Bài 1: Nhận diện nguyên nhân trẻ bị xâm hại

Chủ Nhật, 23/10/2016, 07:30
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ ba trên thế giới phê chuẩn Công ước quyền trẻ em và đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, tình hình xâm phạm tình dục trẻ em ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp.

Theo số liệu chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng số vụ phát hiện, đưa vào xử lý chỉ chiếm khoảng 40%. Theo báo cáo của VKSND TP Hồ Chí Minh, từ năm 2012 đến năm 2015, cơ quan này đã thụ lý kiểm sát điều tra tổng cộng 966 vụ với 826 bị can về các tội xâm phạm tình dục, chủ yếu là trẻ em.

Trong đó, CQĐT hai cấp đã khởi tố mới 677 vụ án, 570 bị can và toà án hai cấp đã xét xử 538 vụ, 562 bị cáo. Số bị can luôn thấp hơn số vụ án khởi tố là đặc trưng đau lòng của loại tội phạm này và số vụ án tạm đình chỉ điều tra do chưa xác định được đối tượng hoặc đối tượng bỏ trốn (136 vụ, 29 bị can).

Bị chính người thân xâm hại

Nếu như trước đây, người lớn thường đưa ra những cảnh báo cho trẻ em gái về sự nguy hiểm để tránh nguy cơ bị xâm hại khi đêm khuya, đường vắng, đàn ông lạ mặt... thì thực tế hiện nay cho thấy, các em có thể bị xâm hại bất cứ thời gian nào, ở bất cứ đâu. Hành vi phạm tội có thể thực hiện ngay tại nơi ở của trẻ, nhà trọ, khách sạn, bãi đất trống, nhà vệ sinh, quán nước...

Ba đối tượng trong một vụ án hiếp dâm mà kẻ cầm đầu là một thiếu nữ.

Đối tượng xâm hại tình dục không chỉ là người lạ mặt dùng vũ lực khống chế, dụ dỗ do uống rượu say mà rất nhiều vụ do cha, chú ruột, cha dượng, bạn bè, hàng xóm... gây ra.

Cha mẹ ly hôn, cháu L (5 tuổi) sống với cha tại một nhà trọ ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Đêm 5-5-2014, cha L nhậu say về đã xâm hại chính con gái ruột của mình. Từ trình báo của người dân, Công an vào cuộc điều tra và phát hiện L bị xâm hại. Cha L bị bắt. Với hành vi này, cha L phải trả giá bằng bản án tù chung thân.

Tương tự, sau khi cha mẹ ly hôn, mẹ đi bước nữa, cháu Y sống cùng bà. Đến khoảng tháng 6-2011, Y (lúc này mới 10 tuổi) mới về sống với mẹ và cha dượng ở quận 9. Chỉ 10 ngày sau đó, Y đã bị ông B (39 tuổi, cha dượng) xâm hại vào ban đêm khi mẹ Y đã ngủ say.

Do bị cha dượng đe dọa nên Y không dám nói cho mẹ biết. Đến tháng 5-2012, phát hiện cháu Y mang thai, B bắt cháu phải phá bỏ nhưng cháu không đồng ý. Sau khi sự việc bị bại lộ, B bỏ trốn. B sau đó bị bắt giữ và đưa ra xét xử với mức án 12 năm tù.

Theo VKS, qua phân tích 149 vụ án và 149 bị hại cho thấy nhóm tuổi bị xâm hại nhiều nhất là từ 12 tuổi đến dưới 13 tuổi. Đây là lứa tuổi mà các em gái bước vào tuổi dậy thì, tò mò về quan hệ tình dục, có sự quan tâm đến những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.

Các em muốn thu hút sự chú ý của người xung quanh, nhất là người khác giới nhưng đồng thời lại thiếu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, khả năng nhận biết để tự phòng vệ nên rất dễ bị xâm hại tình dục.

Ngoài trẻ em gái bị lạm dụng, thời gian gần đây, tình trạng trẻ em nam bị xâm hại cũng bắt đầu phổ biến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, số vụ bị phát hiện và khởi tố chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều quy định còn gây khó khăn cho cơ quan tố tụng

Với diễn biến tội phạm ngày càng phức tạp nhưng theo bà Vũ Xuân Nhuệ - Phó trưởng Phòng Kiểm sát án hình sự về trật tự xã hội - VKSND TP Hồ Chí Minh, hiện công tác xử lý loại tội phạm này không hề đơn giản.

Bởi hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không quả tang, không có người làm chứng, nhiều vụ bị hại còn quá nhỏ hoặc nhận thức hạn chế; nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại có tâm lý xấu hổ, lo sợ ảnh hưởng đến gia đình, cuộc sống của trẻ sau này nên không trình báo cơ quan chức năng mà tự gặp nhau thương lượng, giải quyết.

 Ý thức pháp luật của người dân chưa cao, nhất là những cơ sở cho thuê phòng trọ, khách sạn, thấy trẻ em gái đi cùng nam thanh niên đến thuê phòng nhưng không kiểm tra giấy tờ, không ghi chép vào sổ lưu trú... khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.

Một số vụ án xâm phạm tình dục mang tính chất loạn luân giữa những người cùng huyết thống, người bị hại và gia đình thường không muốn xử lý trừ trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (như bị hại mang thai, sinh con, tâm thần, sức khỏe bị tổn thương...), hoặc bị người ngoài phát hiện, tố cáo.

Ngoài các lý do trên, theo bà Vũ Xuân Nhuệ, một số vụ án do Cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ do việc trình báo chậm nên dấu vết, chứng cứ thu thập không đủ để xử lý đối tượng.

Có trường hợp, quá trình điều tra đối tượng hoặc bị hại thay đổi lời khai theo hướng có lợi cho người phạm tội... gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm.

Một số vụ mặc dù cả người phạm tội và bị hại đều thừa nhận hành vi giao cấu đã thực hiện nhưng ngoài lời khai thì Cơ quan điều tra không thu thập được chứng cứ nào khác nên không thể xử lý hình sự.

Ngoài ra, nhiều quy định của pháp luật hiện nay được cho là gây khó cho các cơ quan tiến hành tố tụng như: quy định giám định về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là thu thập mẫu để giám định ADN là căn cứ khởi tố vụ án và bị can nhưng không là quy định bắt buộc trong Bộ luật tố tụng Hình sự và Luật Giám định tư pháp.

Hay như, cấu trúc Điều 112 BLHS 1999 của tội Hiếp dâm trẻ em, về mức khởi điểm của khung hình phạt này tại khoản 3 (là 20 năm) lại nặng hơn khoản 4 (từ 12 năm trở lên) dẫn tới một số vụ án hiếp dâm trẻ em, việc áp dụng khoản 3 hay khoản 4 tại các địa phương chưa thống nhất.

Trong khi đó, ý kiến về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em nam có dấu hiệu gia tăng, thủ phạm tấn công trẻ em nam đa số là đối tượng đồng tính nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do gia đình các em không trình báo nên các đối tượng này không bị xử lý hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tài - Văn phòng luật sư Mai Trung Tín (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), để xác định một trẻ em nam có bị xâm hại hay không cũng rất khó khăn, dưới góc độ pháp lý cũng còn một số vướng mắc.

Cho nên cùng một hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em nhưng đối với trẻ em nữ thì được xem là hiếp dâm trẻ em, đối với trẻ em nam thì chỉ dừng lại ở mức độ "dâm ô đối với trẻ em"… Đây chính là những lý do khiến việc xử lý đối với loại tội phạm này hiện nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.

A.Huy
.
.
.