Chấn chỉnh vi phạm trật tự giao thông xe khách trên tuyến Quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng:

Bài 1: Cung vượt cầu và thủ đoạn của nhà xe

Thứ Ba, 16/07/2013, 12:19
QL5 luôn có mật độ phương tiện tham gia giao thông dày đặc, trong đó lưu lượng xe ôtô chở khách chiếm số lượng rất lớn. Thống kê của cơ quan quản lý cho thấy, trung bình khoảng 2 phút lại một chuyến xe khách và điều này đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Nhiều xe chạy nhưng không đủ khách đã dẫn đến tình trạng nhiều lái, phụ xe của nhà xe này đe dọa, uy hiếp lái, phụ xe của nhà xe kia để giành khách, thậm chí còn phá hủy phương tiện của nhau, gây bức xúc cho hành khách, làm mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến.

Nhiều vi phạm phóng nhanh, vượt ẩu    

Để có cái nhìn thực tế, chúng tôi cùng hành khách đi tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Sáng 9/8, tại Bến xe Lương Yên, chúng tôi lên xe khách BKS 30N- 155…, loại 47 chỗ. 10 phút sau xe xuất bến với khoảng 20 khách. Sau khi xuất bến, lái xe cho xe chạy chậm khoảng 5km để bắt thêm khách dọc đường mới từ từ tăng tốc. Trên đường đi dọc tuyến QL5, lái xe tiếp tục bắt khách ở những nơi không đúng quy định.

Xe chạy đến Trạm CSGT Hải Dương thuộc địa phận huyện Kim Thành, chúng tôi bảo lái xe cho xuống xe nhưng bị từ chối với lý do: “Anh xuống đoạn sau giúp nhà xe nhé, xuống điểm này CSGT phạt bọn em ngay vì dừng đỗ sai quy định”. Tôi hỏi: “Khi nãy nhà xe liên tục dừng đón người ở các điểm khác có sao đâu?”. Phụ xe trả lời: “Các đoạn ấy không có CSGT anh ạ”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy là nhà xe vi phạm dừng đỗ sai khi đón khách còn gì?”. Phụ xe cười xòa: “Xe nào vắng khách cũng làm vậy mà anh”.

Xuống xe, chúng tôi tới Km68, QL5, địa phận huyện Kim Thành, điểm làm việc của Tổ công tác thuộc Trạm CSGT Hải Dương. Tại đây, Thượng úy Nguyễn Văn Đăng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, tình trạng xe khách dừng đỗ sai quy định để đón trả khách trên tuyến QL5, địa phận Hải Dương diễn ra khá nhiều. Có mặt tại đây, chúng tôi được các đồng chí CSGT chỉ ra rất nhiều xe khách vi phạm luật ở các lỗi khác nhau.

CSGT và TTGT Hải Phòng kiểm tra xe khách tham gia giao thông trên QL5. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Điển hình là lái xe Trương Văn Lập, 48 tuổi, điều khiển xe khách 29 chỗ, BKS 15B-009.68 vi phạm lỗi hướng dẫn khách ngồi không đúng vị trí. Trường hợp khác là lái xe Trương Hữu An, 40 tuổi, điều khiển xe BKS 15C-016.61 vi phạm lỗi chuyển làn đường không tín hiệu báo trước…

Đối với phương tiện chạy quá tốc độ, trong 6 tháng đầu năm 2013, Trạm CSGT Hải Dương đã phối hợp với Công an huyện Kim Thành và huyện Cẩm Giàng xử lý trên 100 trường hợp. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh Hải Dương xảy ra 76 vụ TNGT, chết 85 người, bị thương 27 người, trong đó tại QL5 xảy ra 35 vụ TNGT nghiêm trọng. Ngoài ra, lực lượng CSGT Hải Dương đã kiểm tra, xử lý hơn 21 nghìn trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó có nhiều vi phạm trên tuyến QL5, phạt tiền Kho bạc Nhà nước thu hơn 7 tỷ 300 triệu đồng.

Cũng trên QL5, khi tới Trạm CSGT An Hưng, Hải Phòng, chúng tôi được Trung tá Trần Thanh Hải, Trạm trưởng cho biết, bình quân một ngày, Trạm xử lý khoảng 50 phương tiện ôtô tham gia giao thông vi phạm với các lỗi chủ yếu, như: chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, đón trả khách sai quy định… Để chứng minh, Trung tá Hải đưa chúng tôi ra nơi Tổ công tác của Trạm đang làm nhiệm vụ.

Tại đây khi kiểm tra xe ôtô BKS 14M-1079 do lái xe Đỗ Trung Nguyên, quê ở Nam Định điều khiển lực lượng CSGT đã phát hiện lỗi vi phạm không đóng cửa xe lên xuống khi xe đang chạy; xe ôtô BKS 15C-046.95 do lái xe Nguyễn Đức Thư, quê ở Hải Dương điều khiển, phát hiện lỗi vi phạm lốp không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Nhiều xe khác khi kiểm tra, lực lượng CSGT cũng phát hiện các lỗi tương tự. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất không phải là tình trạng xe khách vi phạm các lỗi quy định trong Luật Giao thông đường bộ mà là tình trạng lái, phụ xe của doanh nghiệp này khống chế, đe dọa, thậm chí là hành hung lái, phụ xe của doanh nghiệp khác.  

Dọa nạt, khống chế lái, phụ xe để tranh giành khách

Trao đổi với Trung tá Đặng Sỹ Toàn, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng, chúng tôi được biết, thời gian qua, lực lượng Công an TP Hải Phòng đã rất quyết liệt đấu tranh với các vi phạm liên quan đến tranh giành khách không lành mạnh trên tuyến. Qua thời gian theo dõi, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an Hải Phòng bắt quả tang 12 vụ (22 đối tượng) lái phụ xe của doanh nghiệp này có hành vi chặn xe, đánh đập, khống chế, dọa nạt, bắt ép lái phụ xe của doanh nghiệp khác phải nhường khách, gây cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp.

Xe khách quá nhiều là 1 nguyên nhân tạo ra tranh giành khách.

Điển hình như vụ Phạm Thế Lộc, Đào Văn Phụng và Trần Văn Thanh là lái, phụ xe BKS 16H- 0348  đã gọi đồng bọn chặn xe BKS 16M-7143 của Công ty Hoàng Long để đập phá tài sản. Nguyên nhân các đối tượng đánh nhau là để tranh giành khách theo cách không lành mạnh. Nhóm đối tượng này sau đó đã bị khởi tố về tội hủy hoại tài sản. Hay như vụ Bùi Huy Thành, phụ xe BKS 15B-00.236 đã có hành vi dọa nạt lái xe của Công ty Bus Hải Âu chạy cùng tuyến phải chạy nhanh để xe của Thành đi sau bắt khách.

Trước đó, trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực Cầu Rào, Công an Hải Phòng đã phát hiện các xe BKS 16L-6000, 29B-017.04, 29B-035.18, 16M-7023 và 16L-4186 là những xe khách không có giấy phép hoạt động tại Bến xe Cầu Rào, nhưng vẫn ngang nhiên đỗ tại cửa bến xe để bắt khách, gây mất trật tự công cộng và cản trở giao thông. Ngoài ra, các lái phụ xe của các xe nêu trên thường xuyên có hành vi, lời nói đe dọa, đánh các lái phụ xe và nhân viên điều hành của các công ty vận tải đủ điều kiện hoạt động trên tuyến.

Cùng với các hoạt động trên, khi tham gia giao thông, các xe trên thường xuyên chèn ép, bắt tài xế của các xe khách khác phải đi chậm, đi nhanh hoặc dừng lại theo ý đồ của chúng, chủ yếu tập trung trên tuyến đường từ Bến xe Cầu Rào đến Trạm thu phí Quán Toan, QL5, đã gây ra sự bất bình của dư luận và bức xúc cho người đi xe.               

Hiện nay tuyến Hải Phòng - Hà Nội có 17 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, trong đó Hải Phòng có 11 doanh nghiệp với 189 đầu xe chạy 345 chuyến một ngày; Hà Nội có 6 doanh nghiệp với 37 đầu xe chạy 45 chuyến một ngày. Ưu điểm là lượng phương tiện tăng tạo điều kiện phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện. Hạn chế là theo quy định, các doanh nghiệp vận tải hành khách phải có bộ phận quản lý theo dõi về an toàn giao thông và phải ký kết hợp đồng lao động với lái phụ xe. Tuy nhiên qua công tác thanh tra, kiểm tra thì bộ phận theo dõi về an toàn giao thông chỉ là hình thức, không hoạt động.   

Nguyễn Hưng
.
.
.