong phú, đa dạng, linh hoạt trong sách.

Ngay cả sách Ngữ văn hay sách khoa học thường thức, nếu chỉ có một bộ thì làm sao thể hiện được đặc trưng vùng miền, miền Bắc thì bốn mùa, nhưng miền Nam thì chỉ có hai mùa, rồi có loại hoa quả học sinh miền Bắc rất thích tìm hiểu, nhưng học sinh miền Nam lại thờ ơ…

GS.TS Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: Sẽ giảm bớt môn học bắt buộc ở mỗi cấp, mỗi lớp học

Để chuẩn bị cho Đề án thay sách, Viện KHGD Việt Nam nhận được đóng góp ý kiến của 14 bộ, ngành, đơn vị.

Chương trình sẽ được thiết kế theo hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và Sau giáo dục cơ bản (THPT nâng cao và định hướng sâu nghề nghiệp); đồng thời tích hợp cao ở cấp tiểu học, rồi phân hóa rõ dần từ tiểu học đến THCS và sâu hơn ở THPT.

Sẽ giảm số lượng môn học bắt buộc ở mỗi cấp, lớp học và tăng số lượng các môn học tự chọn, đáp ứng nhu cầu, năng khiếu, định hướng nghề nghiệp của học sinh…

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.