Bác sỹ trại giam thầm lặng cống hiến

Thứ Năm, 24/02/2011, 10:39
Làm nghề y trong trại giam, phạm nhân đi đâu mình phải theo đó. Theo canh chừng cả bên ngoài phòng vệ sinh để đảm bảo phương châm "an toàn, không để phạm nhân chết, không để phạm nhân trốn" rồi còn phòng chống dịch lây lan.

Giờ làm việc của những bác sĩ, điều dưỡng viên (BS, ĐDV) mà chúng tôi có dịp gặp, bắt đầu vào lúc những tia nắng mặt trời đầu tiên chưa xuất hiện. Các anh, chị chuẩn bị cơ số thuốc phát cho phạm nhân bị đau ốm, kiểm soát bệnh lao, HIV, sàng lọc đưa những trường hợp nặng về trạm xá trung tâm điều trị… Công việc của họ diễn ra thầm lặng hết ngày này qua ngày khác, nhưng đều được hoàn thành tốt.

Tận tụy với công việc

Xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn và vườn điều xum xuê xanh ngắt của huyện Bình Long - Bình Phước, chúng tôi tới được Trại giam Tống Lê Chân (thuộc xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, Bình Phước) và sau đó là Trại giam An Phước (thuộc ấp 5, An Thái, Phú Giáo - Bình Dương). Hàng ngàn phạm nhân đang được giam giữ, học tập và cải tạo tại hai nơi này.

Thượng tá Trần Đình Tâm - Giám thị Trại Tống Lê Chân trao đổi với chúng tôi ngay tại Khu K1, cho biết: Phạm nhân trong 3 phân trại phạm các tội: cướp giật, trộm cắp, giết người, và tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma tuý. Có người sau nhiều năm ngập ngụa trong ma tuý, chơi bời đã "lãnh án chung thân" với căn bệnh thế kỷ-HIV/AIDS, nhưng vào trại họ vẫn được các bác sĩ chăm sóc như các bệnh nhân khác.

Tại các trại giam, hằng ngày phạm nhân được các bác sĩ thăm khám 2 lần. Một lần vào buổi sáng sớm và một lần khi kết thúc công việc buổi chiều. Ở Trại giam An Phước nơi giam giữ 4.000 phạm nhân, để thăm khám bệnh kết thúc vào lúc 6h hàng ngày, những BS, ĐDV phải căng mình ra làm việc. Vì vậy, có người hàng chục năm trời không biết đến đưa đón con đi học buổi sáng. Các anh các chị làm việc không nghỉ.

Đại úy - y sỹ Nguyễn Anh Tuấn (Trại giam An Phước) chăm sóc phạm nhân nhiễm HIV/AIDS tại Bệnh xá Phân trại 4.

Trong năm 2010, chỉ tính riêng tại Trại An Phước đã lấy máu xét nghiệm HIV cho 1.672 lượt phạm nhân, 315.196 lượt phạm nhân được cấp phát thuốc, 3.227 lượt "phạm" được điều trị tại 4 bệnh xá của trại, trong đó có 372 lượt phạm nhân được đưa đi điều trị ở các BV tuyến trung ương và TP HCM…

Thượng tá Nguyễn Văn Hoà, Phó giám thị Trại An Phước phân tích: "BS trại giam ngoài tấm lòng "lương y như từ mẫu" còn phải có cái đức, cái tâm của người cán bộ Công an. Qua đó hướng phạm nhân tới cái thiện để họ thay đổi cuộc đời". Anh tự hào cho biết, Trại An Phước đông phạm nhân "diện nguy cơ cao" nhưng nhiều năm nay do được chăm sóc, quản lý tốt nên chưa từng có trường hợp nào bỏ trốn.

Tuy vậy, thật khó có thể nói trước được điều gì khi các bác sĩ, y sĩ phải phục vụ cho từng ấy phạm nhân. Từ chuyện tiêm, chích, can gián những đối tượng quá khích đánh nhau đổ máu hay đưa phạm nhân đi viện tuyến trên đều có thể bị lây nhiễm bệnh nhưng các thầy thuốc trong trại không nề hà… phải hết sức cẩn trọng… phòng mọi "bất trắc".

Giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ

Đại úy - y sỹ Nguyễn Anh Tuấn (Trại An Phước) nói: "Làm nghề y trong trại giam, phạm nhân đi đâu mình phải theo đó. Theo canh chừng cả bên ngoài phòng vệ sinh để đảm bảo phương châm "an toàn, không để phạm nhân chết, không để phạm nhân trốn" rồi còn phòng chống dịch lây lan. Gặp những trường hợp vừa mang bệnh về thể xác vừa mang về tâm hồn mới khó trị". Họ sẵn sàng "bật" lại bất cứ ai khi không "hài lòng". Vì vậy, các anh phải cương quyết và khôn khéo khi làm việc để vừa giáo dục vừa động viên bệnh nhân.

Trung tá Phạm Văn Toán - Bệnh xá trưởng - Trại Tống Lê Chân có lần đã gặp trường hợp giả vờ hôn mê khéo tới mức cho người cấu, véo vào những vùng da mỏng trên cơ thể thật đau, nhưng phạm nhân vẫn "nằm im". Cuối cùng anh phải dùng thuốc tây can thiệp mới "lật" được mánh giả bệnh của phạm nhân này.

Trước Tết, các BS Trại An Phước cũng phải chữa bệnh giả cho một phạm nhân liều lĩnh. Anh ta dùng túi nilon gói mảnh dao lam rồi nuốt vào bụng, để lấy cớ đi chữa rồi xin sang trại khác do mâu thuẫn với bạn tù. Phát hiện ra bệnh này, BS nhỏ nhẹ nói: "Nếu có gan nuốt thì có gan đưa dao lam ra ngoài". Và chỉ chừng 1 đêm sau khi được "kèm" sát, phạm nhân đi tiêu ra được.

Ngoài những vụ rùng rợn kiểu vậy, chuyện cáo bệnh, kéo dài ngày bệnh để nghỉ lao động xảy ra như cơm bữa, nhưng đều bị các y, bác sĩ phát hiện.

Ở trại, có quy định phạm nhân phải uống thuốc tại chỗ sau khi được khám, thế mà có phạm nhân vẫn giả bộ uống thuốc trước mặt BS, nhưng chỉ uống nước còn kẹp thuốc trong ngón tay, sau đó cho người khác hoặc vứt đi vừa lãng phí vừa không chữa được bệnh. 

Cùng với lực lượng quản giáo, lo nhiệm vụ bảo đảm trật tự an ninh trong trại, các BS, ĐDV trại giam đã góp phần chữa trị cả những căn bệnh trong tâm hồn của phạm nhân ở đây trong những năm qua. Công việc thầm lặng của các anh đã góp phần thiết thực trả lại xã hội những con người lành lặn về cơ thể, khỏe mạnh về tâm lý, để họ làm lại cuộc đời

Huyền Nga
.
.
.