Nạn buôn bán phụ nữ ở các tỉnh ĐBSCL:

Bài cuối: Lối thoát nào cho “cô dâu Việt”

Thứ Ba, 19/08/2014, 15:19
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, số lượng phụ nữ đăng ký lấy chồng ngoại những năm gần đây gia tăng đột biến và đa chủng tộc. Xu thế lấy chồng ngoại đã và đang trở thành một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong khi đó, những phụ nữ có cuộc sống hạnh phúc rất hạn chế, vì phần lớn chưa chuẩn bị đủ kiến thức, tâm lý cũng như một số vấn đề về văn hóa khi làm dâu nước ngoài.
>> Kỳ 1: Nạn nhân trở thành chủ chứa

Khó ngăn chặn

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết, thời gian gần đây, Công an phát hiện nhiều đường dây có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng người Việt Nam, với đối tượng người Trung Quốc lừa phụ nữ tại các tỉnh, thành phía Nam bán sang Trung Quốc dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép.

Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng không tổ chức đưa đàn ông nước ngoài về Việt Nam chọn vợ mà đã làm thủ tục để đưa các phụ nữ Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài để bán (dưới hình thức du lịch). Sau đó, tổ chức đám cưới, đăng lý kết hôn rồi mới trở về Việt Nam nộp hồ sơ xin ghi chú đăng lý kết hôn. Tại Cần Thơ, có 3.185 trường hợp phụ nữ đăng ký kết hôn với người nước ngoài và 7.578 trường hợp đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài về ghi chú kết hôn tại Sở Tư pháp.

Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh được xem là “trung tâm” của những vụ “xem mặt, chọn vợ” của một số phụ nữ miền Tây muốn lấy chồng nước ngoài hoặc trở thành “trung gian” của các vụ mua bán người qua sân bay Tân Sơn Nhất. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Giấc mơ đổi đời đã hình thành trong suy nghĩ của nhiều cô gái trẻ ở miền Tây. Nhiều phụ nữ vì muốn lấy chồng ngoại đã không hợp tác với Công an mà còn xem những đối tượng Công an đang xử lý là “ân nhân”. Theo Đại tá Lê Văn Bé Sáu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, một thủ đoạn mới của các đối tượng môi giới, để đưa nạn nhân ra nước ngoài là làm giấy tờ giả, thay tên đổi họ, năm sinh từ các tỉnh khác về Đồng Tháp nhập hổ khẩu, làm hộ chiếu xuất cảnh lấy chồng nước ngoài. Công an tỉnh đã phát hiện khoảng 50 trường hợp phụ nữ xuất cảnh ra nước ngoài với thủ đoạn như trên nhưng không thể xác minh được nhân thân, lai lịch vì họ đã thay tên đổi họ 100%, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Nhiều nạn nhân khi được giải cứu về nước phải mang dư chấn tâm lý nặng nề.

Phần lớn các phụ nữ lấy chồng ngoại khả năng giao tiếp tiếng nước ngoài rất hạn chế, trình độ học vấn thấp, độ tuổi chênh lệch giữa “chú rể và cô dâu” là từ 10 – 20 tuổi. “Lý do chủ yếu để lý giải việc các cô gái lấy chồng nước ngoài, là mong muốn đổi đời, có cuộc sống giàu sang không phải mưa nắng trên đồng ruộng. Đây không chỉ là suy nghĩ của những phụ nữ muốn lấy chồng ngoại mà ngay cả bố mẹ và người thân của họ cũng có suy nghĩ như vậy”, một lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang phân trần.

Nền tảng cho “cô dâu Việt”

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, tại một số nước đã công nhận dịch vụ môi giới hôn nhân, còn tại Việt Nam thì không. Một số đối tượng lợi dụng việc nhập cảnh vào Việt Nam để nhờ môi giới hôn nhân bị lực lượng phát hiện, không thể xử lý hình sự. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính rất thấp, chưa đủ sức răn đe.

GS.TS Lê Thị Quý, chuyên gia đầu ngành Xã hội học nghiên cứu về giới và gia đình, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển cho rằng: chuyện các cô gái lấy chồng ngoại để thực hiện nghĩa vụ “báo hiếu”, đây là một quan điểm hết sức lạ. Tại Trung Quốc, phụ nữ Việt Nam bị bán sang đây như một món hàng, được trả giá rồi sau đó bị đưa vào động mại dâm. Đây là hình thức buôn người ghê rợn. “Kẻ buôn người ngày càng tinh vi, gian xảo nhưng chúng ta luôn bị động đi theo. Nếu chỉ dừng lại ở bắt bớ không thì chưa ổn. Cần tổ chức truyền thông, giáo dục sâu rộng hơn nữa về nhân phẩm và quyền con người. Cần có luật răn đe để ngăn chặn tình trạng buôn người bất hợp pháp”, bà Quý đề nghị.

Hội LHPN Việt Nam đã thành lập 11 trung tâm hỗ trợ tư vấn tại các tỉnh, thành phía Nam và đã tư vấn, ghi chú cho hơn 10.000 trường hợp có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài. Phần lớn các cô gái kết hôn với người nước ngoài, qua 2 hình thức là sự giới thiệu của người thân (chị, em ruột, mẹ ruột, bà con có người lấy chồng hoặc đi lao động nước ngoài – PV) hoặc quen qua mạng Internet.  “Nhiều trường hợp được tư vấn đã rút hồ sơ, thay đổi ý định lấy chồng nước ngoài, điển hình như TP Hồ Chí Minh có 474/2.932 trường hợp. Năm 2008, trung tâm đã tư giới thiệu 272 trường hợp lấy chồng nước ngoài, sau kết hôn chỉ có 3 trường hợp chung sống không hạnh phúc dẫn đến ly hôn”, một lãnh đạo Hội LHPN cho hay.

Chị L.T.C.H. (25 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) có lẽ là một trong những trường hợp hiếm hoi khi lấy chồng nước ngoài được sống hạnh phúc. Nói về việc này, chị H. bày tỏ: “Khi lấy chồng sang Hàn Quốc, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phải học tiếng Hàn và văn hóa nước họ để giao tiếp với chồng và gia đình chồng. Chỉ 2 năm sang đây, tôi đã nói tiếng Hàn như người bản xứ. Ngoài ra, tôi còn tham gia nhiều lớp dạy nấu ăn, thẩm mĩ… và quen được rất nhiều bạn bè kể cả người Việt lẫn người Hàn”.

Để không phụ thuộc vào chồng, H đã đi làm trong một công ty may, hằng tháng có thu nhập ổn định. “Phụ nữ lấy chồng nước ngoài, khi sang xứ người phải một thân một mình. Vì vậy, tôi thường kết bạn với nhiều người Hàn, người Việt định cư bên đây và các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người nước ngoài. Nếu lỡ có bị gia đình chồng bắt nạt, mình có thể nhờ họ giúp đỡ kịp thời”, H. nói.

Theo lãnh đạo Cục C45 (Bộ Công an), để hạn chế tình trạng môi giới, lừa bán phụ nữ thì ngoài việc tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các đối tượng phạm tội thì công tác tuyên truyền là một biện pháp rất hữu hiệu. “Trong thực tế, những năm qua, công tác tuyên truyền chưa thật sự mang lại hiệu quả, vì thiếu thực tế. Chúng ta phải làm sao cho mọi người thấy rằng, nơi đó (việc lấy chồng nước ngoài và cuộc sống được cho là giàu sang, sung sướng - PV) không phải là thiên đường như mọi người mơ ước”, vị lãnh đạo C45 (Bộ Công an) phân tích.

“Lúc đầu, em cứ nghĩ qua đó lấy chồng sẽ có cuộc sống giàu sang, hạnh phúc nhưng thực tế em được đưa đến một nơi rất xa xôi và hẻo lánh. Ở đó, mọi người cũng trồng lúa, làm rẫy và cuộc sống rất cực khổ. Em không biết tiếng, không có người quen nên muốn chia sẻ tâm sự cũng không được, thấy bị tù túng, ức chế”, O trường hợp bị lừa qua Trung Quốc lấy chồng than vãn...

Để giải quyết cho các trường hợp nạn nhân bị lừa bán qua Trung Quốc khi được “giải cứu” về nước, hiện nay tại nhiều địa phương ở miền Tây đang nỗ lực, tạo điều kiện giúp đỡ những phụ nữ này, hỗ trợ học nghề, tư vấn tâm lý… miễn phí để xóa đi mặc cảm bản thân, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang, cần tập trung tuyên truyền sâu rộng tại các vùng nông thôn, siết chặt công tác phỏng vấn kết hôn đối với 2 bên nam nữ khi kết hôn có yếu tố nước ngoài để xác định rõ tính tự nguyện, sự hiểu biết về nhau và điều kiện kết hôn theo đúng quy định pháp luật.

“Thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài được thực hiện khá chặt chẽ, người được phỏng vấn kết hôn phải đáp ứng các yêu cầu như: CMND, hộ khẩu, xác nhận tình trạng hôn nhân, hiểu biết văn hóa, ngôn ngữ… của nước chồng hoặc vợ. Do đó, những năm trước tại Cần Thơ, xảy ra tình trạng các đối tượng môi giới tìm cách xúi giục nạn nhân cắt, chuyển hộ khẩu đến địa phương khác để làm thủ tục dễ dàng hơn. Lực lượng Công an đã phát hiện 18 đối tượng nhập cảnh trái mục đích, kết hôn trái phép; cấm nhập, buộc xuất cảnh 18 đối tượng…”, Thượng tá Trương Văn Nam, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Cần Thơ nói

Văn Vĩnh
.
.
.