Ảnh hưởng từ dịch COVID-19: Doanh nghiệp vận tải chật vật duy trì hoạt động

Thứ Ba, 02/03/2021, 06:11
Việc bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 2 khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào tình trạng khốn đốn. Để trụ vững trước tác động của dịch bệnh, ngoài nỗ lực bản thân, các doanh nghiệp đang rất cần các giải pháp hỗ trợ thiết thực về nguồn vốn…


Ngành Đường sắt…lao dốc không phanh

Có lẽ chưa năm nào như năm nay, khách liên tục trả lại vé tàu. Thống kê sơ bộ, đến hết tháng 2 đã có trên 33.000 vé tàu bị trả lại, trị giá gần 30 tỷ đồng. Điều này khiến lãnh đạo ngành Đường sắt không khỏi lo lắng. Sự không mặn mà của hành khách khiến ngành Đường sắt đã phải cắt giảm nhiều đoàn tàu khách, để giảm chi phí và cắt lỗ.

Cụ thể, từ ngày 1/3 trên tuyến Bắc - Nam, chỉ còn 2 đôi tàu khách Thống Nhất chạy suốt và một số mác tàu chạy không thường xuyên. Không chỉ cắt giảm các toa tàu, ngành Đường sắt còn đưa ra nhiều chương trình giảm giá sâu. Cụ thể, hành khách mua vé cá nhân các đôi tàu SE3/SE4, SE7/SE8 có cự ly vận chuyển trên 900km và đôi tàu SE21/SE22 có cự ly vận chuyển trên 600km trước ngày đi tàu từ 5-9 ngày được giảm 5% giá vé; từ 10-19 ngày giảm 10%; từ 20-29 ngày giảm 20%; từ 30-39 ngày giảm 30%; từ 40-49 ngày giảm 40% và từ 50 ngày trở lên giảm 50%. Không áp dụng các mức giảm này đối với loại chỗ khoang 4 giường tàu SE3. Hành khách muốn đổi, trả vé giảm giá từ 20-50% sẽ phải chịu mức khấu trừ tương đương mức giảm và trả trước giờ tàu chạy 72 giờ…

Dịch bùng phát ở Hải Dương khiến phương tiện vận tải gặp khó trong lưu thông.

Chủ tịch của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, dù gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh phức tạp, lượng hành khách có nhu cầu trả vé tăng cao khiến ngành đường sắt gặp không ít khó khăn, song VNR vẫn duy trì chạy tàu trên các tuyến với công tác phòng dịch nghiêm ngặt, phục vụ người dân đi lại an toàn. Với tình hình như hiện nay, vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ đồng của Tổng công ty tại 2 Công ty cổ phần Vận tải Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất…

Mặt khác, nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quá thấp so nhu cầu, chưa tạo sức hút mạnh mẽ đối với nguồn vốn tư nhân bởi vậy các dự án đều kéo dài hoặc đình trệ, chưa có bước đột phá tạo đà cho bứt phá phát triển, thị phần của vận tải đường sắt ngày càng thu hẹp…

Vận tải đường bộ tìm mọi cách sống chung với dịch

Theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải tỉnh Hải Dương, sau khi dịch bùng phát đã có trên 100 đơn hàng xuất khẩu nông sản, tương đương 650 container loại 40 feet phải huỷ lịch tàu và huỷ hợp đồng. Điều này gây thiệt hại 100 tỷ đồng. Nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài, tổng thiệt hại ước tính lên đến trên 400 tỷ đồng.

Riêng lĩnh vực vận tải cũng bị ảnh hưởng lớn, khi nhiều đội vận tải hành khách thông tin, chỉ hoạt động 20-30% lượng phương tiện hiện có. Khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Vận tải và Hiệp hội Logistics cũng phản ánh, đã phải đi vòng để tránh vùng dịch khiến phát sinh thêm chi phí. Mức phí chênh lệnh đang từ 1-1,5 triệu đồng tùy tuyến đường.

 Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Hải Phòng - ông Khúc Hữu Thanh Hải cho biết, cơ cấu vốn của các doanh nghiệp vận tải đa phần là vốn vay tín dụng ngân hàng, do đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng xem xét mức giảm mức lãi suất (hiện mức lãi suất huy động của ngân hàng thì thấp nhưng cho vay lại cao). Nên giảm thuế VAT cho doanh nghiệp, VAT đầu ra và đầu vào của phương tiện, thuế trước bạ…

Cùng với đó, nên kéo dài niên hạn sử dụng cho phương tiện vì 2 năm qua nhiều phương tiện “đắp chiếu” vì nhiều xe đang hoạt động nhưng đến nay không hoạt động mà phải loại bỏ, vừa lãng phí vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện, vốn vay hoạt động của doanh nghiệp chiếm trên 80%, nguồn tiền để trả lãi vay và gốc sẽ căn cứ vào nguồn tiền thu hằng tháng. Nhưng hiện nay, do không thể kinh doanh nên doanh nghiệp không có nguồn chi trả.

Do đó, rất mong Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng chung tay với doanh nghiệp vận tải để tháo gỡ khó khăn. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải hàng hóa, trong văn bản gửi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã kiến nghị UBND TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương lựa chọn địa điểm đủ điều kiện làm nơi xử lý các biện pháp phòng chống dịch đối với lái xe, xe và hàng hóa; thực hiện việc đổi lái xe đủ điều kiện để điều khiển phương tiện vào địa bàn.

Đối với xe vận tải hàng xuất nhập khẩu vào các cảng của Hải Phòng, cần có quy định hành lang lưu thông của phương tiện; đăng ký danh sách lái xe đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch mới được điều khiển phương tiện.

Đặng Nhật
.
.
.