Anh thương binh 15 năm tìm mộ liệt sĩ

Thứ Năm, 18/01/2007, 14:09
Đã mười lăm năm qua, anh thương binh Trần Ngọc Doanh (57 tuổi), trú tại tổ 24, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, dành rất nhiều thời gian trở lại chiến trường xưa, tìm ra và trả lại tên tuổi cho hàng chục mộ liệt sĩ...

Sinh ra ở Đông Sơn, Thanh Hóa, năm vừa tròn 18 tuổi, anh Doanh nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Từ cuối năm 1973, anh Doanh được biên chế về đơn vị D471, Đặc công nước, Quân khu 5, chiến đấu ở mặt trận phía Tây Bắc Đà Nẵng nên vùng này anh thuộc nằm lòng.

Nơi nào xảy ra những trận đánh lớn giữa ta và địch, nơi nào chôn cất bộ đội hy sinh, anh đều biết rõ. Sau ngày đất nước hòa bình, nhất là lúc đã được nghỉ hưu, nỗi nhớ đồng đội một thời cầm súng đánh giặc đã hy sinh thôi thúc anh Doanh trở lại chiến trường xưa…

Cũng vì thế mà chuyện anh Doanh đi tìm mộ đồng đội đã lan xa khắp các tỉnh, thành trong nước. Từ đó, có rất nhiều người thân của những liệt sĩ chưa tìm được mộ tìm đến anh nhờ được giúp đỡ.

Mười lăm năm, cuốn sổ tay ghi chép thông tin về những liệt sĩ chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Khu V đang cần tìm kiếm của anh Doanh đã lên đến con số 550 trường hợp. Ngoài cuốn sổ tay, còn có một xấp giấy báo tử của các liệt sĩ, thư của người thân liệt sĩ gửi về cảm ơn anh đã giúp đỡ tìm được mộ cha, chồng, con…

Chị Diên là con gái của liệt sĩ Mai Công Mùi, hy sinh cuối năm 1969, nhưng hài cốt liệt sĩ Mùi mới được anh Doanh tìm thấy cách đây hơn bốn tháng. Chuyện chị Diên đi tìm hài cốt của cha, anh Doanh được nghe qua một người đồng đội khi họp mặt cán bộ, chiến sĩ Quân khu V trong dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Đà Nẵng.

Anh tìm đến Phòng Chính sách Quân khu V nhờ lục lại hồ sơ mới biết liệt sĩ Mai Công Mùi là lính của Trung đoàn 31, Sư đoàn 2. Nhưng, trong giấy báo tử ghi nơi liệt sĩ Mùi hy sinh: "Mặt trận phía Nam", nơi an táng là "Khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận".

Với những thông tin chung chung như thế nên anh Doanh quyết định lên huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nơi từng xảy ra nhiều trận đánh ác liệt giữa bộ đội Sư đoàn 2 với địch. Mất thời gian tìm kiếm nhưng không có kết quả.

Đến đầu tháng 8/2006, được biết, tại huyện Thăng Bình cũng xảy ra trận đụng độ nảy lửa giữa Sư đoàn 2 với địch, ngày, tháng xảy ra trận đánh trùng với ngày hy sinh của liệt sĩ Mùi.

Anh cùng người hàng xóm là ông Trần Văn Vĩnh tức tốc đi xe máy vào Huyện đội Thăng Bình. Tại đây, sau khi lục lại hồ sơ ghi chép về những trận đánh của Sư đoàn 2, họ được đưa về xã Bình Trị và thật không ngờ đã tìm ra mộ liệt sĩ Mùi…

Mười lăm năm trôi qua, anh Doanh một mình lặn lội trở lại chiến trường xưa tìm và xác định danh tính 34 liệt sĩ, giúp chính quyền địa phương cùng người nhà quy tập các anh từ chốn núi rừng đưa vào nghĩa trang, về lại với quê hương…

Có lần ghé chơi Trạm gác chắn đường sắt Nam đèo Hải Vân, nghe người gác chắn kể rằng, người ở địa phương cho hay trước ngày giải phóng 1975 có hai anh bộ đội hy sinh trên đỉnh đèo Hải Vân.

Thế là anh Doanh cất công tìm kiếm và cuối cùng xác định được các liệt sĩ đã hy sinh tên là Nguyễn Văn Điểu và Nguyễn Văn Biển, bộ đội Quân đoàn 2, quê ở Hải Phòng. Lần khác, nghe ông Hà Ngân ở làng Hòa Hiệp kể chuyện trận đánh tàu chiến giặc Mỹ trên vịnh Đà Nẵng có 5 bộ đội đặc công hy sinh, một người trôi vào bãi biển Nam Ô.

Mãi đến cuối năm 2006, ông Lê Hồ Điệp ở Kho vật tư làm nhà, đào móng, phát hiện một hài cốt bèn gọi anh Doanh đến. Và anh Doanh xác minh qua Đại tá Hồ Xuân Hòa, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 471, xác định được liệt sĩ Nguyễn Văn Tý, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An…

Thật cảm động, vợ anh Doanh là chị Cao Thị Ân, biết chuyện chồng đi tìm hài cốt đồng đội cũng hết lòng ủng hộ. Chị Ân bàn với chồng nên sử dụng đồng lương thương binh làm lộ phí cho mỗi chuyến đi, còn cuộc sống gia đình chị tần tảo kiếm thêm cho con ăn học.

Cứ thế, những cuộc hành trình tìm mộ đồng đội của anh Doanh đã đi qua mười lăm năm và vẫn đang tiếp tục bằng tấm lòng đầy nhiệt huyết của người lính năm xưa…

Long Vân
.
.
.