An ninh hàng hải - vấn đề cần được coi trọng
Quốc hội đã dành toàn bộ buổi chiều ngày làm việc thứ 22, tuần thứ 4 để thảo luận về Dự thảo Bộ luật Hàng hải. Đây được đánh giá là một bộ luật lớn(với 19 chương, 253 điều), rất quan trọng, chứa đựng nhiều vấn đề pháp lý cụ thể điều chỉnh các mối quan hệ bang giao trong nước và quốc tế về các lĩnh vực an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và khai thác biển.
Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) lần này đã dành hẳn một mục (Mục 3) của chương II để nói về các quy định an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Theo đó, khi hoạt động tại các vùng nước thuộc nội thuỷ và lãnh hải của Việt Nam, tàu biển phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập về bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Điều 24 của dự thảo về điều tra tai nạn hàng hải, quy định Giám đốc Cảng vụ hàng hải thực hiện việc điều tra tai nạn hàng hải. Trong quá trình điều tra tai nạn hàng hải, nếu phát hiện dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải sẽ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quy định.
Góp ý vào nội dung dự thảo, đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) cho rằng, dự thảo Bộ luật mới chỉ điểu chỉnh những vấn đề pháp lý liên quan tới cảng trong đất liền, còn những cảng nổi thì chưa thấy nhắc đến. Với địa hình bờ biển và vị trí địa lý của nước ta thì sự hình thành cảng nổi ngoài khơi để tiến tới đón những tàu có trọng tải lớn trên đường giao thương trong nay mai là điều tất yếu, không lẽ đến khi đó mới lại sửa luật?
Ông Phú cũng đề cập đến những băn khoăn của các doanh nghiệp là thủ tục ra vào cảng rất phiền hà, mất nhiều thời gian và tiền bạc. "Tàu ra vào cảng phải trải qua quá nhiều công đoạn, từ cảnh sát biển, kiểm tra liên ngành, hoa tiêu, cảng vụ... vừa tốn tiền vừa giảm sức thu hút, cạnh tranh của cảng Việt
Tiếp theo ý kiến của đại biểu Hoàng Thanh Phú, đại biểu Trần Đắc Sửu (Hải Phòng) cho rằng, những quy định về cảng biển trong dự thảo Bộ luật lần này vẫn còn mang nặng tính bao cấp của Nhà nước. Xây dựng hay cải tạo cảng biển đều do Nhà nước bỏ tiền chứ chưa chú ý tới kêu gọi nguồn lực đầu tư từ tư nhân và các tổ chức khác. Theo ông Sửu thì việc Nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cảng biển, rồi sau đó giao cho các doanh nghiệp Nhà nước quản lý hiệu quả không cao. Đối với những cảng biển không có vị trí quan trọng về an ninh quốc gia, nên đấu thầu cho thuê cảng biển, kể cả đầu tư nước ngoài để khai thác, kinh doanh sẽ có hiệu quả hơn.
Cũng về vấn đề khai thác cảng biển, đại biểu Trần Quang Khuê (Khánh Hòa) cho biết, đối với nhiều nước, hoa tiêu hàng hải là một hoạt động sinh lời tốt, đem lại nhiều kinh phí cho cảng. Tuy nhiên, ở ta chưa chú trọng điều này. Ngoài ra, còn có một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ chế đối xử giữa tàu Việt Nam và tàu nước ngoài, về giới hạn trách nhiệm của chủ tàu và người vận chuyển, về thanh tra hàng hải và xử lý tai nạn hàng hải...
Thứ hai, ngày 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quốc phòng