Bác sĩ quân y và những cuộc kiếm tìm hạnh phúc cho thương binh nặng

Thứ Hai, 30/03/2015, 08:05
Chiến tranh đã lùi xa song với mỗi người dân Việt Nam ký ức về chiến thắng 30/4/1975 vẫn còn vẹn nguyên, mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Hồi ức về gần 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong biên chế Trạm quân y tiền phương, ánh mắt của cựu binh Hoàng Tiến Tân (62 tuổi) lại ngời sáng.
Với cựu chiến binh Hoàng Tiến Tân, những năm tháng ở chiến trường luôn là một ký ức đẹp, oai hùng và bi tráng. Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, cũng như bao trai tráng khác, chàng thanh niên Hoàng Tiến Tân tạm xếp bút, tòng quân ra đi theo tiếng gọi của non sông, đất nước. Anh được biên chế về đơn vị thông tin liên lạc thuộc Sư đoàn 2, Quân khu V.

Địa bàn tác chiến của Sư đoàn 2 trải khắp các tỉnh Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Lào. Hồi đó đơn vị thông tin của anh đóng quân gần trạm quân y. Ngày ngày chạy giao liên chứng kiến cảnh bao đồng đội bị thương, hy sinh trong đau đớn anh không cầm lòng được. Những lúc rảnh việc, Hoàng Tiến Tân lại chạy sang trạm quân y, xắn tay áo giúp các bác sĩ, y tá cứu chữa đồng đội. Sau hơn 2 năm làm thông tin liên lạc, Hoàng Tiến Tân được chuyển sang trạm quân y, được cử đi học dược 3 năm về làm tại Xưởng quân dược của Sư đoàn 2.

Hồi tưởng về những năm tháng trong chiến trường, cựu chiến binh Hoàng Tiến Tân chia sẻ: “Hy sinh trong chiến tranh là điều không tránh khỏi, nhưng việc tận mắt chứng kiến người đồng đội của mình ra đi khi tuổi đời còn trẻ, như tiếp thêm lòng căm thù giặc và sức mạnh để tôi cùng đồng đội sát cánh, cứu chữa đồng đội”...

Sau gần 10 năm công tác trong Trạm quân y, năm 1978 Hoàng Tiến Tân tiếp tục theo học bác sĩ tại Đại học Y Thái Bình. Vốn đã quen với công việc, trực tiếp cứu chữa cho nhiều thương binh khi còn trong quân ngũ, nên khi đi học Hoàng Tiến Tân trở thành một trong 3 sinh viên xuất sắc nhất. Năm học thứ hai, Hoàng Tiến Tân đã được đứng phụ mổ GS.TS, BS Lê Đức Tố, một chuyên gia phẫu thuật ngoại khoa nổi tiếng lúc bấy giờ.

Ra trường, anh được giữ lại làm giảng viên, sau đó vì nặng lòng với đồng chí đồng đội đang ngày đêm phải chịu những nỗi đau về tinh thần và thể xác sau chiến tranh, nên anh xin chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng giữ  cương vị Trưởng khoa bệnh nhân kích động đến cuối năm 2014.

Bác sĩ Hoàng Tiến Tân (ngoài cùng bên phải) thăm gia đình thương binh Nguyễn Hữu Ban.

Điều trị, chăm sóc thương binh nặng là công việc mang những khó khăn đặc thù. Trong những năm tháng công tác tại đây, BS Hoàng Tiến Tân đã tham gia cứu chữa, chăm sóc hàng ngàn lượt thương, bệnh binh nặng trong Trung tâm.  Mấy chục năm công tác chẳng có Tết năm nào BS Tân được đón giao thừa ở nhà với gia đình; một tuần 7 tối anh triền miên với những ca trực trong Trung tâm. Cũng chính trong những năm tháng công tác ở đây, BS Tân đã chữa trị, cứu sống rất nhiều thương binh nặng.

Một trong những trường hợp đó là Đại úy Nguyễn Văn Thành, nguyên là sĩ quan của Quân khu V. Khi bệnh nhân này được đưa về Trung tâm, bác sĩ Tân chẩn đoán anh bị rối loạn hành vi do tái phát vết thương ở chiến trường. Lúc lên cơn, bệnh nhân này dùng tất cả những vật dụng bằng sắt có xung quanh cứa vào cơ thể.

Bác sĩ Tân chia sẻ, nhiều lúc buộc mình phải “điên” cùng với bệnh nhân, gần gũi chia sẻ, nghe họ tâm sự rồi dần dần trò chuyện, tìm cách thức tỉnh ý thức của họ. Cách chữa không dao kéo, nhưng đòi hỏi sự kiên trì và nắm bắt tâm lý bệnh nhân của bác sỹ. Sau hơn 6 tháng điều trị,  bệnh tình của anh đã thuyên giảm, anh đã có thể tự chăm sóc được mình…

Bác sĩ Tân nhớ lại, đêm mồng 2 Tết Nguyên đán cách đây vài năm, thương binh Hoàng Văn Thuê được chuyển đến trung tâm trong tình trạng nguy kịch bị thủng dạ dày, xuất huyết ồ ạt, trước đó một bệnh viện đã trả về… chờ chết. Bằng cái tâm và kinh nghiệm nghề nghiệp, bác sĩ Tân và các y bác sĩ trong Trung tâm đã huy động mọi phương tiện và khả năng, hiến máu tiếp cho bệnh nhân.

Sau 3 ngày hôn mê, bệnh nhân Hoàng Văn Thuê đã tỉnh lại và dần hồi phục. Gặp chúng tôi, bác Thuê đã xúc động nói: “Tôi thực sự đã từ cõi chết trở về, nếu không có sự tận tâm, tận lực của các y bác sĩ Trung tâm và bác sĩ Tân thì tôi đã không được sống”.

Không chỉ biết đến là bác sĩ giỏi, tận tâm tận lực ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng, BS Hoàng Tiến Tân còn được biết đến như ông mai, bà mối mát tay của Trung tâm. BS Tân đã kết nối thành công cho rất nhiều bệnh nhân nơi đây nên vợ nên chồng.

Bác xúc động kể: “Có nhiều cặp nên vợ nên chồng, nhưng có 4 cặp thực sự đã để lại cho tôi sự trân trọng, cảm phục về tình yêu thủy chung, cả sự hy sinh, dâng hiến của những nữ y tá hay cô thôn nữ. Họ đến với những thương, bệnh binh nặng trước tiên bằng sự đồng cảm, cảm phục, sẻ chia. Tất cả những cặp vợ chồng ở Trung tâm này đều sống rất hạnh phúc”.

Cặp đôi thương binh Nguyễn Hữu Ban (thương binh 81%, bị chấn thương sọ não) và cô Nguyễn Thị Thấn (người nhà của y tá điều dưỡng trong trung tâm). Trước khi lấy nhau, thương binh Nguyễn Hữu Ban gần như là người mất trí nhớ hoàn toàn, đôi khi không kiểm soát được hành vi, khó tiếp xúc.

Sau khi được bác sĩ Tân làm mối đã kết hôn với cô Thấn, được chăm sóc, sẻ chia, sức khỏe của chú Ban được cải thiện rõ rệt. Hàng ngày chú có thể giúp vợ quét nhà, nấu cơm những khi vợ bận việc, mỗi chiều hai người lại dắt tay nhau đi bộ vừa rèn luyện sức khỏe cũng như bồi đắp thêm tình cảm giữa hai vợ chồng.

Thương binh Lê Văn Luyện và Đỗ Thị Phán cũng nên vợ nên chồng qua đôi tay mai mối của BS Tân. Chú Luyện là bệnh binh hạng nặng, từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, xuất ngũ chú mắc phải căn bệnh quái ác, tổng hợp của nhiều loại bao gồm tâm thần phân liệt, trầm cảm, tự kỷ... Khi được chuyển về trung tâm chú không còn khả năng kiểm soát hành vi, lúc thì cầm gậy đuổi đánh người, lúc thì ngồi tự kỉ, có những biểu hiện lạ thường.

Sau khi kết hôn với cô y tá Đỗ Thị Phán, được các bác sĩ và vợ tận tình chăm sóc anh đã dần đẩy lùi căn bệnh. Căn nhà bé nhỏ của cô chú nằm ngay sát Trung tâm giờ đầy ắp tiếng cười cùng với hai người con, một trai, một gái, đều đang học rất giỏi, là niềm tự hào của gia đình và cả Trung tâm.

Ông Trần Quế Chi, Phó Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng: Bác sỹ Hoàng Tiến Tân là một người có chuyên môn cao, thâm niên làm việc lâu nhất tại trung tâm tính đến thời điểm này. Ông nhiệt tình săn sóc điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ Tân cũng là một người xông xáo trong các hoạt động đoàn thể, đưa ra nhiều trò chơi giúp thương bệnh binh thư giãn, rèn luyện sức khỏe.
Hoàng Hòa
.
.
.