Ai thuê "thám tử tư"?

Thứ Bảy, 03/05/2008, 17:15
Thâm nhập nghề "thám tử", chàng trai chưa vợ Lương Hiền Duy phát hiện khá nhiều góc khuất của những gia đình. Đôi khi chỉ vì “thần hồn nát thần tính”, thấy vợ (chồng) có vài biểu hiện lạ, thế là nghi, thế là đến các văn phòng "thám tử" với tất cả nỗi bức xúc.
>> Kỳ I: “Thám tử tư” ở TP HCM

Khi "thám tử" đụng… cướp

Giữa trưa một ngày tháng 3, Công ty Dịch vụ Cung cấp thông tin Việt - Mỹ TP HCM nhận được điện thoại của khách hàng yêu cầu xác minh giúp nơi ở của hai đối tượng có thể đang ngụ tại một ấp vùng sâu, thuộc địa phận giáp ranh biên giới. Hiểu rõ tính chất phức tạp của việc xác minh lai lịch đối tượng tại vùng giáp ranh nhưng vì uy tín của công ty nên Ban giám đốc đồng ý nhận lời. Lập tức, "thám tử" của công ty là Hoàng Hùng, nhận lệnh lên đường.

Từ TP HCM, Hùng bắt xe đò hướng về một tỉnh nằm ở địa phận cuối vùng Đông Nam Bộ. Đến thị xã, Hùng nhanh chóng tìm chỗ nghỉ và cải trang thành một nhân vật đại gia tầm cỡ, với ý định ban đầu là sẽ nhập vai một tay chuyên buôn đất hay chuẩn bị đầu tư trang trại để xâm nhập thực tế vào vùng mà khách hàng yêu cầu, đó là một khu vực giáp ranh biên giới.

Diện lên mình chiếc áo cổ cồn trắng, quần ủi ly thẳng đứng, thêm tí nước hoa, đeo điện thoại vào thắt lưng... Hùng biến thành một đại gia đi coi đất đúng nghĩa theo vẻ bề ngoài. Nhưng, cánh xe ôm được Hùng yêu cầu chở vào vùng địa phận kia thì lắc đầu nguầy nguậy từ chối với lý do duy nhất: “Sợ cướp”.

Một lái xe ôm trung niên chỉ cho Hùng coi vết sẹo dài vắt ngang khuôn mặt mình, nói gọn lỏn: “Thấy không? Cách đây 6 tháng, khách chạy thoát, tui mất xe, nằm bất tỉnh giữa rừng cao su”.

Lời cảnh báo cộng với vết sẹo trên mặt của bác xe ôm khiến Hùng cảm thấy lạnh lưng. Tuy nhiên, không thể nào trở về TP HCM chỉ vì câu chuyện cảnh giác của cánh xe ôm ấy. Hùng lầm lũi tiến vào địa phận giáp ranh.

Quãng đường chỉ chừng 4km, không nhà dân, tịnh không bóng người, hai bên đường chỉ là những cánh rừng bạt ngàn thẳng tắp. Đi được hơn một giờ, Hùng gặp ngay cướp mà cánh xe ôm đã cảnh báo.

Đoạn đường vắng tanh bỗng xuất hiện 4 người đàn ông ngoài 30 tuổi, mặt mày bặm trợn, trên tay là hung khí: mác, mã tấu lẫn... gậy. “Đại gia, đàn em ở trong này lâu rồi. Cũng đói lắm, nên có muốn làm khó dễ gì “đại gia” đâu. “Đại gia” bỏ lại điện thoại, nhẫn, dây chuyền, đồng hồ và ví rồi “đại gia” cứ đi ngược trở ra.

Nếu “đại gia” thấy cần thiết, đàn em sẽ tự nguyện cử thêm người hộ tống bằng xe máy để đưa “đại gia” ra đến bìa rừng” -  Một tên trong bọn nói bằng giọng sắc ngọn.

“Nếu tôi không bỏ lại bất cứ thứ gì thì sao?”, Hùng nói cứng. “Thì lại thêm một thây người nằm xuống. Có vậy thôi mà mày phải hỏi”, một tên khác đổi giọng.

Tên này vừa dứt lời, lập tức 3 tên còn lại nhào ngay vào người Hùng, vung vũ khí lên để tấn công. Dĩ nhiên, "thám tử" cũng có chút võ vẽ. Tránh được nhát chém thứ nhất, nhát đâm thứ hai rồi nhào đầu ra bất cứ hướng nào còn trống để... chạy thục mạng.

Phía trước là "thám tử" chạy bán sống bán chết, phía sau là bọn cướp đuổi theo. Hùng vừa chạy vừa chua chát với suy nghĩ “Chắc chắn rằng mình bỏ mạng tại đây?”.

May sao, chạy được hơn 15 phút, Hùng thấy thấp thoáng có bóng nhà giữa rừng. Không còn cách nào khác, Hùng đẩy mạnh cửa ngôi nhà kia và lao vào trú ẩn. Số Hùng chưa đến nỗi bỏ mạng giữa rừng sâu, đó là trạm kiểm lâm và lúc ấy trong trạm có người. Bốn tên cướp khựng lại khi thấy Hùng chui vào trạm kiểm lâm, chúng hậm hực chửi váng lên trước khi bỏ đi.

Sau khi nghe Hùng trình bày, các cán bộ kiểm lâm tốt bụng với súng trên tay đã hộ tống Hùng ra khỏi khu rừng. Cảm ơn những cán bộ kiểm lâm, Hùng đón xe ôm chạy một mạch về thị xã. Đến khách sạn, Hùng mới tin chắc rằng mình vẫn còn sống.

Ngay chiều hôm đó, Hùng gọi điện thoại về TP HCM thông báo với Ban giám đốc công ty về hiện trạng của cuộc xác minh nơi ở của 2 đối tượng. Ban giám đốc công ty ban đầu tính cử thêm "thám tử" lên để hỗ trợ Hùng, tuy nhiên sau khi bàn bạc, đã quyết định gọi Hùng về lại TP HCM, chấp nhận mất chi phí cử "thám tử" đi điều tra lẫn sự phiền lòng của khách hàng để bảo đảm an toàn cho nhân viên của mình.

Hôm gặp chúng tôi tại quán càphê trên đường Đông Hồ, sau khi kể lại sự việc, Hùng cười: “Chẳng biết lúc đó mình lấy đâu ra nhiều sức thế. Chứ đi bộ hơn một giờ là hai chân đã mỏi nhừ, nhưng không hiểu sao vẫn chạy rất tốt. Lúc đó, chưa chắc vận đồng viên điền kinh đoạt huy chương vàng toàn quốc đã chạy nhanh bằng mình”.

Những chuyện dở khóc, dở cười

Đối với các "thám tử tư", việc được cử đi công tác tại các tỉnh luôn rất hào hứng. Vì theo một "thám tử" vào nghề đã lâu năm tiết lộ thì: “Tác nghiệp ở các tỉnh rất dễ dàng. Vì bà con mình ít ai để ý đến việc một người chụp ảnh hoặc quay video. Có khi, bà con tưởng mình là Việt kiều nữa.

Còn ở TP HCM, chụp hoặc quay phim không cẩn thận, để bị phát hiện thì bị “bụp” ngay. Không bị “bụp” thì cũng bị mời lên Công an vì hành vi theo dõi”.

Mạnh Hữu theo nghề "thám tử" đã được hơn 5 năm. Trước kia, Hữu là sinh viên trường Luật. Tốt nghiệp chuyên ngành Luật Dân sự, một người bạn đồng khóa với Hữu mở Văn phòng cung cấp dịch vụ thông tin trên đường 3-2, TP HCM. Vì văn phòng nhỏ, chủ yếu quảng cáo qua mạng để khách hàng biết mà gọi điện thoại đến đặt hàng, nên bạn Hữu rủ Hữu về làm chung.

Thấy chuyện làm "thám tử" cũng ngộ, cộng thêm bị ám ảnh về những gì phim ảnh chiếu về nghề "thám tử", Hữu vứt tấm bằng cử nhân Luật, rẽ ngoặt sang làm "thám tử". Nhưng "thám tử" đời thật không như trên phim.

Nhiệm vụ đầu tiên mà Hữu nhận là hợp đồng giám sát (theo dõi thì chính xác hơn) một ông chồng đi công tác, theo yêu cầu của bà vợ. Rất hăm hở, Hữu bám theo ông chồng từ bến xe miền Tây về đến TP Cần Thơ. Ông chồng vào khách sạn đặt phòng ngủ, Hữu cũng theo vào khách sạn.

Vừa vứt đồ trong phòng xong là lập tức Hữu nhào xuống phòng chờ của khách sạn để “canh” ông chồng. Ngờ đâu, ông ta ở lì trên phòng cả ngày hôm đó, chỉ gọi tiếp tân mang đồ ăn lên phòng.

Ngày hôm sau, bảnh mắt Hữu đã tiếp tục đợi ở phòng chờ. Lần này thì người đàn ông kia phải xuất hiện để đi ra ngoài. Ông ta đón xe ôm phía trước, Hữu đón xe ôm phía sau. Ngồi xe ôm, anh chàng lần đầu làm "thám tử" này cứ loay hoay với cái máy quay phim băng to đùng để ghi hình người đàn ông trước mặt.

Đang quay ngon trớn, bỗng chiếc xe phía trước thắng gấp lại, người đàn ông bước từ yên sau xe xuống, chẳng nói chẳng rằng tóm ngay cái máy quay phim của Hữu ném xuống đất. Đồng thời, thoi cho "thám tử" vài đấm chí mạng vào mặt.

“Tao để ý mày từ lúc trên xe chứ không phải là khi vào khách sạn đâu. Mày biến nhanh không tao bắt đem nộp cho chính quyền bây giờ”, người đàn ông rít lên. Vừa quê vừa đau, Hữu chỉ còn cách nhặt máy quay phim lên, cắm mặt đi thẳng.

“Phi vụ "thám tử"" đầu tiên này thất bại thê thảm. Nhưng nếu báo cáo về văn phòng, thể nào Hữu cũng bị cười vào mũi. Vậy là anh chàng này dở chiêu “báo cáo láo”, nghĩa là mặc dù không thành công trong công việc, Hữu cứ báo về văn phòng rằng đã theo dõi được ông chồng đi đâu, làm gì, gặp ai...

Kết quả cuối cùng, cả Hữu lẫn người bạn làm "thám tử" bị khách hàng “mắng vốn” cho một trận tơi tả. Đó là bài học đau nhất cho đến giờ mà Hữu gặp phải.

Tuy nhiên, cú sốc ở miền Tây này với Hữu chẳng thấm vào đâu so với một "thám tử" khác.

Thám tử này nhận lệnh của công ty đi theo dõi một vụ chồng có bồ nhí ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), người vợ nghi ngờ đã lâu nhưng chưa có bằng chứng. Nay muốn nhờ "thám tử" ghi hình lại những cảnh chồng mình tay trong tay với người phụ nữ khác để làm bằng chứng truy vấn ông chồng “mèo mỡ” kia. Hợp đồng được đặt ra có thời hạn một tuần, hình ảnh về người đàn ông do vợ cung cấp, "thám tử" lên đường.

Đến Cao Lãnh, theo dấu người đàn ông thì "thám tử" phát hiện ông đi vào một ngôi nhà nhỏ, nằm sâu trong cái hẻm cạnh mặt đường quốc lộ. Sợ mất dấu, "thám tử" vội vội vàng vàng tìm bụi rậm gần ngôi nhà để “thập diện mai phục”.

Chưa kịp ngồi yên chỗ, thì trời bất ngờ đổ mưa, "thám tử" vội vàng mua áo mưa trùm vào người, chạy về vị trí cũ để... rình tiếp. Thời gian cứ trôi qua dần, trời sập tối mà người đàn ông vẫn chưa rời khỏi ngôi nhà. Thám tử cắn răng ngồi trong bụi để nuôi... muỗi.

Tưởng vậy là đủ cực khổ, nào ngờ phía sau "thám tử" có giọng người nói rất bức xúc: “Thằng kia, mày làm gì cứ ngồi rình nhà chú Tư vậy hả?”, kèm theo tiếng nói là hàng chục ánh đèn pin soi rõ bộ dạng co ro của "thám tử" đang ngồi.

Trên tay là máy quay phim, trên lưng là balô quần áo, "thám tử" không biết giải thích thế nào chỉ còn cách quay mình chạy. Đám đông vừa đuổi theo, vừa hô lên: “Trộm, trộm, bắt lấy nó!”.

Thám tử càng hoảng lên, vứt cả máy quay phim để chạy. Cuối cùng "thám tử" cũng bị chộp cổ, đoàn người rồng rắn dẫn "thám tử" lên phường để báo cáo tình hình. Tại đây, "thám tử" nhận được hàng chục câu hỏi rằng: “Mày theo dõi người ta để làm gì?”; “Mày ở đâu tới?”; “Mày tính ăn trộm hay ăn cướp”...

Thuyết phục mãi "thám tử" mới được gọi điện thoại về công ty để trình bày sự việc. Ngay hôm sau, công ty phải cử người mang giấy tờ làm bằng chứng "thám tử" là người của mình xuống Cao Lãnh để “rước” "thám tư"... hồi gia.

Góc khuất nghề "thám tử"

Lương Hiền Duy – Giám đốc Công ty Dịch vụ Cung cấp thông tin Việt - Mỹ kể rằng, đã có công ty "thám tử" bị nhân viên mình bán đứng, khi công ty N. nhận hợp đồng với một đối tác, cử nhân viên đi giám sát, điều tra, ai ngờ đâu nhân viên đã móc nối với người bị giám sát “lật kèo”, khiến công ty N. “bể” hợp đồng và mất uy tín nghiêm trọng...

Những bí mật đời tư của mỗi người là điều nhạy cảm, mà nghề "thám tử" tư thì rất dễ làm lộ đời tư người khác và xâm phạm đời tư người khác. Tôi nói với Duy như thế.

Duy trầm ngâm một lúc rồi bảo rằng: “Nghề "thám tử" của em là nghề được người ta trả tiền để điều tra và... im lặng. Chúng em rất tôn trọng đời tư của người khác”.

Duy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thế này. Có một bà vợ muốn ly hôn với chồng, nhưng người vợ tìm mãi không thấy có một lý do gì để ly hôn, thế là người vợ tạo một nick name khác trên yahoo messenger rồi “tán tỉnh” người chồng trên mạng, ai ngờ người chồng “mắc bẫy”. Người vợ cao tay ấn, với cái nick name ấy đã hẹn người chồng đến khách sạn.

Sau đó người vợ đến liên hệ với công ty của Duy, chỉ với một yêu cầu Duy sử dụng một "thám tử" nữ giả làm cô gái đã chát với người chồng, đến khách sạn và cô ta sẽ đến bắt quả tang.

Không cần suy nghĩ, Duy nói thẳng rằng công ty của Duy không thực hiện những hợp đồng như thế và cương quyết từ chối bản hợp đồng có giá trị lớn. Người phụ nữ nọ ra về trong nỗi hậm hực...

Có lần, Duy tiếp nhận một hợp đồng giám sát một người chồng, cả gia đình đều nghi anh này đi “ăn vụng”, nghe kể thì Duy cũng tin như thế, với anh này thường xuyên đi đến gần sáng mới về nhà, lại hững hờ chuyện gối chăn, vợ có hỏi thì cũng ậm ừ cho qua chuyện. Cực chẳng đã, người vợ mới thuê "thám tử" tư".

Sau khi Duy "điều tra" mới phát hiện, người chồng không hề ngoại tình, những đêm anh ta không về nhà là anh thức trắng ngoài các quán càphê để coi đá banh và... cá độ. Chuyện cá độ vốn cũng không hay ho gì, đấy là lý do anh ta giấu nhẹm. Còn chuyện hững hờ gối chăn cũng chỉ vì hò hét quá sức khiến về đến nhà anh ta chỉ có vùi đầu vào ngủ lấy sức mai đi làm...

Cô vợ nghe xong những báo cáo của Duy với đầy đủ hình ảnh thì lấy làm vui lắm, ngay hôm ấy nghe đâu cô đã sắm hẳn một tivi màn hình lớn, kêu người đến lắp đặt hệ thống truyền hình cáp có thể coi tất cả những kênh thể thao lớn như ESPN để giữ chân ông chồng ở nhà...

Thâm nhập nghề "thám tử", chàng trai chưa vợ Lương Hiền Duy phát hiện khá nhiều góc khuất của những gia đình. Đôi khi chỉ vì “thần hồn nát thần tính”, thấy vợ (chồng) có vài biểu hiện lạ, thế là nghi, thế là đến các văn phòng "thám tử" với tất cả nỗi bức xúc. Kết quả thường chỉ là những câu chuyện hài hước như vụ ông chồng mê đá banh nọ.

Thông thường các công ty "thám tử" và khách hàng cam kết không tiết lộ bất cứ điều khoản nào trong hợp đồng với người thứ 3, nhưng nhiều khi khách hàng vì bức xúc không kiềm chế đã kể cho chồng (vợ), thế là công ty bị chồng (vợ) đến mắng. Lúc đó, các công ty "thám tử" chỉ còn biết thực hiện luật... im lặng.

"Thám tử tư"… cần một danh phận

Theo nhiều "thám tử" tư", nhu cầu điều tra, giám sát, cung cấp thông tin trong xã hội hiện nay là rất lớn, đặc biệt là những vấn đề về quan hệ vợ chồng, con cái, tìm kiếm người già lạc đường, con cái bỏ nhà đi, cung cấp thông tin trong những vụ án hàng giả, hàng nhái, quyền tác giả, tác phẩm, sở hữu công nghiệp đến tư  vấn luật miễn phí.

Như ông C.V.K. cho biết, khi nghi ngờ đứa con đang “lạc đường”, những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi không biết phải làm sao, có trách con trẻ thì chúng hỏi vặc lại: chứng cứ đâu. Mà bỏ thời gian theo chân bọn trẻ thì rất dễ bị lộ, báo công an thì đây chưa phải là chức năng của họ, "thám tử tư" như là một cứu cánh của chúng tôi...

Duy trầm ngâm: “Anh đừng tưởng nghề "thám tử tư" dễ kiếm tiền, nó đầy cạm bẫy và nghuy hiểm. Thám tử tụi em phải thường xuyên đối mặt với bọn bảo kê, đâm thuê chém mướn, nghiện hút và thường xuyên sống trong nỗi ám ảnh bị các đối tượng kiện về tội chọc mũi vào đời tư, tiết lộ bí mật cá nhân người khác”.

 Tại TP HCM, ngoài các công ty nổi tiếng về lĩnh vực "thám tử" như Công ty Việt - Mỹ, Lương Gia, Thông tin Việt, nhiều văn phòng luật sư, một vài công ty bảo vệ cũng tham gia tích cực vào lĩnh vực này.

Như chúng tôi đã khẳng định, "thám tử tư" là một lĩnh vực rất nhạy cảm, vì thế các công ty làm dịch vụ này tại TP HCM đều phải hoạt động “né” luật dưới nhiều hình thức, tên gọi khác nhau và chờ ngày mở “cơ chế”.

Một giám đốc công ty "thám tử tư" cho biết: “Tôi mong luật pháp sớm chính thức cho phép các công ty "thám tử" hoạt động. Có danh chính ngôn thuận, Nhà nước cũng dễ dàng trong việc quản lý và kiểm soát loại hình dịch vụ này”.

Đây cũng là mong mỏi của nhiều anh em "thám tử" hành nghề chân chính!

Thuận Thiên - Kinh Luân - ANTG số 748
.
.
.