Quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trên mạng nhìn từ những khoảng trống pháp lý

Đa cấp biến tướng ngày càng "phình to": Cần hành lang pháp lý đủ mạnh

Thứ Bảy, 22/10/2016, 09:48
Hiện nay, tội phạm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ trên mạng đang có dấu hiệu ngày càng “phình to” thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi bởi lợi nhuận mà cá nhân, doanh nghiệp thu được là rất lớn...

Bài cuối: Đa cấp biến tướng ngày càng "phình to": Cần hành lang pháp lý đủ mạnh

Với các quy định của pháp luật hiện hành sẽ rất dễ tạo ra khoảng trống để các hoạt động như kinh doanh đa cấp biến tướng, các sàn giao dịch thương mại điện tử, trò chơi điện tử trên mạng… gia tăng các hành vi phạm pháp.

Nở rộ nhiều hình thức, thiếu chế tài quản lý

Bên cạnh việc lập các sàn kinh doanh đa cấp trên mạng, cung cấp game online “lậu” không phép, qua các công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Cục C50 cho thấy, mạng internet, mạng viễn thông còn bị các đối tượng lợi dụng để tổ chức nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ khác nhằm thu lợi bất chính. 

Trước hết phải kể đến chính là hoạt động trung gian thanh toán trong đó có ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến phục vụ các hoạt động thương mại điện tử; nạp tiền, mua bán, trao đổi, thanh toán, đổi thưởng cho các game online đổi thưởng đang phát triển với tốc độ chóng mặt hiện nay. 

Việc cấp giấy phép hoạt động trung gian thanh toán đòi hỏi phải đáp ứng điều kiện khắt khe về nhân sự, cơ sở vật chất, hạ tầng mạng… để giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất cho người sử dụng.

Cần hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý, phòng ngừa, răn đe tội phạm trong các hoạt động cung cấp dịch vụ trên mạng.

Theo thống kê của Cục C50, hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có 16 công ty được cấp phép hoạt động trung gian thanh toán. Khách hàng muốn thực hiện thanh toán qua cổng thanh toán trực tuyến của các đơn vị trung gian thanh toán có thể thanh toán bằng tài khoản thẻ ngân hàng hoặc nạp bằng thẻ cào điện thoại. 

Tuy nhiên, vấn đề tồn tại hiện nay chính là việc các cổng thanh toán không được cấp giấy phép thường liên kết với các trang web cung cấp game online và trang web đổi thưởng để quay vòng lại số tiền trong thẻ điện thoại quy đổi ra hiện vật hoặc liên kết với nhà mạng viễn thông nơi in, bán thẻ cào để quy đổi thành tiền. 

Từ việc thiếu chế tài quản lý các cổng thanh toán trực tuyến rất dễ dẫn đến những nguy cơ mất an ninh tiền tệ bởi thẻ cào điện thoại do nhà mạng phát hành được quy đổi có giá trị như tiền nhưng không có cơ chế kiểm tra, bảo lãnh giá trị khi phát hành. 

Hoạt động của các cổng thanh toán không phép còn tiếp tay cho hoạt động kinh doanh game online “lậu”, không phép, cung cấp phương tiện thanh toán cho các hoạt động vi phạm pháp luật. Với việc không có giấy phép, doanh số của các cổng này ước tính lên đến cả hàng trăm tỷ/tháng sẽ dẫn đến hành vi không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.  

Đi liền với các hoạt động thương mại điện tử, game online là hoạt động kinh doanh, sử dụng đồng tiền ảo với các tên gọi như Bitcoin, Airbitclub, Bitkingdom, BMW… 

Theo các trinh sát Cục C50, hình thức kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam đang diễn ra tự phát, các cá nhân tự đứng ra mua đi bán lại các đồng tiền ảo. Các đối tượng lừa đảo rất dễ lợi dụng như Bitcoin và các loại tiền ảo khác vào mô hình kinh doanh đa cấp, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng. 

Hiện nay, trong danh mục ngành nghề kinh doanh của Bộ Kế hoạch & Đầu tư chưa có ngành nghề “kinh doanh tiền điện tử”. Do chưa có hành lang pháp lý quy định xử phạt hoạt động mua bán tiền điện tử nên việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Hình sự hóa các hành vi vi phạm

Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ trong đó có công nghệ thông tin, các dịch vụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên đa dạng, phong phú với mục đích đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin theo chiều hướng tích cực, đem lại lợi ích cho bản thân người sáng tạo cũng như cho cộng đồng, xã hội. 

Tuy nhiên, theo Đại tá, PGS-TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục C50, những ý tưởng sáng tạo, sử dụng khoa học công nghệ vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà xâm hại lợi ích chung của cộng đồng, xâm phạm an ninh, trật tự xã hội cũng là mối nguy hại cho xã hội, thậm chí mức độ nguy hiểm còn hơn rất nhiều so với các hành vi tương tự nhưng không sử dụng công nghệ. Không thể đánh đổi sự phát triển công nghệ vì lợi ích cá nhân, cục bộ với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội và đất nước. 

Bởi vậy, rất cần có những quy định của pháp luật để điều chỉnh các hoạt động công nghệ nhằm đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia hoạt động công nghệ. 

Qua các vụ việc mà Cục C50 nói riêng và lực lượng Công an nói chung đã làm rõ cũng như yêu cầu thực tế của công tác phòng, chống tội phạm sử dụng mạng internet, mạng viễn thông cho thấy, việc sử dụng mạng internet, mạng viễn thông để cung cấp các dịch vụ kinh doanh đa cấp, kinh doanh game online, sàn giao dịch thương mại điện tử, trung gian thanh toán, kinh doanh vàng trên tài khoản… không đúng với các quy định của pháp luật tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước và nhân dân. 

Chính vì vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng mức độ để hình sự hóa các hành vi lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội nhằm tăng cường tính phòng ngừa, răn đe các loại tội phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ trên mạng internet, mạng viễn thông. 

Cũng phải nhấn mạnh thêm, việc xây dựng hệ thống hành lang pháp lý đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ trên mạng internet, mạng viễn thông là hoàn toàn độc lập với việc phi tội phạm hóa hành vi kinh doanh trái phép và không trái với tư tưởng tôn trọng, đảm bảo quyền tự do kinh doanh đã được thể hiện trong Hiến pháp 2013 cũng như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014. 

Bên cạnh đó, đây còn là một việc làm nhằm củng cố thêm hành lang, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nguyễn Hương
.
.
.