Ăn thịt cóc, uống nấm rừng chữa bệnh: Ngành Y tế không thể im lặng mãi

Chủ Nhật, 22/08/2010, 10:30

Sau khi Báo CAND điều tra thực tế phản ảnh người thật, việc thật đối với một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư gan, đã chữa lành bệnh bằng cách ăn gan và mật cóc ở tỉnh Quảng Bình, uống nước sắc từ nấm mọc trên gỗ lim xanh ở tỉnh Quảng Nam, đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
>> Sao chưa kết luật chuyện "bệnh nhân ăn cóc chữa ung thư"
>> Nhiều bệnh nhân thuyên giảm nhờ uống nước nấm rừng

Người dân cả nước đều trông mong ngành Y tế, bằng trách nhiệm của mình cùng với những trang thiết bị y tế hiện đại, nhanh chóng kiểm tra, phân tích xác định trong gan, mật cóc và nấm lim xanh có hoạt chất gì, khả năng chữa hết bệnh ung thư hay không để công bố rộng rãi cho mọi người đều biết. Thế nhưng, những người có trách nhiệm của ngành Y tế vẫn chỉ khuyến cáo thận trọng rồi im lặng một cách khó hiểu...     

Kết quả của việc “liều mình”...

Ở nước ta, bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng; nhất là bệnh ung thư gan được xếp vào danh sách 3 nước trên thế giới có tỉ lệ mắc bệnh hàng đầu, ước tính mỗi năm có khoảng 10 nghìn ca mắc bệnh mới.

Vì vậy, thông tin phản ảnh trên Báo CAND về một số trường hợp bị ung thư gan ở tỉnh Quảng Bình đã "liều mình" ăn cóc sống, ăn gan và mật cóc sống không bị ngộ độc chết; rồi chuyện một số thanh niên ở xã Tiên Hiệp, huyện miền núi Tiên Phước (Quảng Nam), sử dụng nấm trên cây gỗ lim xanh (thiết lim) mọc trong rừng sắc lấy nước uống chữa hết các căn bệnh hiểm nghèo mà họ mắc phải, như: Viêm gan siêu B, xơ gan cổ trướng, ung thư gan... đã khiến người dân cả nước hết sức quan tâm.

Anh Hoa (người thứ hai từ bên phải sang) đang giao mẫu nấm cho đoàn kiểm tra Sở Y tế tỉnh Quảng Nam.

Một số bệnh nhân bị bệnh ung thư gan ăn gan và mật cóc đã kéo dài được sự sống, có người đỡ bị cơn đau hành hạ, điển hình như trường hợp các chị Hồ Thị Hồng và Nguyễn Thị Lĩnh. Chị Hồng, trú tại phường Bắc Lý, Đồng Hới, Quảng Bình. Vào cuối năm 2008, chị Hồng khám ở Bệnh viện Trung ương Huế thì nhận được kết quả: ung thư vú và đã chuyển sang giai đoạn di căn.

Trong cơn tuyệt vọng, chồng chị đã bắt cóc đem đốt cháy, tán nhỏ rồi cho chị uống. Cứ như vậy, cho đến nay, chị Hồng vẫn sống khỏe. Còn chị Lĩnh, trú ở Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, tháng 6/2008, đi khám ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình), các bác sĩ chẩn đoán chị có một khối u ở trong gan. Sau đó, chị ra Hà Nội tới khám ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, các bác sĩ cũng xác định chị có một khối u hơn 4,8cm trong gan. Nhưng, về nhà chị được chồng là anh Kiền bắt cóc rồi lấy da, gan, mật rang cháy, tán nhỏ cho ăn.

Trung bình mỗi ngày chị Lĩnh ăn 2-4 bộ gan, mật, da cóc như vậy, song không bị ngộ độc gì cả. Hơn 1 tháng sau, chị tái khám và ngạc nhiên là khối u trong gan teo lại chỉ còn 3,7cm. Hiện nay, sức khỏe của chị Lĩnh bình thường... Những trường hợp bị ung thư gan ở Quảng Bình sử dụng gan, mật cóc để chữa bệnh xuất phát từ ông Mai Xuân Khởi, trú ở thôn Trung Thượng, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch.

Ông Nguyễn Như Chính xem một cây nấm do anh Hoa hái mang về.

Năm 2004, ông Khởi đến Bệnh viện Quảng Trạch siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán ông bị sán lá gan và xơ gan. Đến khi bệnh nặng, không chịu thấu những cơn đau hành hạ suốt ngày đêm nên ông Khởi quyết định nhai sống một con cóc để tự sát. Nào ngờ, ông không chết mà cơn đau có phần thuyên giảm.

Từ đó, ông Khởi bắt cóc mổ bụng lấy gan, mật cóc nuốt sống. Lúc đầu, mỗi ngày ông ăn từ 10 đến 15 bộ gan, mật cóc sống, sau đó giảm dần xuống ngày 3-5 con. Nhờ vậy, ông Khởi kéo dài tuổi thọ thêm được gần 6 năm trời, đến ngày 19/4/2010 ông mới mất...

Thiếu tiền hay thiếu trách nhiệm?

Trở lại chuyện một số thanh niên ở xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, sử dụng nấm trên cây gỗ lim xanh sắc nước uống chữa hết những căn bệnh hiểm nghèo mà họ mắc phải, như: Viêm gan siêu B, xơ gan cổ trướng, ung thư gan... Ngay sau khi phát hiện sự việc, PV Báo CAND tiếp xúc với những người sử dụng nấm rừng chữa bệnh tìm hiểu, đặc biệt là căn cứ vào giấy khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cho thấy rõ ràng họ mắc các chứng bệnh hiểm nghèo là có thật. Lúc đầu, những người uống nước sắc từ nấm chỉ biết, họ hái nấm mọc từ thân gỗ mục của loài cây có lá giống lá phượng vĩ, song to và sẫm hơn ở khu vực rừng Suối Bùn, Nà Cau, Tiên Phước.

Để tìm hiểu đó là loại cây gì, PV Báo CAND đã theo chân những người hái nấm vào rừng, hái lá mang về gặp những người có trách nhiệm của ngành Kiểm lâm Tiên Phước, mới hay đó là cây lim xanh, còn gọi là thiết lim, thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae), có tên khoa học là Erythrophloeum fordii Oliv.

Sau đó, để tìm hiểu dược tính của nấm mọc trên thân gỗ cây lim xanh, PV Báo CAND đã trực tiếp liên hệ với một số nhà khoa học chuyên nghiên cứu về nấm linh chi, như TS Ngô Anh, Trưởng phòng Thí nghiệm thực vật, Khoa Sinh học Trường Đại học Khoa học Huế, được ông giải thích: Trên thân cây gỗ lim, trong đó có lim xanh thường mọc nấm cổ linh chi, còn gọi là linh chi đa niên, rất quý hiếm, vì nó có giá trị dược liệu cao.

Đây là vị thuốc Nam quý, sắc uống có thể tăng miễn dịch cho cơ thể, có tác dụng giải độc trong cơ thể, chữa được một số bệnh về gan, loét dạ dày, tiểu đường... Tuy nhiên, trên gỗ lim xanh trong tự nhiên có rất nhiều loài nấm khác mọc, trong đó có các loài nấm rất độc, nên không nên tùy tiện sử dụng…

Còn PGS-TS Nguyễn Thị Chính, Giảng viên chính bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), thành viên mạng lưới nấm quốc tế, Giám đốc Trung tâm sản xuất và ứng dụng các sản phẩm từ nấm và vi khuẩn, thì cho rằng, trong số loài nấm mọc từ gỗ lim nói chung và lim xanh nói riêng, có nấm linh chi, giá trị dược liệu cao.

Song, nấm linh chi mọc trong tự nhiên có hoạt tính dược liệu nhiều hay ít cũng còn tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… và muốn để có tác dụng hỗ trợ chữa các bệnh về gan thì phải sử dụng kết hợp với nhiều loại nấm khác...

Trước sự chậm trễ của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, chúng tôi bèn liên hệ qua điện thoại với anh Nguyễn Đình Hoa (34 tuổi), trú ở thôn 5, xã Tiên Hiệp, Tiên Phước là người đầu tiên uống nước nấm sắc từ cây lim xanh chữa hết bệnh Viêm gan siêu B, thì anh Hoa cho hay, chỉ bán nấm giá 5 triệu đồng/kg và sẵn sàng hợp tác khi đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đến tận nơi.

Nghe chúng tôi phản ảnh lại, ông Chính tỏ vẻ mừng rỡ, báo cáo với Giám đốc Sở Y tế - bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, thành lập ngay đoàn kiểm tra lên đường. Ông Chính cũng không quên mời cán bộ Trung tâm Truyền thông của Sở Y tế mang máy ảnh, máy quay phim theo để chụp ảnh, ghi hình "người thật, việc thật" để làm tài liệu tuyên truyền. Trên đường đi, ông Chính rất phấn khởi nói rằng, 5 triệu đồng/kg nấm thì Sở Y tế mua liền để gửi ra Hà Nội phân tích...

Nhưng khi tới nhà anh Hoa tìm hiểu cụ thể thì ông Chính đại diện đoàn kiểm tra nói rằng, không thể lấy nấm mà anh Hoa đã sắc nhỏ, phơi khô mà phải là nấm còn nguyên mũ, nguyên thân và đòi hỏi anh Hoa phải tìm nấm làm mẫu để cung cấp cho ngành Y tế phân tích, mỗi loại 5kg. Sau đó, ông Chính và đoàn cán bộ kiểm tra đã mang một số mũ nấm mà anh Hoa giao cho làm mẫu đưa đi phân tích ra về.

Vậy, có phải do thiếu tiền để mua mẫu nấm rừng mà người dân sắc nước uống chữa hết bệnh hiểm nghèo để phân tích thành phần hóa học; thiếu các nhà khoa học có đầy đủ trình độ kinh nghiệm và thiết bị y tế hiện đại để lý giải câu hỏi vì sao, gan và mật cóc chứa độc tố gây chết người, song những người bị bệnh ung thư gan sử dụng thì kéo dài sự sống... nên ngành Y tế cố tình im lặng? Hay do một số người trong ngành Y tế thiếu trách nhiệm trước việc người dân dùng gan, mật cóc; dùng nấm mọc trên cây lim xanh có thể chữa hết các chứng bệnh hiểm nghèo?

Sau khi Báo CAND có loạt bài phản ảnh về các trường hợp bệnh nhân ung thư gan ở Quảng Bình ăn gan, mật cóc kéo dài sự sống thì Bộ Y tế có 2 công văn "khẩn" (ngày 24/6/2009) và "thượng khẩn" (ngày 29/6/2009) do Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ký, khuyến cáo: Việc ăn cóc sống với mục đích chữa ung thư là chưa có cơ sở. Chưa có báo cáo khoa học tại Việt Nam và thế giới về hiệu quả chữa bệnh của các chế phẩm từ cóc sống.

Việc này sẽ được tiến hành thực nghiệm một cách nghiêm túc tại các cơ sở khoa học bởi các nhà khoa học có trình độ kinh nghiệm hàng đầu của Việt Nam. Đề nghị, các sở y tế, các cơ quan truyền thông, báo chí khẩn trương thông báo tới các cơ sở y tế và người dân không được sử dụng việc ăn cóc sống với mục đích chữa bệnh.

Vì, ngộ độc do ăn cóc được y văn thế giới và Việt Nam khẳng định, thực tế đã, đang và vẫn luôn là nguy cơ xảy ra hàng ngày tại nước ta; ngộ độc do ăn cóc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đã gây chết người... Sau đó, Bộ Y tế cũng thành lập đoàn kiểm tra các trường hợp ăn gan, mật cóc để chữa bệnh ung thư gan ở Quảng Bình và im lặng cho tới nay...

Trả lời phỏng vấn của PV Báo CAND, bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch và dược sĩ Nguyễn Như Chính (Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) đều cho rằng, việc kiểm tra, phân tích nấm mọc trên cây lim xanh có tác dụng chữa hết bệnh hiểm nghèo hay không phải nhờ tới Viện Dược liệu TW và Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm Quốc gia...

Vì các đơn vị này mới có máy móc thiết bị y tế hiện đại. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam "hứa" sẽ nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu gửi đi phân tích công bố rộng rãi cho mọi người dân đều biết, sự việc vẫn đi vào im lặng. Những người mắc bệnh hiểm nghèo trong Nam, ngoài Bắc không chờ đợi được nên "liều mình" đổ xô về Tiên Phước tìm mua nấm chữa bệnh...

Ngày 9/8, trở lại Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thì chúng tôi được Phó Giám đốc Nguyễn Như Chính trả lời... trớt quớt rằng, do bận quá nhiều việc nên chưa kiểm tra thực tế; rằng do nấm người dân vào rừng hái mang về bán giá 70 triệu đồng/kg nên không có kinh phí để mua lấy mẫu gửi Viện Dược liệu TW và Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm Quốc gia... phân tích thành phần hóa học của nó. Vì thế, Sở Y tế dự định họp lãnh đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên uống nước nấm mọc trên cây lim xanh để chữa bệnh(?!).

Long Vân - Sông Lam
.
.
.