An ninh, an toàn hàng không, đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Thứ Ba, 29/07/2014, 09:23
Ngày 28/7, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban.

Cùng tham dự còn có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban; Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng các ủy viên Ủy ban là đại điện các Bộ Nội vụ, Tư pháp, Bộ Công an… và đại diện lãnh đạo của các hãng hàng không. Chỉ trong một buổi sáng, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn chỉ rõ những nguy cơ mất an ninh, an toàn hàng không; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, khắc phục trong thời gian tới.

6 tháng, tăng tới 95% số vụ việc vi phạm an ninh hàng không

Mở đầu hội nghị, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam báo cáo, 6 tháng vừa qua, cả nước đã xảy ra tới 145 vụ việc vi phạm an ninh hàng không, tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2013 (95,9%). Trong đó, hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định  là 62 vụ; hành khách sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay tăng 35 vụ (583%), chủ yếu là vì mục đích kinh tế, lấy xác nhận không đúng của chính quyền cấp xã phường để sử dụng giá rẻ; hành khách tung tin có bom, vật liệu nổ 7 vụ (6 tháng đầu năm 2013 không xảy ra vụ nào), đều do sự thiếu ý thức của hành khách khi đi tàu bay. Trong tổng số 145 vụ việc về an ninh, có 3 vụ là do nhân viên hàng không gây ra.

Cũng trong khoảng thời gian này, đã có 173 sự cố liên quan đến an toàn hàng không xảy ra, tăng 32 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn mức E và D tăng hơn 25,7%, tuy nhiên số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao, nghiêm trọng mức C và B giảm 20%.

Chưa dừng lại ở đó, người đứng đầu Cục Hàng không còn đưa ra thông tin: Tính từ đầu năm đến gần cuối tháng 7, các hãng đã thực hiện 85.000 chuyến bay, nhưng tỷ lệ chậm, hủy chuyến là 24,1%. Trong đó, VNA chậm chuyến là 12,3% (tăng 2,4 điểm), hủy chuyến là 2,9% (không tăng); chậm chuyến nhiều là VJA, JPA 40,4% thấp nhất là Vasco, tình trạng chậm chuyến là 10,2% (giảm 2,7 điểm), hủy chuyến là 7,5% (tăng 5,4 điểm). Dù tình trạng chậm hủy chuyến tăng cao, song theo như ông Lại Xuân Thanh báo cáo, thì “về cơ bản, hành khách đi tàu bay thông cảm và chia sẻ với ngành Hàng không về những khó khăn trước tình trạng chậm, huỷ chuyến bay”?!

Vì sự an toàn của những chuyến bay, công tác an ninh, an toàn hàng không được đặt lên hàng đầu. Ảnh minh họa.

Sau khi nghe Cục Hàng không báo cáo tình hình, hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, vấn đề an ninh, an toàn hàng không còn có những lỗ hổng. Trong đó, một phần là do việc phối hợp chưa tốt giữa các đơn vị quản lý, các hãng hàng không, phần khác là do sự thiếu ý thức của hành khách như việc nói đùa có bom; tò mò tự ý mở cửa thoát hiểm, lôi áo phao ra khỏi vị trí quy định… Còn quá nhiều tồn tại trong an ninh, an toàn hàng không, nên chúng ta cần chú trọng. Đặc biệt liên quan đến 145 vụ vi phạm an ninh hàng không. Không thể để tăng đột biến như vậy, vì vậy cần có những giải pháp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các đại biểu chú trọng vào vấn đề chính.

Không thể lơ là với an ninh, an toàn hàng không

Theo định hướng của Phó Thủ tướng, đại diện Tổng cục An ninh (Bộ Công an) chỉ rõ, chúng ta đang có lỗ hổng từ việc kiểm soát tại sân bay như việc kiểm soát ma túy, hàng không thì nói không có chức năng phát hiện ma túy, chỉ phát hiện chất nổ thôi. Đã là an ninh, an toàn thì không nên đưa ra lý do. Vì thế, cần phải tính toán lại trong việc phối hợp giữa lực lượng Hải quan, Hàng không và Công an, để an ninh được siết chặt hơn. Lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) thì nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền về an ninh hàng không và khung kháp lý chưa được thật sự tôn trọng trong tất cả cộng đồng từ người khai thác đến người sử dụng. Ví dụ như việc nói đùa, giật cửa thoát hiểm… phải xử lý nghiêm, phạt nặng, có thể phải đưa ra truy tố, chứ không nên nương nhẹ. 

Hành khách chờ đợi tại sân bay vì chuyến bay chậm giờ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng bày tỏ quan điểm: “Phải lên án các hành động vi phạm an ninh hàng không như mở cửa thoát hiểm, nói đùa có bom… Quan điểm của tôi là: “Thu tiền phạt ít thôi, nhưng tăng thời gian cấm bay”. Thực hiện nghiêm với người gây uy hiếp an toàn bay với người quản lý bay như kiểm soát viên không lưu, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu sự cố là nghiêm trọng”.

Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cũng đưa ra đề xuất: Cần nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, trước hết là Cục Hàng không và các hãng; khẩn trương đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Hàng không, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề an ninh hàng không. Bộ GTVT cùng Bộ Quốc phòng khẩn trương rà soát quy hoạch phòng chờ tại các sân bay, sao cho kết hợp khai thác được hiểu quả nhất, mà vẫn đảm bảo an ninh hàng không. Làm sao rút ngắn đường bay, sử dụng vùng trời thực sự có hiệu quả. Thứ 4, cần xử lý nghiêm cơ quan quản lý nhà nước và các cá nhân hành khách vi phạm. Khi sự cố xảy ra, phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, chứ không nên xử lý nửa vời.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tỏ ra quan ngại về số vụ vi phạm an ninh, an toàn hàng không mà Cục Hàng không báo cáo. Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Trong 145 vụ việc liên quan đến an ninh hàng không, tăng đột biến như thế, chúng ta phải thật suy nghĩ. Trong đó có tới hơn 40 vụ liên quan đến vũ khí. Trước con số này, chúng ta phải đặt câu hỏi: Vậy Việt Nam có phải là một nơi dễ dãi trong việc vận chuyển vũ khí? Chúng ta đang thiếu thiết bị hay còn lỗ hổng? Phải chăng công tác xử lý của chúng ta chưa nghiêm? Phải phân tích kỹ, thì mới đưa ra được giải pháp đúng. Nếu chẳng may một vụ xảy ra, thì không biết bao nhiêu năm nữa chúng ta mới lấy lại được hình ảnh. Nếu chúng ta coi những việc trên là bình thường thì không bao giờ khắc phục được. Vì thế, các doanh nghiệp  phải thấy rằng riêng việc chậm, hủy chuyến, cung cấp dịch vụ chưa xứng đáng với đồng tiền mà hành khách bỏ ra. Bởi vậy tôi đề nghị, từ giờ đến cuối năm, phải chuyển biến về an ninh an toàn hàng không, từ việc chậm hủy chuyến nghiêm trọng, thành ít nghiêm trọng. Tôi yêu cầu, mỗi hãng hàng không, Cục Hàng không… có kế hoạch hành động để khắc phục. Chỉ khi chúng ta tự nhìn thấy mình còn yếu kém,thì mới đưa ra được các biện pháp khắc phục. Đồng thời, đề nghị Bộ Công an thành lập Đồn Công an, tuần tra kiểm soát thường xuyên…

Về công tác kiểm tra, cuối năm đoàn của ủy ban sẽ tiếp tục kiểm tra chéo các sân bay, hãng hàng không, để xem chất lượng dịch vụ. Nếu không kiểm tra thường xuyên, sẽ khó khắc phục tồn tại. Về cơ sở hạ tầng liên quan đến an ninh, an toàn hàng không, phải có mọi giải pháp để đầu tư, không thể tiếc được. Chúng ta không còn cơ hội để rút kinh nghiệm đâu, đừng để tình trạng mất bò mới lo làm chuồng. Chúng ta đang có hình ảnh về hàng không Việt Nam tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, nên phải hành động, phải nâng cao trách nhiệm, khắc phục hạn chế trong thời gian tới”. 

Thẳng thắn đi vào vấn đề, Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị: Cục Hàng không, các hãng hàng không báo cáo còn nhiều chủ quan, tình hình thế này mà nhiều hãng vẫn đánh giá là tốt à? Báo cáo của Cục nói: “Cơ bản hành khách chia sẻ với việc chậm, hủy chuyến”  là quá chủ quan. Bởi bản thân tôi hằng ngày vẫn nhận được tin nhắn phản ánh, chủi bới của hành khách suốt. Các anh (Cục Hàng không Việt Nam - PV) nói vậy là thờ ơ, và coi thường lãnh đạo. Các anh “chưa thấy quan tài, chưa nhỏ lệ”, đừng để sự việc xảy ra rồi mới lo xử lý. Các hãng còn đổ lỗi do nguyên nhân này nọ, thì chưa phát triển, chưa khắc phục được. Không thể đổ lỗi tất cả do thời tiết, do tăng trưởng nóng. Còn suy nghĩ như vậy, thì còn tiếp tục chậm, hủy chuyến.

Thanh Huyền
.
.
.