Hạn chế tai nạn giao thông - giải pháp từ hệ thống camera giám sát hình ảnh

Bài 2: Giám sát tự động là yêu cầu cấp bách đối với đường cao tốc

Thứ Hai, 29/04/2013, 12:54
Xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh bằng camera cố định trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc như Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; TP Hồ Chí Minh - Trung Lương… đang là nhu cầu bức thiết. Bởi như trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, nguy cơ tai nạn từ tình trạng phương tiện chạy quá tốc độ quy định cũng như việc chạy dưới mức quy định đều là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông thời gian qua.

Không giám sát được tốc độ - vi phạm và tai nạn vẫn gia tăng

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dù đã được đưa vào khai thác tạm thời từ cuối năm 2010 với tốc độ cho phép chạy xe khá cao, nhưng theo ông Lê Đức Tuân, Chánh Văn phòng Công ty CIPM Cửu Long - Đơn vị tổ chức thu phí trên tuyến, thì đến nay dự án lắp đặt hệ thống camera giám sát tốc độ xe và vi phạm giao thông trên toàn tuyến mới đang dừng lại ở các bước triển khai lập dự án đầu tư trong lúc tai nạn, sự cố trên tuyến vẫn không ngừng tăng lên.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành đường cao tốc, chỉ sau 15 tháng đưa vào khai thác, trên tuyến đã xảy ra 2.328 vụ nổ vỏ xe; 4.103 vụ xe chết máy trên đường; 197 vụ xe lấn tuyến va chạm và 6 vụ tai nạn làm 18 người chết. Đồng thời cũng có tới 165 vụ ôtô gây sự cố làm hư hại các hệ thống phụ trợ trên đường với trị giá 2,8 tỉ đồng.

Gần đây nhất, lúc 6h sáng 30/3 vừa qua, tại km 22 hướng từ Trung Lương về TP Hồ Chí Minh, ôtô khách biển số 63L-5319 loại 40 chỗ ngồi chở công nhân của Công ty Pou Yuen lưu thông từ hướng Tiền Giang về TP Hồ Chí Minh đã bất ngờ nổ vỏ, lật ngang. Do tốc độ khá nhanh, chiếc xe cày trên đoạn đường khá xa làm toàn bộ số công nhân trên xe bị va đập mạnh, chấn thương tới 34 người. Trước đó, vào sáng 11/8/2012, tại km số 16 cũng đã xảy ra tai nạn làm 7 người trên xe bị trọng thương khi chiếc xe ôtô 7 chỗ mang biển số 52F-4869 chạy từ hướng TP Hồ Chí Minh đi Trung Lương với tốc độ nhanh đã bị nổ lốp trước, đâm trực diện vào dải phân cách di động của đường cao tốc.

Trong lúc chưa có giải pháp hữu hiệu nào để giám sát tốc độ và mức độ vi phạm trật tự an toàn giao thông với xe ôtô trên suốt tuyến cao tốc, lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên tuyến không phải lúc nào cũng có thể dừng ngay được xe vi phạm để xử phạt. Trong khi chờ lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát phương tiện lưu thông suốt tuyến cao tốc Hồ Chí Minh -– Trung Lương để giám sát trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT thường xuyên cho đặt camera ở những đoạn hay xảy ra tai nạn do vi phạm trật tự an toàn giao thông để kiểm soát tốc độ, lập biên bản, xử phạt lái xe vi phạm. Thời gian qua, đã có hàng ngàn trường hợp lái xe vi phạm về tốc độ, dừng đậu, tránh vượt sai quy định bị CSGT các địa phương trên tuyến lập biên bản xử phạt.

Khai thác tuyến cao tốc trong tình trạng khập khiễng như vậy, song việc quy định tốc độ ôtô lưu thông trên tuyến cao tốc này cũng đã xuất hiện hạn chế khiến cả Cục CSGT đường bộ - đường sắt và Trung tâm Quản lý điều hành đường cao tốc đều đã phải lên tiếng đề nghị cho tăng tốc độ lưu thông tối thiểu thêm 10 - 20km/h tùy làn xe. Lý do, mật độ xe chạy trên cao tốc hiện đã tăng lên, ôtô lưu thông trên tuyến gồm đủ loại xe đời mới, đời cũ. Vì vậy, chỉ cần một xe chở hàng nặng chạy đủ mức tối thiểu ở làn cho phép 60 – 100km/h không chịu nhường đường. Để vượt lên, tài xế thường phải chạy lách vào làn đường phía trong. Từ làn đường phía trong, tài xế tiếp tục phải vượt qua tốc độ các xe đang chạy tối đa 80km/h để trở lại làn 100km/h. Hành vi này khiến tài xế bị phạt do đã vi phạm tốc độ ở làn 80km/h. Tuy nhiên, trước thực trạng xe chạy tốc độ cao nổ vỏ hoặc vi phạm tốc độ khi muốn chuyển làn dẫn đến tai nạn không giảm.

Hệ thống camera được lắp tại trạm thu phí.

Kiểm soát tốt vi phạm, ý thức tăng lên

Trước thực trạng xe tải nặng, xe khách né chạy tuyến cao tốc do phí cao, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho tuyến quốc lộ 1A đoạn từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, từ tháng 11/2012 vừa qua, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cũng đã triển khai kế hoạch thí điểm tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên tuyến trong vòng 1 năm. Chỉ sau thời gian ngắn triển khai, hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại đây đã ghi nhận bằng hình ảnh hàng ngàn lượt phương tiện chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, dừng xe, đỗ xe không đúng quy định, tránh, vượt không đúng quy định…

Theo ông Trần Trọng Vinh, Hiệp hội An ninh chuyên nghiệp châu Á, kết quả thử nghiệm phần mềm trong việc nhận dạng biển số xe để phát hiện vi phạm qua hình ảnh được Bộ Công an cho phép triển khai thử nghiệm tại Kiên Giang và Hà Nội cho thấy: Ngoài tính năng ưu việt là thời gian nhận dạng nhanh, độ chính xác cao trong mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày lẫn ban đêm, sương mù…hệ thống giám sát có khả năng phát hiện được vi phạm ngay cả khi xe chạy với tốc độ trên 80km/h hoặc đếm người, nhận dạng khuôn mặt, tuổi và giới tính. Chỉ trong thời gian ngắn thực nghiệm tại TP Rạch Giá - Kiên Giang, hệ thống giám sát giao thông qua hình ảnh đã phát hiện và trích xuất 9.912 trường hợp vi phạm về tốc độ; 16.186 trường hợp vi phạm tín hiệu đèn giao thông để chuyển giao cho lực lượng xử lý. Thực nghiệm nửa tháng tại ngã tư Cửa Nam ở TP Hà Nội, phần mềm cũng đã phát hiện trích xuất gần 2.500 trường hợp ôtô, xe máy vi phạm đèn đỏ. Kết quả đánh giá sau thực nghiệm cho thấy, từ hỗ trợ của hệ thống, lực lượng CSGT có thể tiến hành phạt nguột vi phạm cả ngày lẫn đêm sẽ giúp nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông; giảm số lượng CSGT phải có mặt trên đường; hỗ trợ truy tìm tội phạm và gian lận trong xử lý xe vi phạm giao thông.

Còn trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ với đặc điểm toàn tuyến dài, hai bên đường trống trải, chủ yếu là toàn ruộng lúa. Trước đây, mỗi đợt xử lý vi phạm tốc độ của các loại phương tiện, lực lượng CSGT phải hóa trang và mang máy đo tốc độ núp sau các vật cản hiếm hoi như đống lốp cũ ven đường, điểm sửa chữa xe… hiệu quả thấp, tính răn đe ngăn ngừa không cao nên nhiều vụ tai nạn thảm khốc vẫn diễn ra. Với đặc điểm cả tuyến đường dài gần 30km, chỉ có mỗi máy đo tốc độ cơ động nếu công khai đứng đo thì chắc cả ngày không xử lý được trường hợp nào. Hơn nữa, sau khi qua khu vực có CSGT đứng đo tốc độ, chắc chắn lái xe sẽ nhấn ga vi phạm. Từ khi triển khai hệ thống giám sát hình ảnh cố định với cột camera cao trải dài suốt tuyến đường liên tục thay nhau hoạt động, hiệu quả đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều camera nhưng lại luân phiên nhau “làm nhiệm vụ”. Thế nên cánh lái xe bắt đầu chạm vạch đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là phải dè chừng

Đức Thắng - Xuân Luận - Trần Huy
.
.
.