BV Nhi đồng 1 - TP HCM cứu sống một ca bệnh hiếm gặp

Chủ Nhật, 05/09/2010, 15:30
Ngày 4/9, nguồn tin cho biết, một ca bệnh cực kỳ hiếm gặp đã được mổ thành công tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM.

Cháu P.B.H. (6 tháng tuổi), ngụ tại TP HCM, nhập BV Nhi Đồng 1 cách nay 4 tháng với chẩn đoán: Viêm tiểu phế quản với các triệu chứng: ho, khò khè, thở mệt. Sau 1 tuần điều trị tại Khoa Hô hấp nhưng bệnh vẫn không đỡ, các bác sĩ Khoa Hô hấp quyết định kiểm tra bằng chụp CT scan và phát hiện cháu bé mắc một bệnh lý rất hiếm gặp là vòng thắt mạch máu phổi gây chèn ép khí quản. (Từ chuyên môn gọi là pulmonary sling). 

Hình ảnh trên phim CT hiện rõ đoạn động mạch phổi trái xuất phát từ động mạch phổi phải, đi vòng sang phải, ra phía sau khí quản rồi ngoặt sang trái tạo ra một vòng thắt quanh khí quản, làm hẹp khí quản một đoạn dài khoảng 3,4cm, đường kính lòng trong khí quản chỗ hẹp nhất chỉ còn 3,7mm, trong khi đoạn bình thường phải có đường kính là 5,2mm. Vòng thắt này gây hẹp khí quản từ trong bào thai nên ngay từ lúc sinh tới thời điểm nhập viện cháu đã có triệu chứng khò khè tái đi tái lại.

Cháu B.H. đang tiếp tục được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tìm ra bệnh không ít khó khăn nhưng việc xử trí thế nào mới lại càng nan giải trong điều kiện hiện tại ở nước ta. Theo bác sỹ của BV Nhi Đồng 1, đã có một số bệnh nhi mắc phải bệnh lý này đã được tiến hành phẫu thuật trước đây nhưng đa phần là thất bại, tỉ lệ thành công chỉ 10 - 20%. Sau nhiều lần phẫu thuật, cuối cùng các bác sĩ đã quyết định dùng một ống nong động mạch chủ (stent mạch máu) để đặt vào khí quản cho bệnh nhi. Chọn lựa stent động mạch chủ trong trường hợp này vì nó đủ độ cứng để nong khí quản đã bị hẹp do mô xơ, đồng thời ống stent có thể nong tiếp khi đường kính khí quản lớn lên thêm khi cháu bé lớn lên.

Việc đặt stent được thực hiện tại phòng thông tim của BV Nhi Đồng 1. Các bác sĩ đã đưa đoạn ống vào ngay chỗ hẹp dưới hướng dẫn trên màn hình tăng sáng. Sau khi bơm bóng để nong chỗ hẹp lên đến 6mm, và stent được lưu lại ở đó. Bệnh nhi được cho thuốc an thần và thở máy trong 5 ngày để stent có thể giữ đúng vị trí ngay đoạn hẹp. Kết quả thật bất ngờ, sau khi tỉnh lại, cháu đã có thể tự thở tốt và cai máy thở. Ngày 4/9, thông tin từ BV cho biết, cháu đã được ngưng thở oxy, có thể bú và ăn được bột, chuẩn bị chuyển ra phòng thường.

Theo các bác sỹ Khoa Ngoại BV, việc thực hiện lấy stent mạch máu để đặt vào khí quản nhằm nong chỗ hẹp khí quản là một bước đi khá táo bạo vì chưa có nơi nào thực hiện kỹ thuật tương tự như vậy. Tuy nhiên, cháu B.H còn cần được theo dõi trong thời gian tới mới có thể đánh giá hiệu quả thật sự của phương pháp này

H.Nga
.
.
.