Quản lý vận tải container – lời giải hiệu quả:

Ám ảnh từ những vụ tai nạn giao thông

Thứ Hai, 19/08/2013, 10:00
Tuy xe container đã đạt được những hiệu quả trong hoạt động vận tải, tuy nhiên những hậu quả xe container gây ra là rất đáng lo ngại. Số liệu thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 14.491 vụ, làm chết 4.913 người, bị thương 14.682 người. Trong đó, TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ôtô vận chuyển hàng hóa chuyên dùng như container, xe sơ-mi rơ-moóc có chiều hướng ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng tại TP Hải Phòng, đã có tới trên 60% các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên QL5, QL10 và các tuyến giao thông nội đô trên địa bàn Hải Phòng đến từ các "hung thần" container.
>> Bài 1: Phương tiện chủ lực chở hàng từ cảng biển

“Hung thần” xa lộ mang tên… container

Mật độ xe kéo container chạy dày đặc trên đường, riêng cảng container lớn nhất cả nước là Cát Lái (TP HCM) hằng ngày đã có từ 13 - 15 ngàn lượt xe, chủ yếu là xe đầu kéo chở container ra vào khiến tai nạn do loại phương tiện này gây ra không ngừng tăng lên tại các tuyến quốc lộ. Vụ tai nạn thảm khốc nhất liên quan đến xe container xảy ra sáng 2/6/2008 tại QL1A chạy qua huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã khiến 17 người bị chết và hàng chục người bị thương.

Sau TNGT đặc biệt nghiêm trọng này, các lực lượng tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự về giao thông cả nước mới giật mình nhận ra rằng: Chiếc xe đầu kéo chở 2 container hàng loại 20 feet gây tai nạn thảm khốc cho xe khách đã lợi dụng vỏ container để đóng hàng rời, dễ xô lệch là đạm urê. Cú va chạm mạnh giữa xe khách với xe đầu kéo đã khiến đạm đóng trong container bị xô lệch, 2 container phía sau xe đầu kéo văng ra, lật úp và đè bẹp toàn bộ phần thân xe khách mới khiến nhiều người chết và bị thương như vậy.

Ngày 11/5, cũng trên tuyến QL1A thuộc địa bàn này đã tiếp tục xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe container và xe khách, làm 7 người chết tại chỗ và 10 người bị thương nặng. Đáng chú ý có những ngày như ngày 27/7, tại thành phố đã xảy ra 2 vụ xe đầu kéo chở container tự gây tai nạn làm nhiều người đi đường hoảng loạn.

Sáng 1/8, chiếc xe đầu kéo chở theo container hàng 40 feet đã lao qua làn đường ngược chiều lủi vào giữa 2 căn nhà trên đường Hoàng Văn Thụ (TP HCM), nhưng 10 người trong đó đã may mắn thoát nạn. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP HCM, hằng năm số vụ TNGT, số người chết và bị thương do xe tải nặng, xe container gây ra hoặc liên quan đến các loại phương tiện này luôn xếp ở tốp đầu.

Xe chở container gây tai nạn rồi đâm vào nhà dân ven đường tại TP HCM.

Khảo sát của chúng tôi dọc trên tuyến QL5 cho thấy, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe container chở hàng từ Hải Phòng về Hà Nội và theo chiều ngược lại. Nhìn những chiếc xe container to kềnh càng dài hàng chục mét, trọng lượng xe chưa tính hàng hóa đã nặng hơn hai mươi tấn, vừa chạy vừa lắc lư trên đường như rắn đang trườn, bất kể người đi đường nào cũng nhận thấy rõ sự nguy hiểm của loại xe khủng này. Xe chạy tốc độ cao, chỉ cần người lái mất tập trung có thể khiến chiếc xe văng ra khỏi trục đường đang chạy và khiến các phương tiện tham gia giao thông khác trên đường gặp nguy hiểm.

Ngày 7/3, trên địa bàn TP Hải Phòng đã xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Trong lúc điều khiển xe container BKS 16L-0485, kéo theo rơ-moóc, lái xe Cao Huy Hoàng, 27 tuổi, ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng không làm chủ được tay lái đã gây tai nạn làm hai người đi xe máy thiệt mạng.

Đi tìm nguyên nhân xảy ra những vụ TNGT

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Vũ Văn Giới, Trưởng phòng Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng và Thượng tá Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ những vụ tai nạn xảy ra liên quan đến xe container, có thể thấy, tuổi của các lái xe container còn rất trẻ, chưa đủ độ "cứng", cũng như kinh nghiệm dày dạn để điều khiển loại phương tiện này.

Một thực trạng đáng báo động là phần lớn các lái xe container không đảm bảo được quy định về lái xe an toàn như có nhiều lái xe uống rượu, có biểu hiện sử dụng chất kích thích, không đủ sức khỏe để lái các loại xe siêu trường, siêu trọng như xe container. Cùng với đó là ý thức chấp hành luật lệ giao thông của các lái xe container bị xem nhẹ, dẫn đến những vi phạm gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và người đi đường.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, đối với các loại xe chuyển tải container chạy trên QL5 chỉ được phép chạy tối đa 50km/h. Thực tế, ít lái xe chấp hành quy định, vào ban đêm, lái xe container thường chạy quá tốc độ cho phép. Trong điều kiện tuyến QL5 nhiều đoạn đường không có đèn chiếu sáng, chưa kể trên toàn tuyến có tới hơn 100 điểm cắt ngang, nút giao thông... xe container khi chạy quá tốc độ, lái xe khó kiểm soát được nên dễ gây tai nạn.

Luật Giao thông đường bộ quy định rõ, thời gian làm việc của lái xe không được quá 10 giờ trong một ngày và lái xe không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế của nhóm phóng viên chúng tôi tại nhiều tỉnh, thành phố có đông mật độ xe container hoạt động cho thấy, đặc thù của loại hình vận chuyển bằng xe container là vận chuyển đường dài nên thời gian làm việc của các lái xe luôn vượt quá thời gian quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng vận hành phương tiện của các lái xe. Để tiết kiệm chi phí, các chủ xe thường chỉ sử dụng một lái xe trên suốt hành trình, lái xe dù mệt mỏi vẫn phải cố phóng nhanh, vượt ẩu nhằm kịp giao, nhận hàng hóa dẫn tới tai nạn.

Để tăng cường kiểm soát với xe container chở quá tải, theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP HCM, cần phải có sự hợp tác của các cảng và đơn vị bốc xếp hàng hóa trong việc xếp hàng đúng tải trọng xe. Trước tình trạng xe container gây tai nạn thảm khốc, đã có nhiều ý kiến đề nghị tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế gây tai nạn nghiêm trọng.

“Khi cấp đổi bằng lái FC cần yêu cầu thử cả máu để kiểm tra, phát hiện tài xế xe đầu kéo sử dụng ma túy. Đồng thời hiệp hội cũng đã vận động các doanh nghiệp vận tải container bằng xe đầu kéo cam kết kiên quyết không tiếp nhận tài xế vi phạm sau khi bị doanh nghiệp khác sa thải”, ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM đề nghị.

Đẩy lùi hiểm họa từ xe container trên toàn quốc đang là bài toán khó. Nhưng suy cho cùng, cốt lõi của vấn đề vẫn là có hay không sự ra tay quyết liệt của lực lượng quản lý chức năng và ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của chủ hàng, chủ phương tiện và đội ngũ những người lái xe.

Theo thống kê, cả nước có 314 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và 463 cơ sở đào tạo lái xe môtô thuộc các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương quản lý. Trong đó có 94 trung tâm sát hạch lái xe ôtô, 23 trung tâm đủ điều kiện sát hạch lái xe hạng FC.

Theo đánh giá, số lượng cơ sở đào tạo quá nhiều so với nhu cầu học lái của người dân. Đã có tình trạng cơ sở đào tạo không tuyển sinh đủ, phải tìm cách giảm học phí để cạnh tranh, thu hút học viên. Rồi do học phí thấp, cơ sở đào tạo “làm liều” cắt xén chương trình đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Chỉ tính trong năm 2012, qua kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) đã phát hiện 18 cơ sở vi phạm, ra quyết định: cảnh cáo 6 cơ sở, đình chỉ tuyển sinh 7 cơ sở đào tạo lái xe ôtô; thu hồi 2 giấy phép đào tạo lái xe ôtô, hạ lưu lượng tuyển sinh 3 cơ sở đào tạo.

Nguyễn Hưng – Trần Huy – Đức Thắng
.
.
.