Bài 4: Nước xa không cứu được lửa gần

Thứ Sáu, 10/07/2015, 09:49
Hạ tầng giao thông cản trở việc triển khai chữa cháy, trang thiết bị phục vụ chữa cháy chưa đảm bảo khiến cho thời gian tiếp cận đám cháy, chữa cháy bị kéo dài hơn. 
Đó là những bất cập trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ hiện nay. Đặc biệt, đối với các vụ cháy ở thành phố lớn, khu dân cư đông đúc, việc triển khai chữa cháy càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong khi đó, số vụ cháy ở khu vực thành thị chiếm tới 56,3% tổng vụ cháy trên địa bàn cả nước.

Chữa cháy ở ngõ nhỏ, phố nhỏ khó như… lên trời

Từ phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, chúng tôi cùng các cán bộ PCCC phụ trách địa bàn trở lại hồ Linh Quang (phường Linh Quang, quận Đống Đa), nơi xảy ra vụ cháy dãy nhà tạm ven hồ vào trưa 13/5. “Xóm nước đen” hiện ra trước mắt chúng tôi với hình ảnh nhếch nhác, nhà cửa tạm bợ. Dấu tích vụ cháy vẫn còn: Các túp lều nằm tiếp giáp với mặt hồ nham nhở vết đen của tre nứa, gỗ cháy dở.

Anh Nguyễn Văn Tuấn quê ở Lý Nhân, Hà Nam, ở cách đám cháy vài chục mét, cho biết: “Người ta nấu cám lợn, lửa cháy ra xung quanh, cố tự dập lửa nhưng không được nên ai nấy chạy thoát thân”.

Thiếu tá Nguyễn Minh Thành, Đội trưởng Đội chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho biết, khi chữa cháy, Cảnh sát PCCC phải lấy từ họng nước trên phố Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, dù đã đưa thuyền ra giữa hồ, dùng máy bơm bơm nước, khiến tiến độ chữa cháy bị ảnh hưởng.

Ngõ 53, phố Hàng Buồm, thuộc khu phố cổ Hà Nội sâu, tối om, trên tường là bó dây điện chừng vài chục chiếc dẫn từ đầu ngõ vào tận bên trong. Ngửa mặt lên là những căn gác xép, là những gian phòng nhỏ tẹo, cơi nới bằng gỗ tạp, che chắn toàn bằng vật liệu dễ cháy. Ông Phạm Vũ Thắng, Tổ trưởng tổ dân phố nhà số 53 cho biết, từ mặt phố Hàng Buồm vào bên trong khoảng 80m. Khu nhà này vốn là tập thể cũ, tuổi đời trên 100 năm, nhà ở bằng vật liệu dễ cháy, lối đi bị che chắn, chỉ có một đường thoát hiểm…, rất nhiều nguy cơ cháy và khó khăn khi chữa cháy.

Trung úy Nguyễn Văn Đại, cán bộ PCCC quản lý địa bàn khu phố cổ lo lắng khi nhắc đến vụ cháy nhà số 81 phố Hàng Bồ là kho chứa vàng mã. Anh nói: “Vụ cháy không có gì nghiêm trọng nhưng lại khó chữa cháy. Đám cháy phát ra từ tầng hai, nơi chủ nhà thắp hương để gần vật dụng dễ cháy lại không trông coi, khi ngửi thấy mùi khét mới mở cửa. Đám cháy đã âm ỉ từ lâu nên khi cửa mở, có không khí lửa mới bùng lên”.

Thiếu tá Đặng Văn Chiêu, Đội trưởng Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 Hà Nội cho biết, công tác đảm bảo PCCC ở phố cổ Hà Nội rất phức tạp. Nhất là khu vực chợ đêm, là những khu nhà ống xuống cấp, dân số nhiều, người dân cải tạo cơi nới bịt lối thát hiểm. Trong khi đó hệ thống điện lại chằng chịt, cũ nát và tần suất tiêu thụ điện cao.

Cảnh sát PCCC kiểm tra công tác PCCC tại phố cổ Hà Nội.

Thủ đô thiếu 8.000 trụ nước cứu hỏa

Cũng giống nhiều nơi khác, phố cổ Hà Nội phức tạp về PCCC như vậy nhưng hạ tầng cơ sở PCCC tại vô cùng đáng báo động. Cả khu phố cổ Hà Nội chỉ có hai họng nước cứu hỏa là ở trước cổng chợ Hàng Da và chợ Đồng Xuân. Thế nên mới có chuyện cả phường Hàng Buồm không có trụ nước chữa cháy, buộc lực lượng PCCC phải tìm hai nguồn nước ở toà nhà Teachcombank số 15 Đào Duy Từ và Phòng khám đa khoa 26 Lương Ngọc Quyến (thuộc Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm). Còn những cơ sở khác hoặc khu vực nhà dân có bể nước nhưng không lấy được nước chữa cháy.

Bởi vậy, khi nghe cuộc nói chuyện giữa anh cán bộ PCCC và ông tổ trưởng tổ dân phố số 53 đề xuất: “Tôi có cái giếng khoan lâu không dùng, các anh có thể lắp máy bơm để sử dụng khi cần thiết”, chúng tôi mới thấy công cuộc chữa cháy ở phố cổ Hà Nội gian nan, khó khăn đến thế nào.

Những khu phố cổ, những khu nhà kiểu “xóm nước đen”, ngõ nhỏ, sâu, khi xảy ra cháy, nhiều xe chữa cháy chỉ rải ống tới nơi đã mất một lượng nước vô cùng lớn chứa trong vòi dẫn. Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 kể rằng, có nơi khi đi chữa cháy các anh phải rải ống tới 400m, hết cả xe nước.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC số 2: Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 17 trụ lấy nước chữa cháy. Trong đó 14 trụ lấy được nước, 3 trụ không lấy được nước. Quận có 2 bể nước chữa cháy 100m³ ở vườn hoa Cổ Tân và Lê Thạch, 2 bến lấy nước ở hồ Hoàn Kiếm. Nguồn nước chữa cháy trên địa bàn quận thiếu nghiêm trọng. Đặc biệt, những tuyến phố chính tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, hộ kinh doanh không có trụ cấp nước chữa cháy như tuyến phố Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo,... Theo thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội, quy chuẩn cứ 150m đường phải có một trụ nước chữa cháy thì thành phố Hà Nội còn thiếu 8.000 trụ chữa cháy.

Còn tại Hải Phòng, theo thống kê, trên địa bàn quận Hồng Bàng hiện có 102 ngõ xe chữa cháy có thể vào nhưng không có chỗ quay đầu, có 157 ngõ rộng trên 3,5m nhưng xe chữa cháy không thể vào và 205 ngõ xe chữa cháy không thể vào. Nhiều ngõ xe chữa cháy có thể vào được nhưng bị cản trở vì vướng các cổng chào, cọc bê tông. Nguy cơ cháy, nổ tại các khu nhà trên là rất lớn nhưng nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy của quận còn rất nhiều bất cập, hạn chế.

Thiếu nước chữa cháy còn là thực trạng diễn ra ở nhiều khu công nghiệp trên địa bàn cả nước. Hạ tầng PCCC không đạt tiêu chuẩn dẫn đến việc dập tắt đám cháy 13.000m² nhà xưởng ở KCN Quang Minh, Hà Nội vào ngày 18/10/2014 bị kéo dài. Dù ở KCN này được bố trí 53 họng nước nhưng lượng nước cung cấp không đủ chữa cháy là nguyên nhân khó khăn cho công tác chữa cháy. Theo Phòng Cảnh sát PCCC số 6, Hà Nội, nguyên nhân là do bất cập trong quản lý, đơn vị cấp nước không phải là đơn vị quản lý KCN nên không có sự phối hợp đồng bộ giữa hai bên.

Thắc mắc về trang thiết bị chưa tương xứng với nhà cao tầng hiện có ở Việt Nam, Thượng tá Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát PCCC cho rằng: “Kể cả trên thế giới, không phải cứ có nhà cao bao nhiêu tầng là phải có xe thang cao bấy nhiêu. Điều kiện an toàn PCCC và thoát nạn ở nhà cao tầng được quy định rất chặt chẽ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và thế giới. Công tác phòng ngừa cháy, phát hiện cháy sớm,… được thiết kế, lắp đặt và duy trì trong suốt quá trình hoạt động của tòa nhà”. Người dân sống trong tòa nhà phải nêu cao ý thức PCCC, đặc biệt lưu ý an toàn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các chất dễ cháy…

- Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hải Phòng: Đơn vị hiện có 35 xe chữa cháy chuyên dùng (trong đó có 20 xe đã sử dụng trên 20 năm), 7 xe thang (3 xe thang đã cũ, thường xuyên hư hỏng), 1 tàu chữa cháy trên sông (sử dụng 15 năm), 5 xuồng chữa cháy. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng cần được trang bị những thiết bị mới, hiện đại. Do đơn vị mới thành lập nên đang thiếu những cán bộ chuyên ngành về công tác PCCC.

- Đại tá Nguyễn Danh Thuy, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Hải Dương: Đơn vị hiện có 1 xe thang, 8 xe chữa cháy, 3 xe chuyên dùng, 1 xe chỉ huy. Phần lớn các trang thiết bị đã sử dụng hàng chục năm. Đơn vị mới được Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ cho 2 xe chữa cháy. Trên thực tế, đơn vị mới chỉ có 1 đội chữa cháy trung tâm. Trong khi đó, trên địa bàn có một số địa phương xa đơn vị, như: thị xã Chí Linh (37km), huyện Thanh Miện (38,5km), ảnh hưởng đến thời gian di chuyển và hiệu quả công tác chữa cháy. Trước tình hình trên, đơn vị tham mưu cho Công an tỉnh, UBND tỉnh Hải Dương thành lập Đội PCCC thị xã Chí Linh, KCN Phúc Điền (huyện Cẩm Giàng). Đơn vị thiếu lái xe chữa cháy, cán bộ chuyên ngành về lực vực PCCC. Do đó, đơn vị vừa phải huấn luyện, đào tạo bổ sung cán bộ trong công tác PCCC, đáp ứng nhu cầu công tác trong tình hình mới.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2, Hà Nội: Chúng tôi quản lý 35 phường thuộc hai quận Đống Đa và Ba Đình. Trên địa bàn có nhiều chung cư, tập thể cũ như khu tập thể Giảng Võ, Kim Liên, Nam Đồng, Khu 72ha Vĩnh Phúc… Đa số chung cư cũ không có hệ thông chữa cháy, không được bố trí bể nước, họng nước cứu hỏa. Nhà dân thì ở trong ngõ ngách, hẻm, nguy cơ cao về cháy nổ, lực lượng PCCC tiếp cận khó khăn, xe chữa cháy không tiếp cận được đám cháy. 

C.Hồng - V.Hà - Đ.Hùng
.
.
.