An Giang mùa nước nổi

Thứ Bảy, 05/11/2011, 19:57
Đến An Giang mùa nước nổi, du khách có thể thưởng thức món gỏi tôm tươi với ngó sen ăn mát cả ruột gan sau những chuyến đi nắng cháy, hoặc chiều mưa ngồi bên món "lẩu mắm" thơm lừng bốc khói vừa ăn vừa xuýt xoa bởi ớt cay, để tận hưởng hương vị đậm đà của cá đồng hòa quyện với nhiều loại rau xanh mùa nước nổi.

Với những nỗ lực đầy sáng tạo nhằm thích nghi với thiên nhiên để vượt khó, để tồn tại, dường như con người đang chiến thắng và đang tận hưởng xứng đáng thành quả từ nguồn lợi mà mùa nước mang lại. Trong đó, khai thác dịch vụ du lịch mùa nước nổi vốn là một thế mạnh và An Giang là một trong số các tỉnh thành ĐBSCL chiếm nhiều lợi thế.

Mặc dù ĐBSCL có nhiều tỉnh, thành cùng bước vào mùa nước nổi và tuy thời gian có chênh nhau đôi chút, nhưng An Giang lại có nhiều đặc điểm riêng không trùng lắp, do có rất nhiều ưu thế đặc thù.

Đó là cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những loài cây đặc trưng như rừng tràm, điên điển, rau nhút, thốt nốt... Đó là những món ăn dân dã mùa nước nổi được xếp vào loại đặc sản với đầy đủ yếu tố: tươi ngon, bổ dưỡng từ nguồn tôm cá dồi dào. Đó là các lễ hội dân gian sinh động, mang đậm nét văn hóa truyền thống Nam Bộ… Tất cả hợp thành một bức tranh sống động, vừa hoành tráng, vừa thân thiết gọi mời, để ai đã một lần đến đây sẽ tìm được cho mình chút gì đó để nhớ, để thương…

Nếu bạn có dịp đến rừng tràm Trà Sư mùa này thì chuyến đi quả thật là một điều kỳ thú khi có dịp nhìn ngắm đồng bằng và rừng tràm đắm mình trong biển nước. Vào lúc hoàng hôn sắp tắt, nắng chiều xuyên cành lá ngang qua rừng tràm như những mảng vàng dát trên thảm lụa màu xanh ngọc bích - màu đặc trưng của mặt nước rừng tràm bởi những khóm bèo li ti dày đặc.

Vẳng trong làn gió nhẹ là tiếng xao xác của chim chóc gọi bầy kéo nhau về tổ. Trên những tán lá rừng, có muôn nghìn tổ chim lúc lỉu. Được ngành kiểm lâm bảo vệ, đàn chim ở đây với hàng trăm loài tự do sinh sôi nảy nở, và dường như chỉ biết đến cuộc sống an bình. Chúng bay lượn trên khung trời tự do của mình như những chủ nhân thật sự làm hoạt náo cả khu rừng. Đó đây, cảnh chim mẹ âu yếm mớm mồi cho con, cảnh những đôi uyên ương chăm chút rỉa lông, tỉa cánh cho nhau, cảnh đùa giỡn đuổi bắt giữa những chú chim non vừa mới lớn… gợi lên hình ảnh cuộc sống vừa sôi động vừa ấm áp, thân thương.

Cảnh đẹp mùa nước nổi của An Giang không chỉ có thế. Bởi hiện tại, với đề án tạo việc làm cho nông dân kiếm thêm thu nhập, những cánh đồng nước An Giang bây giờ đã chuyển mình.

Nhiều nơi nông dân khai thác mặt nước để trồng sen, bông súng, nuôi tôm, cá, tạo nên bức tranh quê trong mùa nước nổi hết sức sinh động. Nhất là ở xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú), người dân đóng cừ tràm trên ruộng để trồng rau thủy sinh, tạo nên những mảng xanh đầy sức sống trùm lên ruộng nước. Hoặc thăm những đầm sen, bông súng rải rác ở khắp nơi, mà nhiều nhất là Thoại Sơn và ở rừng tràm Trà Sư. Đến đó, hẳn du khách sẽ vô cùng thích thú khi được ngắm nhìn những đài sen tinh khiết vượt lên mặt nước trổ hoa, hoặc những khóm bông súng Nhật Bản hồng tươi làm ấm cả một góc đồng nước rừng tràm…

Đáng kể nữa là những món ăn đặc sản mùa nước nổi của An Giang. Bất kỳ là ở một nhà hàng sang trọng, hay một quán lẻ bình dân, du khách đều có thể thưởng thức những món ngon đặc sản như nhau. Đó có thể là món gỏi tôm tươi với ngó sen ăn mát cả ruột gan sau những chuyến đi nắng cháy, hoặc chiều mưa ngồi thưởng thức món "lẩu mắm" thơm lừng bốc khói vừa ăn vừa xuýt xoa bởi ớt cay, để tận hưởng hương vị đậm đà của cá đồng hòa quyện với nhiều loại rau xanh mùa nước nổi. Hoặc dân dã hơn như món bông súng, điên điển bóp xổi ăn với cá linh kho lạt, món cá lóc chườm đất sét nướng trui, ốc hấp lá sả…

Một món ăn đặc sắc rất nổi tiếng nữa là món bún cá Châu Đốc, được nấu từ cá lóc với ngãi bún và mắm cốt từ cá linh, sặc. Nhiều người nghiện ăn bún cá Châu Đốc cho rằng không thể tìm ở nơi khác thứ hương vị đậm đà này, cho dù được chế biến bởi nguyên liệu giống nhau.

Bữa ăn đậm đà hương vị đồng quê.

Mùa nước nổi sẽ là bước chuyển tiếp để An Giang đón khách sau khi kết thúc mùa lễ hội Vía Bà. Bởi tiếp theo đó, nhiều lễ hội khác đã diễn ra trùng hợp với thời gian này. Trong đó, có những lễ hội diễn ra trên sông nước như đua thuyền, hoặc trên cạn như đua bò… Vào tháng 9 âm lịch, tại hai huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên, lễ hội đua bò Bảy Núi diễn ra với không khí hào hứng, vui tươi nhân dịp Tết cổ truyền Dolta của đồng bào dân tộc Khơme đã thu hút hàng vạn lượt khách trong, ngoài tỉnh và ngày càng tạo được tiếng vang lớn, gây sự chú ý của nhiều du khách trong và ngoài nước. Từ đây, đã đặt nền tảng để các hãng du lịch lữ hành chào tour, đón khách.

Từ lâu Sở Du lịch An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang đã hợp tác thành tam giác du lịch và có kế hoạch liên kết với ngành du lịch Thái Lan, Campuchia để khai thác các tour du lịch liên hoàn. Trong đó, tạo điểm nhấn vào các dịch vụ du lịch mùa nước nổi kết hợp với khám phá những nét đẹp của vùng Thất Sơn kỳ vĩ; tôn vinh những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khơme tại An Giang thông qua các lễ hội truyền thống, phát triển các sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ và khai thác khía cạnh văn hóa ẩm thực để thu hút du khách…

Nguyễn Hoàng Đại
.
.
.