Ai giải quyết tranh chấp tài sản ảo trong game online?

Thứ Hai, 20/07/2009, 11:25
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử, khi có tranh chấp xảy ra giữa doanh nghiệp với người chơi về tài sản ảo trong game online, người chơi với người chơi thì có thể gửi văn bản đến Cục Quản lý Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử để giải quyết. Nếu tranh chấp ở mức độ cao hơn, thì cơ quan quản lý sẽ xem xét chuyển tới đơn vị có chức năng giải quyết.

Mặc dù là một ngành Công nghiệp non trẻ, hứa hẹn nhiều tiềm năng... tuy nhiên, sự phát triển của game online trên thực tế đã kéo theo nhiều hệ lụy, như nạn "nghiện" game và các vấn đề tiêu cực khác liên quan đến ANTT. Ngày 19/7, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc đối thoại trực tuyến xung quanh việc quản lý thế nào để game online phát triển lành mạnh.

Một vấn đề "nóng" mà nhiều độc giả quan tâm trong buổi đối thoại trực tuyến là vấn đề quản lý tài sản ảo. Game online là trò chơi về thế giới ảo, tài sản cũng ảo nhưng đó lại là một dạng tài sản mà người chơi cũng bỏ công sức và tiền bạc để có được, rồi từ đó cũng phát sinh ra những hoạt động trao đổi, mua bán có thực, và cả những tranh chấp có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch 60 về quản lý Game online lại chưa đề cập tới vấn đề này? Vì thế khi gặp các vấn đề tranh chấp về quyền lợi, trách nhiệm giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ, người chơi không biết đơn vị quản lý nhà nước nào đứng ra giải quyết?

Trả lời vấn đề này, ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ TT&TT  khẳng định: Thông tư 60 ra đời chỉ sau 2 năm trò chơi trực tuyến du nhập vào Việt Nam. Khoảng thời gian đó rất ngắn để tích lũy kinh nghiệm về mặt quản lý của cơ quan chức năng. Vào thời điểm đó, thế giới cũng chưa đưa ra căn cứ xây dựng để công nhận tài sản ảo. Vì vậy, Thông tư 60 chưa cho phép đề cập đến tài sản ảo.

Cũng theo ông Hải, khi có tranh chấp xảy ra giữa doanh nghiệp với người chơi, người chơi với người chơi thì có thể gửi văn bản đến cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực này. Cụ thể là gửi tới Cục Quản lý Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử để giải quyết. Nếu tranh chấp ở mức độ cao hơn, thì cơ quan quản lý sẽ xem xét chuyển tới đơn vị có chức năng giải quyết.

Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian tới, khi xây dựng  Dự thảo QĐ của Thủ tướng CP về quản lý trò trơi trực tuyến thay thế Thông tư 60 sẽ xem xét để có những quy định bảo vệ quyền lợi của người chơi phù hợp với quy định của pháp luật.

Nạn nghiện game trong giới trẻ ngày càng tăng.

Cũng tại buổi đối thoại trực tuyến, nhiều độc giả đặt câu hỏi: Làm thế nào để những người chơi game online không thể chơi quá 2 giờ/lượt; trong một ngày (24 giờ) không được chơi quá 3 lượt...

Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Vũ Hải cho biết: Thông tư 60 hiện nay sử dụng yếu tố điểm thưởng để hạn chế người chơi game quá nhiều với quy định sau 5 giờ chơi không được nhận điểm thưởng. Đây là biện pháp mà cơ quan quản lý Nhà nước Trung Quốc đã áp dụng... Tuy nhiên, ở Việt Nam, các doanh nghiệp chưa có điều kiện và hệ thống để xác thực chứng minh thư người chơi như ở Trung Quốc và Hàn Quốc, vì vậy cũng khó có thể áp dụng theo kinh nghiệm của 2 nước này.

Trong thời gian tới, khi xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý game online thay thế cho Thông tư 60, Ban soạn thảo sẽ xem xét để có những quy định hạn chế giờ chơi khả thi hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Một vấn đề khác được nhiều phụ huynh quan tâm là cơ quan quản lý đã có biện pháp nào đối với các chủ kinh doanh dịch vụ game online tại nhà hay chưa? Thực tế sự xuất hiện lan tràn các quán game online hiện nay khiến cho các bậc phụ huynh học sinh rất bức xúc vì không thể quản lý nổi con mình. Liệu có thể áp đặt quy định nghiêm ngặt hơn về giờ giấc mở cửa hoạt động đối với các quán này để ngăn chặn sự sa đà của các em học sinh sinh viên với game online hiện nay?

Trả lời câu hỏi này, ông Lưu Vũ Hải nhấn mạnh: Theo các quy định hiện hành quy định cụ thể về giờ chơi, trò chơi trực tuyến cho phép người chơi game từ 6h sáng đến 24h đêm.

Thông tư quy định rõ, đại lý Internet không được gần hơn 200m so với trường học nào xung quanh. Đồng thời, Thông tư cũng quy định trách nhiệm của đại lý Internet phải cung cấp đầy đủ thông tin người  chơi và chịu trách nhiệm về sự trung thực của thông tin này. Thông tư cũng quy định trẻ em dưới 14 tuổi vào chơi phải có người lớn  bảo lãnh.

Tuy nhiên, do việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp game, đại lý Internet chưa chặt chẽ nên các "điều cấm" này trên thực tế vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn

Hoàng Mai
.
.
.