BV Nhi đồng 2 TP HCM tiến tới xây dựng một đơn vị ghép tạng

Thứ Hai, 02/07/2007, 16:52
Thành công trong ca ghép gan thứ 4 này là bản lề để Bệnh viện Nhi đồng 2 tiến tới xây dựng một đơn vị ghép tạng, giúp cho Bệnh viện Nhi đồng 2 hoàn toàn có thể chủ động khi mà Luật Cho - Hiến tạng mô tại Việt Nam đã có hiệu lực từ tháng 7/2007 này.

Ca ghép gan thứ 4 sẽ được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM vào ngày 2/7. Người được cho là bé Nguyễn Anh Kim Trâm  (1 tuổi) và người cho là mẹ ruột - chị Nguyễn Hạnh Huỳnh, 29 tuổi.

Bé Kim Trâm được chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh khi đã quá trễ (6 tháng tuổi) theo thang điểm quá thời gian mổ Kasai (một phẫu thuật nối ống dẫn lưu đường mật tạm thời trong khi chờ được ghép gan). Do đó tình trạng suy gan diễn tiến rất sớm và nhanh.

Khi nhập viện, bé Trâm đã bị vàng da sậm, tiêu phân bạc màu, bụng báng to và đặc biệt là phù rất nặng. Bé Trâm đã được hội chẩn qua ê kíp ghép gan cùng các chuyên gia Bỉ qua trao đổi trên thư điện tử, webcam và khám trực tiếp vào tháng 4/2007 khi các chuyên gia Bỉ sang giảng dạy lớp gan mật về trẻ em.

Cháu được chỉ định ghép gan càng sớm càng tốt do tình trạng suy gan giai đoạn cuối và suy đa cơ quan với nhiều biến chứng nặng.

Cho tới ngày 30/6, các bác sỹ cho biết, tổng trạng chung của bé Trâm vẫn rất xấu, phù cân nặng 9,4kg, tri giác lừ đừ, vàng da niêm sậm với lượng bilirubine trong máu tăng cao: 675mg/l, tiêu máu và có nguy cơ ói máu do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản, rối loạn chức năng đông máu, nhiễm trùng phổi - đường mật. Trong thời gian qua, nhiều lần cháu đã được tập trung cấp cứu hồi sức do tình trạng nhiễm trùng huyết, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp.

Bé Trâm đã được thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết cũng như được chăm sóc trước ghép về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy gan, sử dụng kháng sinh và dùng thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa. Chị Hạnh Huỳnh đã được ổn định tâm lý và sức khỏe hoàn toàn phù hợp với chỉ định ghép gan cho con.

Ca ghép thứ 4 này ê kíp mổ của Việt Nam gồm Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bình Dân đảm nhiệm đứng chính. Nói một cách khác các bác sỹ Việt Nam đã đi được 2/3 đoạn đường để tiến tới tự chủ trong công nghệ ghép gan.

Đây cũng là bản lề để Bệnh viện Nhi đồng 2 tiến tới xây dựng một đơn vị ghép tạng, giúp cho Bệnh viện Nhi đồng 2 hoàn toàn có thể chủ động khi mà Luật Cho - Hiến tạng mô tại Việt Nam đã có hiệu lực từ tháng 7/2007 này.

Cùng với việc được lấy tạng của người chết não và tự chủ công nghệ sẽ giúp cho nhiều người mang trong mình những căn bệnh quái ác có cơ hội được chữa trị.

Cả 4 ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đều được ghép từ người sống và dưới 2 tuổi. Trên thế giới hiện đã có 65.000 ca ghép gan được ghép từ người chết, 1.000 ca được ghép từ người sống. Trong đó chỉ có 300 ca dưới 2 tuổi. Ghép gan từ người sống được coi là khó nhất trong các loại ghép.

3 ca trước đã thành công, ca này không được phép thất bại, đây chính là áp lực rất nặng với ê kíp phẫu thuật. 3 ca ghép gan trước: Lê Ngọc Xuân Quý (ngày 5/12/2005); Mai Hoàng Thanh Giang (ngày 13/2/2006) và Trang Hoàng Phúc được ghép vào ngày 4/12/2006.

Bé Hoàng Phúc hiện được tái khám 2 tuần/lần. Xuân Quý và Thanh Giang tái khám 1 lần/tháng. Các bệnh nhân đều không có tình trạng thải ghép, sức khỏe tiến triển tốt, đặc biệt các bé hồi phục rất nhanh sau phẫu thuật

H.Nga
.
.
.